Nhận diện các chiến dịch tuyên truyền chống phá trước Đại hội XIV của Đảng
Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng là sự kiện chính trị có ý nghĩa trọng đại của đất nước. Trước Đại hội XIV của Đảng, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy trong hệ thống chính trị được triển khai đồng bộ, khẩn trương nhằm tạo động lực để đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Thế nhưng, các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lưu vong, số đối tượng chống đối coi đây là “thời điểm vàng” để đẩy mạnh thực hiện các chiến dịch tuyên truyền với những thủ đoạn nguy hiểm trên các phương tiện thông tin, nhất là không gian mạng.
Gia tăng các chiến dịch tuyên truyền chống phá trên không gian mạng
Các đối tượng bôi nhọ, xuyên tạc việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy; nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng; công tác nhân sự trước Đại hội XIV… Hoạt động của các thế lực thù địch không còn đơn lẻ mà được tiến hành ồ ạt theo kiểu chiến dịch, phủ sóng trên các trang web, nền tảng mạng xã hội ở nước ngoài.
Để gia tăng hiệu quả, quy mô, mức độ tác động của “chiến dịch tuyên truyền” trên không gian mạng, các thế lực thù địch cùng lúc triển khai nhiều lực lượng, phương tiện, tuyên truyền trên các nền tảng Tik Tok, Facebook, Youtobe…, đồng loạt đưa một chủ đề trong một khoảng thời gian nhất định.
Điển hình như chiến dịch tuyên truyền đòi xóa bỏ Điều 4, Hiến pháp 2013 khi Đảng, Nhà nước ta tiến hành lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp; chiến dịch kêu gọi tẩy chay Đại hội XIV Đảng Cộng sản Việt Nam; chiến dịch bàn luận nhân sự Đại hội XIV…
Điều dễ nhận thấy là những tổ chức, cá nhân kêu gọi “chiến dịch tuyên truyền” trên đều đến từ các tổ chức phản động lưu vong như tổ chức Việt Tân, “Đảng Dân chủ nhân dân”, “Đảng Vì dân”, “Tập hợp dân chủ đa nguyên”, “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”…
Hỗ trợ chiến dịch của các tổ chức này là những mạng truyền thông nước ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam như RFI tiếng Việt, RFA tiếng Việt; các tổ chức quốc tế, NGO nước ngoài thường xuyên có những hoạt động xuyên tạc, vu cáo Việt Nam về nhân quyền như tổ chức Theo dõi nhân quyền - HRW, Ân xá quốc tế - AI, Phóng viên không biên giới - RSF….
Bên cạnh đó, các “chiến dịch tuyên truyền” chống phá Đại hội XIV của Đảng còn được tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt với sự phối kết hợp của lực lượng chống đối cả trong và ngoài nước, nhất là số dân biểu cực hữu trong chính giới một số nước phương Tây cùng số đối tượng chống đối, bất mãn trong nước.
Đầu tiên, có thể nhận thấy hoạt động chống phá thông qua các “chiến dịch tuyên truyền” trên không gian mạng được hướng đến công tác nhân sự và thông tin liên quan đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước trước thềm Đại hội XIV.
Lợi dụng tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là những vụ việc liên quan cán bộ cấp cao ở Trung ương và địa phương, chúng lấy đó là một cái cớ quan trọng để thổi phồng, quy chụp tham nhũng, tiêu cực là tình trạng “phổ biến”, là “bản chất” của Đảng.
Vì thế, chúng mỉa mai rằng, ai là nhân sự đại hội, ai vào tứ trụ, ai vào Trung ương thì “cũng như nhau mà thôi”. Cùng với đó, chúng còn tìm mọi cách đơm đặt, chế tạo các video clip bằng cách ghép hình ảnh, âm thanh làm nhiễu loạn, lẫn lộn thật - giả; tán phát đơn thư nặc danh hòng công kích, bôi nhọ danh dự, uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, những cán bộ, đảng viên trong diện quy hoạch nhân sự cho đại hội...
