Nhớ mãi một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”
- Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là con đường huyết mạch vận chuyển vũ khí và hàng hoá chi viện cho chiến trường miền Nam. Từng một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, những chiến sĩ chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên đường Trường Sơn năm ấy vẫn luôn nhớ về một thời hào hùng, xông pha trận mạc để bảo vệ Tổ quốc, góp phần làm nên thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.

Hoà chung không khí cả nước đang hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), chúng tôi có dịp gặp và trò chuyện với những cựu chiến binh Trường Sơn hiện đang sinh sống trên địa bàn thành phố Lạng Sơn.
Tháng 12/1971, ông Trương Đình Đông (sinh năm 1954), trú tại phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn đã xung phong ngập ngũ để bảo vệ Tổ quốc. Ông Đông được phân công vào đơn vị Sư đoàn bộ binh 304B, huấn luyện đến tháng 2/1972, ông Đông được cử đi học lái xe tại Trường lái xe Quân khu Việt Bắc. Học lái xe trong 45 ngày, ông Đông được bổ sung vào đơn vị pháo cao xạ thuộc Trung đoàn 262, Sư đoàn 365. Cuối năm 1972, ông nhận lệnh hành quân vào chiến trường miền Nam.
Trong suốt 16 năm chống Mỹ cứu nước (từ năm 1959 đến 1975), các chiến sĩ Trường Sơn đã kiên cường chống chọi với trên 733.000 lượt oanh kích của không quân Mỹ, hàng triệu tấn bom đạn các loại; làm nên hệ thống giao thông gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang, gần 17.000 km đường xe cơ giới, tiêu diệt và bắt sống 17.740 tên địch... làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh lịch sử
|
Thời gian đã trôi qua hơn nửa thế kỷ nhưng những năm tháng cùng đoàn xe vượt qua “mưa bom, bão đạn” trên con đường Trường Sơn huyền thoại là những kỷ niệm in đậm mãi trong tâm trí người lính lái xe năm ấy. Ông Đông nhớ lại: Tôi làm nhiệm vụ lái xe chở hàng hoá, quân lương, vũ khí để tiếp tế cho chiến dịch. Hằng ngày, đoàn xe xuất phát từ xế chiều đi suốt một đêm để đưa vũ khí, đạn dược, thực phẩm, chiến sĩ vào tiền tuyến. Cung đường Trường Sơn năm ấy gập ghềnh bởi “bom cày, đạn xới”, thêm vào đó, xe nào cũng phải nguỵ trang, không được sử dụng đèn xe mà phải dùng đèn gầm, đèn rùa chiếu sáng trong cự khi chừng 3 mét, khi đi qua khu vực có nước phải tắt đèn để tránh phản chiếu ánh sáng sẽ bị địch phát hiện. Thời tiết cũng vô cùng khắc nghiệt, mùa khô thì nắng nóng đến cháy da, cháy thịt, mùa mưa thì kéo dài khiến đường đất nhầy nhụa. Khó khăn là vậy nhưng chúng tôi vẫn phải vững tay lái, bởi chỉ cần sơ sẩy một chút thôi là cả người và hàng hoá trên xe có thể rơi xuống vực sâu.
Còn đối với người lính thông tin Nông Quốc Toán (sinh năm 1949), trú tại phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, Trường Sơn trong ký ức của ông những năm ấy vô cùng khốc liệt, gian khổ, sống - chết chỉ trong gang tấc. Ông Toán nhập ngũ tháng 2/1968, thuộc Sư đoàn 304B Thái Nguyên. Tháng 10/1970, ông Toán cùng đơn vị hành quân vào Nam, ông là đài trưởng đài thông tin liên lạc, có nhiệm vụ nhận và truyền thông tin cho cơ sở.
Nhớ về những ngày tháng ấy, ông Toán xúc động: Ngày ấy, chúng tôi phải sinh hoạt trong hầm trú sâu 2 m, có những ngày, để cải thiện bữa ăn, chúng tôi phải lên rừng hái rau rừng, ra suối bắt cá. Trong một lần đi bắt cá, hầm trú của chúng tôi bị máy bay địch phát hiện và ném bom, tôi khi ấy may mắn thoát chết nhưng đồng đội của tôi đã hy sinh, trong đó có anh Dần, quê ở Hải Dương, người bạn thân thiết của tôi nơi chiến trường.
Trong chiến tranh, không ai đếm xuể những khó khăn, nguy hiểm, sự sống và cái chết rất mong manh, nhưng trong tim những người lính Trường Sơn, niềm tin chiến thắng và ý chí quyết tâm đã giúp họ vượt lên tất cả. Những người lính Trường Sơn như ông Đông, ông Toán đã góp phần cùng với quân và dân cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Những ký ức hào hùng, những ngày binh lửa tham gia mở đường, chiến đấu trên đường Trường Sơn của những người lính năm xưa vẫn mãi là nguồn sáng, là những bài học quý báu về giá trị của độc lập, tự do, của hoà bình, về lòng tự hào, tự tôn dân tộc để các thế hệ trẻ noi theo, từ đó ra sức học tập, thi đua để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ý kiến ()