Người dân xã Khánh Xuân: Thu lợi cao từ mô hình trồng cây có múi
(LSO) – Với việc đưa những giống cây ăn quả có múi và kỹ thuật canh tác tiên tiến vào sản xuất đã giúp người nông dân xã Khánh Xuân, huyện Lộc Bình phát triển sản xuất hiệu quả, có nguồn thu nhập cao.
Trước đây, gia đình chị Trần Thị Bình, thôn Tằm Lịp, xã Khánh Xuân phát triển kinh tế nông nghiệp chủ yếu từ trồng ngô, lúa. Việc sản xuất còn mang tính tự cung, tự cấp, vì thế cuộc sống chỉ đủ ăn. Qua việc tìm hiểu thông tin và tích lũy kinh nghiệm sản xuất, năm 2014, gia đình chị Bình mạnh dạn chuyển đổi gần 1 ha đất vườn, đồi sang trồng bưởi Diễn và bưởi Hoàng. Từ năm 2018, vườn bưởi 400 cây đã cho thu hoạch, đem lại thu nhập cao cho gia đình chị. Chị Bình cho biết: Hai năm gần đây, trung bình mỗi năm gia đình tôi thu nhập gần 100 triệu đồng/năm từ trồng bưởi. Từ hiệu quả kinh tế mang lại, trong năm 2019, gia đình tôi trồng thêm 100 cây bưởi Diễn, nâng tổng số cây toàn vườn lên 500 cây.
Người dân thôn Tằm Lịp, xã Khánh Xuân chăm sóc vườn bưởi Diễn
Không riêng gia đình chị Bình, những năm gần đây, trên địa bàn xã Khánh Xuân còn có nhiều hộ dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp sang trồng cây ăn quả có múi như: cam, bưởi các loại. Để tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất, chính quyền xã Xuân Mãn cũ (nay được sáp nhập mang tên xã Khánh Xuân) đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nhân rộng diện tích trồng cây ăn quả. Cụ thể, năm 2016, chính quyền xã sử dụng 200 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất để hỗ trợ 5 hộ tham gia mô hình trồng cam đường Canh, bưởi da xanh với quy mô 5 ha. Sau một thời gian triển khai, mô hình đạt hiệu quả cao, giúp các hộ tham gia tăng thêm thu nhập. Đến nay, một số hộ đã học tập và làm theo, nâng diện tích trồng cây ăn quả có múi của xã lên 37 ha. Trong số đó, khoảng 10 ha đã cho hoạch với thu nhập trung bình từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng/ha/năm.
Ông Hứa Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Xuân cho biết: Có thể khẳng định, việc trồng các loại cây ăn quả có múi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ dân trong xã có thu nhập đạt trên 100 triệu đồng/ năm. Điển hình trong số đó như gia đình ông: Hoàng Văn Hòa, Đinh Văn Kim, Hoàng Văn Nam… Hiện nay, trên địa bàn xã có nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên khá, giàu, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn 2,8%.
Cùng với việc đưa những giống cây mới, cấp ủy, chính quyền xã cũng quan tâm hỗ trợ người dân áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến như: sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt; tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây… Riêng trong năm 2019, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của chương trình xây dựng nông thôn mới, các hộ dân ở thôn Tằm Lịp và Bản Mặn đã được hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho 4 ha cam, bưởi. Ông Đinh Văn Kim, thôn Bản Mặn cho biết: Trong quá trình sinh trưởng, cây cam đường Canh cần nhiều nước để phát triển và cho quả mọng nước. Hệ thống tưới nước hiện đại do xã hỗ trợ đầu tư giúp gia đình tôi giảm thiểu sức lao động, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Ông Nguyễn Hữu Thuân, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Bình cho biết: Khánh Xuân là một trong những xã phát triển mạnh về cây ăn quả có múi và sản xuất theo hướng hàng hóa. Bà con nơi đây cũng ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, sản lượng cây trồng. Điểm nổi bật là việc trồng cây ăn quả tại xã là đã bước đầu hình thành các vùng trồng tập trung tại các thôn: Tằm Lịp, Pò Là, Bản Mặn. Đây là điều kiện thuận lợi để hình thành các vùng chuyên canh về cây ăn quả trong thời gian tới.
Thời gian tiếp theo, cấp ủy, chính quyền xã Khánh Xuân tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn người dân chuyển đổi diện tích cây trồng, tích cực đưa các loại giống cây phù hợp với điều kiện tự nhiên, mang lại giá trị kinh tế cao vào sản xuất; tích cực áp dụng kỹ thuật canh tác hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng, sản lượng cây trồng… góp phần nâng cao thu nhập,vươn lên làm giàu.

Ý kiến ()