Nội dung của các “chiến dịch tuyên truyền” thường hướng theo một chủ đề thống nhất như: Tuyên truyền chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng; tuyên truyền chống phá vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp 2013; xuyên tạc cương lĩnh, dự thảo các văn kiện Đại hội; bôi nhọ nguyên tắc tổ chức, vấn đề nhân sự Đại hội XIV… Chẳng hạn, trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng, việc Trung ương Đảng công bố dự thảo văn kiện để lấy ý kiến từ cơ sở là một bước quan trọng, thể hiện tính dân chủ, cầu thị.
Tuy nhiên, lợi dụng thời điểm này, các thế lực thù địch đã tăng cường phát tán những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật bằng việc tung ra nhiều luận điệu sai lệch như “văn kiện chỉ ca ngợi thành tích, không nhìn nhận hạn chế”; “các mục tiêu phát triển không thực tế, viển vông, thiếu cơ sở khoa học”; “Đảng không minh bạch trong công khai nội dung văn kiện”; “chính sách chỉ phục vụ lợi ích nhóm, không đại diện ý chí nhân dân”; “dự thảo các văn kiện của Đại hội XIV chỉ mang tính hình thức, thiếu tính thực tiễn, không phản ánh đúng nguyện vọng của người dân”… Từ đó, chúng kêu gọi người dân tẩy chay văn kiện, đòi “sửa từ gốc” như thay đổi thể chế, từ bỏ con đường đi lên CNXH của đất nước…
Đối với công tác nhân sự của Đại hội, các trang mạng của tổ chức phản động lưu vong, đài báo nước ngoài đã đồng loạt tán phát hàng chục bài viết có nội dung xuyên tạc về công tác nhân sự Đại hội XIV, bịa đặt “nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đang hình thành phe cánh để tranh giành, đấu đá quyền lực; vu cáo “lợi ích nhóm”, “thanh trừng phe phái” trong công tác nhân sự; cho rằng vấn đề nhân sự Đại hội Đảng bị một số thế lực bên ngoài can thiệp, từ đó rêu rao “không thể khách quan”, “không công bằng”, “chỉ để nhằm hợp thức hóa việc sắp xếp ghế, đấu đá, tranh giành quyền lực”, “chỉ là màn kịch đấu đá trong nội bộ các tổ chức đảng, tạo phe cánh, tạo thế lực”…
Các thế lực thù địch, tổ chức phản động lưu vong cũng thông qua các “chiến dịch tuyên truyền” để dựng lên những “ngọn cờ” dưới vỏ bọc những người có “tâm huyết” với vận mệnh của đất nước, mượn danh “tiếng nói”, “nguyện vọng” của đa số dân chúng để “góp ý”, “kiến nghị” với Đảng, Nhà nước. Đây là một trong những âm mưu xảo trá, làm cho môi trường thông tin xã hội nhiễu loạn, khiến người dân không phân biệt được đúng - sai, trắng - đen, thực - ảo, thật - giả lẫn lộn; gây tâm lý hoang mang, hoài nghi, mất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trước thềm Đại hội XIV.
Như vậy, luận điệu chống phá thông qua các “chiến dịch tuyên truyền” trước thềm Đại hội Đảng XIV như trên dù không có gì mới nhưng lại được các thế lực thù địch, phản động khéo léo ngụy tạo với nhiều thủ đoạn nham hiểm, vừa trực diện trắng trợn, vừa che giấu úp mở, gieo sự nghi hoặc với người đọc, người nghe, người xem. Càng đến gần đại hội Đảng, sự chống phá của chúng càng dồn dập hơn, liều lượng tăng cao.
Tăng cường thông tin chính thống, hạn chế khoảng trống thông tin
Hơn 95 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, hy sinh, mất mát để giành những thắng lợi vẻ vang, vĩ đại. Đặc biệt, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, trở thành quốc gia đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá, bị bao vây, cô lập, đến nay Đảng ta đã có quan hệ với trên 150 đảng ở 115 quốc gia trên thế giới. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia trên thế giới. Tính đến ngày 16/5/2025, Việt Nam có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 13 quốc gia là Trung Quốc, Liên bang Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Pháp, Malaysia, New Zealand, Indonesia, Singapore và Thái Lan.
