Nhiều doanh nghiệp Thụy Điển tìm cơ hội đầu tư ở Việt Nam
Môi trường kinh doanh cũng như sự hấp dẫn đầu tư của thị trường Việt Nam thời gian qua đang được các doanh nghiệp Thụy Điển quan tâm.
Môi trường kinh doanh cũng như sự hấp dẫn đầu tư của thị trường Việt Nam thời gian qua đang được các doanh nghiệp Thụy Điển quan tâm.
“Nhiều doanh nghiệp Thụy Điển mong chờ cơ hội đầu tư tại Việt Nam, hy vọng có nhiều triển vọng phát triển”, bà Camilla Mellander, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam chia sẻ với báo giới sáng 19-11 tại Hà Nội.
Trong dịp đoàn doanh nghiệp Thụy Điển sang tìm hiểu cơ hội đầu tư, mở rộng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam, bà Camilla Mellander cho biết, Chính phủ Thụy Điển đã có nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp Thụy Điển sang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trong các lĩnh vực mà Thụy Điển có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu để phát triển kinh tế xã hội.
11 tập đoàn, công ty Thụy Điển chuyên cung cấp các trang thiết bị máy móc công nghiệp phục vụ ngành khai mỏ, khai khoáng, dầu khí, năng lượng, hàng hải, công nghiệp tái chế và lâm nghiệp, xây dựng, các dịch vụ tài chính và ngân hàng….
Tại buổi họp báo, đại sứ Camilla Mellander chia sẻ: Việt Nam cũng như Thụy Điển trước đây hiện đang đối phó với với rất nhiều khó khăn. Đó là tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị, vấn đề xử lý nước thải, đặc biệt là làm sao giao thông phát triển theo hướng bền vững.
Kinh nghiệm từ sự phát triển giao thông ở thành phố Stockholm cho thấy, khoảng những năm 1970 về trước, thành phố Stockholm cũng phải đối phó với vấn đề nâng cao năng lực vận tải công cộng, đồng thời phải làm sao hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch. Bởi thế, vấn đề môi trường luôn được Chính phủ quan tâm và cho phép các doanh nghiệp đầu tư giải pháp xanh trong suốt hơn 30 năm qua.
Giải pháp xanh trong đó phải ưu tiên các phương tiện sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, sử dụng các nguồn năng lượng xanh. Đây là vấn đề mang tính sống còn cho việc bảo đảm giao thông bền vững. Dịp này, các doanh nghiệp Thụy Điển đặc biệt quan tâm tìm hiểu đầu tư và hợp tác trong việc phát triển giao thông đô thị theo hướng bền vững.
Các doanh nghiệp Thụy Điển cũng sẵn sàng hỗ trợ các thành phố ở Việt Nam hợp tác về năng lượng thay thế, xử lý rác và nước thải. Từ kinh nghiệm ở Thụy Điển, hệ thống phân loại rác thải tại nguồn được chuyên nghiệp hóa, kéo theo quy trình, công nghệ tái chế, tái sử dụng hiện đại và chuyên nghiệp. Rác thải được tái chế thành hàng hóa, thành khí sinh học, hỗ trợ hệ thống sưởi, chạy ô tô buýt…
Ông James Amstrong, giám đốc điều hành công ty Scania tại khu vực Đông – Nam Á, có trụ sở tại Singapore cho biết, hệ thống xe buýt nhanh (BRT) sử dụng khí sinh học đang được sử dụng hiệu quả tại một số nước ở Nam Mỹ, Australia, Nam Phi… Hy vọng, nếu có cơ hội hợp tác đầu tư, phát triển hệ thống này ở Việt Nam sẽ giúp thay đổi hệ thống giao thông đô thị. Theo ông James Amstrong, để đầu từ một km cho hệ thống BRT chỉ mất từ 1-10 triệu USD, trong khi đầu tư đường sắt trên không là 20-40 triệu USD.
Đón trước các hoạt động hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp Thụy Điển tại Việt Nam trong thời gian tới, một tổ chức cung cấp tư vấn hỗ trợ giải pháp tài chính cho doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc Chính phủ Thụy Điển, có tên gọi tổ chức SEK, sẽ đứng ra hỗ trợ doanh nghiệp khi đầu tư tại Việt Nam.
Các giải pháp, công nghệ trong ngành vận tải cũng là thế mạnh của Thụy Điển. Công ty Stena International Freight, doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam từ tháng 3-2013, cũng có kế hoạch phối hợp các cơ quan liên quan của Việt Nam để chuẩn bị thành lập công ty liên doanh vận tải.
Nói về hoạt động công ty, ông Rickard Ternblom, Tổng Giám đốc cho biết: “Chúng tôi nhìn thấy rõ tiềm năng phát triển vận tải biển của Việt Nam. Vì thế, với mong muốn rút ngắn thời gian vận tải và chuyên chở hàng hóa, chúng tôi sẽ đầu tư một phương thức vận tải hàng hóa hoàn toàn mới. Đó là phương thức hoạt động thông qua hệ thống đường ray, nhờ đó hàng hóa có thể chạy thẳng từ tàu hàng lên ô tô, và ngược lại, giúp giảm thời gian vận chuyển từ 7-9 ngày xuống còn hai ngày rưỡi”.
Chính phủ Việt Nam đang triển khai nhiều chính sách và biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Thụy Điển hoạt động đầu tư và kinh doanh ổn định lâu dài tại Việt Nam, coi thành công của doanh nghiệp nước ngoài là thành công của chính mình.
Đến nay, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam-Thụy Điển đạt gần 1 tỷ USD, với mức tăng trưởng ấn tượng 20%/năm. Thụy Điện hiện có 34 dự án đầu tư tại Việt Nam và tổng viện trợ ODA không hoàn lại đến nay đạt trên 3,4 tỷ USD.
Trước đó, vào chiều 18-11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có buổi tiếp đoàn doanh nghiệp Thụy Điển. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh mối quan hệ gần 45 năm hữu nghị tốt đẹp Việt Nam-Thụy Điển cũng như việc Việt Nam đang trên con đường tăng trưởng ổn định, vượt qua những khó khăn, thách thức thời gian qua và tiếp tục hội nhập mạnh mẽ, mong muốn các nguồn đầu tư, hợp tác từ các quốc gia trên thế giới.
Theo Nhandan.vn

Ý kiến ()