Nhìn thẳng - Nói thật: Sự sa sút đạo đức của một bộ phận giới trẻ
Hơn 20 bị cáo là thanh thiếu niên, trong đó có 11 bị cáo dưới 18 tuổi vừa bị Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tuyên phạt từ 5 tháng tù đến 8,5 năm tù giam vì tội vi phạm trật tự, an toàn giao thông và gây rối trật tự công cộng khiến một cô gái chết oan là tiếng chuông cảnh báo về một bộ phận giới trẻ sống buông thả, vô trách nhiệm đã gây hại với chính bản thân, gia đình và cộng đồng.

Thời gian gần đây, không khó để bắt gặp trên mạng xã hội những video clip thanh niên chửi bới cha mẹ, cãi tay đôi với thầy cô, sẵn sàng xô xát chỉ vì một cái nhìn hay va chạm nhỏ. Đáng lo hơn, không ít bạn trẻ lại coi đó là “bình thường”, thậm chí là “chất” và “ngầu”. Đó là điều đáng báo động về sự lệch lạc nhận thức về đạo đức, lòng hiếu thảo và cách ứng xử của một bộ phận giới trẻ hiện nay.
Nguyên nhân trước hết là do sự phát triển nhanh chóng của xã hội hiện đại kéo theo thay đổi mạnh mẽ trong hệ giá trị sống. Khi đồng tiền, danh vọng, sự nổi tiếng được lăng xê, quảng bá rầm rộ, ồn ĩ, nhiều bạn trẻ dễ bị cuốn vào vòng xoáy của chủ nghĩa cá nhân, thực dụng. Lòng hiếu thảo, tình cảm gia đình, sự khiêm nhường-những phẩm chất vốn là căn cốt của đạo lý dân tộc-dần bị mờ nhạt, thay vào đó là cái tôi ích kỷ và sự vô cảm.
Một nguyên nhân khác không thể không nói đến là sự buông lỏng trong giáo dục gia đình và nhà trường. Nhiều bậc cha mẹ quá bận rộn với cuộc mưu sinh, thiếu thời gian trò chuyện, định hướng con cái; hoặc ngược lại, nuông chiều, đáp ứng mọi yêu cầu của con vô điều kiện. Điều đó vô tình làm thui chột sự biết ơn, sự tôn trọng trong tâm hồn trẻ. Trong khi đó, ở một số nơi, giáo dục đạo đức trong nhà trường vẫn còn hình thức, chưa gắn với hoạt động trải nghiệm thực tiễn bổ ích.
Thêm vào đó, sự bùng nổ của mạng xã hội với vô vàn nội dung độc hại đang ảnh hưởng tiêu cực đến cách nhìn và hành xử của giới trẻ. Không thiếu những hiện tượng mạng nổi tiếng nhờ... hỗn láo, khoe của, nói tục, gây sốc. Đáng nói là một bộ phận giới trẻ lại xem đó như hình mẫu “thành công nhanh”, bất chấp những giá trị đạo đức nền tảng bị đảo lộn.
Dù đa số thanh niên Việt Nam hôm nay vẫn sống có lý tưởng, yêu nước và tràn đầy nhiệt huyết, khát vọng cống hiến, thế nhưng những biểu hiện lệch chuẩn của một bộ phận người trẻ cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn xã hội. Nếu không kịp thời uốn nắn, vun trồng đạo đức từ gốc rễ, sẽ rất nguy hại khi thế hệ trẻ lớn lên trong sự lỏng lẻo giáo dục của gia đình và sự sa sút về phẩm chất nhân cách.
Muốn khắc phục tình trạng nêu trên, trước hết cần bắt đầu từ gia đình-cái nôi đầu tiên góp phần hình thành, tạo dựng nhân cách của người trẻ. Cha mẹ không chỉ dạy con bằng lời, mà quan trọng hơn là dạy bằng chính cách sống đàng hoàng, tử tế, trách nhiệm của mình. Trong nhà trường, giáo dục đạo đức cần được đưa vào với những hình thức sinh động, gần gũi, gắn với thực tiễn và tâm lý lứa tuổi. Đặc biệt, vai trò của thầy cô, đoàn thể, các tổ chức xã hội trong việc bồi dưỡng lối sống đẹp cho thanh thiếu niên cần được phát huy mạnh mẽ hơn nữa.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần tăng cường quản lý nội dung trên mạng xã hội, kiên quyết chấn chỉnh, dẹp bỏ những thông tin, hình ảnh cố tình tạo ra những “thần tượng” méo mó, lệch chuẩn về đạo đức nhân cách. Thay vào đó, hãy lan tỏa nhiều hơn những tấm gương hiếu nghĩa, lối sống đẹp trong đời thường. Một xã hội lành mạnh không chỉ dựa vào luật pháp, mà còn phải có nền tảng vững chắc từ những giá trị đạo đức.
Chấn hưng, vun đắp giá trị đạo đức cho thế hệ trẻ không phải việc ngày một ngày hai, nhưng là việc cần phải làm thường xuyên, liên tục, bền bỉ bằng tất cả sự quan tâm, trách nhiệm và tình yêu thương của gia đình, nhà trường, xã hội.

Ý kiến ()