Ngoài ra, Việt Nam đã đăng cai tổ chức nhiều sự kiện có tầm vóc lớn, được thế giới quan tâm như Hội nghị cấp cao APEC 2006, 2017 (trong tương lai là 2027) hay Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều 2019. Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, quốc phòng, an ninh vững chắc, hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại; đảm nhiệm trọng trách, phát huy tích cực vai trò tại nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng.
Lịch sử là một dòng chảy liên tục. Ngày nay, khi cách mạng chuyển sang một giai đoạn mới, sứ mệnh của Đảng cũng rất nặng nề, đòi hỏi Đảng không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực cầm quyền.
Thế giới đang trong giai đoạn thay đổi có tính thời đại, định hình trật tự, cục diện mới. Xu thế hợp tác, phát triển là chủ đạo trong quan hệ quốc tế song cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các trung tâm quyền lực tiếp tục diễn biến phức tạp, ngày càng gay gắt hơn trên các không gian truyền thống và phi truyền thống. Xung đột, chiến tranh diễn ra ở nhiều khu vực, không loại trừ nguy cơ lan rộng. Sự phát triển, chạy đua, cạnh tranh về khoa học kỹ thuật và công nghệ gây ra những biến đổi sâu sắc, đã và đang làm thay đổi phương thức hoạt động, tổ chức, cách thức tiến hành chiến tranh, can dự, can thiệp của các nước.
Xu hướng vận động của tình hình thế giới tạo ra cơ hội để Việt Nam đạt mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo tiền đề vững chắc đạt mục tiêu 100 năm thành lập nước nhưng cũng phải đối mặt với những thách thức trong giữ vững độc lập, tự chủ, từ đó tác động trực tiếp, thách thức đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Với ý nghĩa đó, Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 tiến tới đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết với tiêu đề “Tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030”.
Tổng Bí thư nhấn mạnh “Đây không chỉ là đợt sinh hoạt chính trị to lớn, sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân mà còn là tiền đề để tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Cao hơn, chuỗi sự kiện này là một trong những yếu tố then chốt tạo nền tảng chính trị vững chắc đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, phồn vinh, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu và ước vọng của toàn dân tộc”.
Các “chiến dịch tuyên truyền” chống phá Đại hội Đảng XIV của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lưu vong thời gian qua không chỉ tạo ra sự nhiễu loạn thông tin, gây ra những hoài nghi, hoang mang, mất niềm tin trong một bộ phận quần chúng, cán bộ, đảng viên mà còn tác động, ảnh hưởng xấu tới tình hình an ninh, trật tự.
Từ nay đến khi diễn ra Đại hội XIV của Đảng, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị, bất mãn sẽ càng đẩy mạnh thực hiện các “chiến dịch tuyên truyền” trên không gian mạng. Tình hình đó đòi hỏi chúng ta cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, gia tăng sức “đề kháng” và khả năng “miễn dịch” cho các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Các cơ quan chức năng cần chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, đúng định hướng để phòng, chống thông tin xấu, độc trên internet, mạng xã hội. Cơ quan chức năng cần chủ động cung cấp thông tin liên quan đại hội, nhất là công tác nhân sự bởi thông tin càng cởi mở thì sự lan toả càng mạnh mẽ, kết nối thông suốt, càng có điều kiện để phòng, chống tin giả, tin xấu độc, ngăn ngừa khoảng trống thông tin.
Cùng với đó là việc xử lý hành vi lợi dụng “dân chủ”, “nhân quyền”, “tự do ngôn luận” để phát tán tài liệu vu cáo, bôi nhọ cán bộ, đảng viên, xuyên tạc, chống phá đại hội đảng các cấp và Đại hội XIV của Đảng.

Ý kiến ()