Báo cáo nghiên cứu về cảm nhận của người dân Việt Nam về vai trò của Nhà nước và thị trường ở Việt Nam (CAMS 2011) cũng chỉ ra rằng, chỉ có gần 7% người Việt cho rằng mô hình kinh tế Nhà nước ưu việt hơn mô hình kinh tế thị trường và hơn 6% cho rằng mô hình kinh tế nhà nước hay thị trường không quan trọng. Điều này, theo các chuyên gia thuộc nhóm nghiên cứu, là sự thể hiện “sự ủng hộ mạnh mẽ đối với mô hình kinh tế thị trường”.
Trong đó, nhóm cơ quan báo chí có tỷ lệ ủng hộ cao nhất với 97% cho rằng kinh tế thị trường là ưu việt, tiếp theo là nhóm cơ quan Chính phủ, các bộ, ngành và UBND và các sở ngành cấp tỉnh (92%), nhóm doanh nghiệp nhà nước (doanh nghiệp nhà nước) và các cơ quan Đảng ở Trung ương là tương tự nhau (86-87%).
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết, phần lớn người dân điều chưa hiểu rõ khái niệm thế nào là kinh tế thị trường và thế nào là kinh tế Nhà nước. Cụ thể, chỉ 25% người được hỏi cho rằng nền kinh tế hiện nay là kinh tế thị trường và 22% cho là là kinh tế Nhà nước, còn lại hơn 50% không phân biệt được hai hình thái này. Vì vậy, trong khi đa số ủng hộ nền kinh tế thị trường, nhưng vẫn có đến 68% số người cho rằng Nhà nước nên can thiệp vào thị trường để bình ổn giá của những hàng hóa thiết yếu tiêu thụ bởi các hộ gia đình, và tỷ lệ cho rằng giá cả nên được quyết định bởi thị trường chỉ đạt hơn một phần tư số người trả lời điều tra.
Báo cáo đã cho thấy một bức tranh tương đối mâu thuẫn là đa số người Việt Nam ủng hộ cao mô hình kinh tế thị trường, sở hữu tư nhân đối với doanh nghiệp, đòi hỏi mức độ minh bạch cao trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách của Nhà nước… nhưng lại ủng hộ việc Nhà nước nên can thiệp vào thị trường liên quan đến giá cả các hàng hóa thiết yếu.
Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, một thành viên của nhóm nghiên cứu, thì điều này cũng dễ hiểu, vì phần lớn hàng hóa thiết yếu vẫn do các doanh nghiệp nhà nước kinh doanh độc quyền, thống lĩnh thị trường (như điện, xăng dầu, ngoại tệ, vàng, đất đai, các nguyên liệu cơ bản, dịch vụ tài chính, hàng không, đường sắt…) nên người dân lo ngại về hệ quả xấu, nếu Nhà nước không có sự kiểm soát tốt. Lý do thứ hai có thể xuất phát từ cách thức truyền thông và các thông điệp liên quan từ các phương tiện truyền thông.
Cụ thể là, mỗi khi có biến động giá cả trên thị trường, nhìn chung, các cơ quan truyền thông thường đổ lỗi cho đầu cơ, lợi dụng của những người kinh doanh để trục lợi; đồng thời, yêu cầu các cơ quan nhà nước có liên quan phải can thiệp kịp thời. Nguyên nhân tiếp theo cũng có thể là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tình trạng lạm phát, giá cả tăng cao trên nhiều lĩnh vực những năm gần đây, kỳ vọng của người Việt Nam về vai trò của Nhà nước trong can thiệp và bình ổn giá cả tăng lên…Nhưng cũng có thể là do nhận thức và hiểu biết về kinh tế thị trường, sự vận hành của thị trường và tác dụng của nó trong giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế của tất cả các bên có liên quan còn hạn chế.
Điều đáng mừng là, dù không mấy hài lòng về tình hinh kinh tế hiện tại, nhưng phần lớn người dân vẫn lạc quan về tương lai, kể cả những người đến từ các tổ chức quốc tế. Chắc chắn sự lạc quan này có cơ sở vì khi xét đến tiềm năng to lớn của kinh tế Việt Nam, nhất là khi Việt Nam đã thấy rõ những vấn đề nội tại và đề ra những chương trình đúng đắn để cải cách toàn diện nền kinh tế, hướng tới hoàn thiện hệ thống kinh tế thị trường và đưa Việt Nam theo con đường phát triển bền vững.
Ý kiến ()