Ngừng tim phổi vì hóc thịt bò
Đang ăn cỗ, cụ ông 80 tuổi ho sặc sụa rồi bất tỉnh, đến viện phát hiện dị vật lớn bít tắc đường thở dẫn đến ngừng tim phổi.
Cụ ông được đưa đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cấp cứu trong tình trạng ngừng tuần hoàn.
Bác sĩ hồi sinh tim phổi, cứu sống bệnh nhân và phát hiện dị vật lớn mắc ở khu vực ngã ba hầu họng thanh quản. Dị vật được lấy ra là miếng thịt bò lớn che kín hoàn toàn thanh môn, cùng vài mảnh nhỏ rơi xuống khí phế quản - được gắp bỏ và làm sạch đường thở.
Sau ba ngày điều trị tích cực, cụ ông hồi phục ý thức, kiểm soát được tình trạng nhiễm trùng và dần ổn định sức khỏe.

Bác sĩ Nguyễn Thị Huyền Trang, Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết hóc dị vật đường thở là cấp cứu tối khẩn cấp, có thể dẫn đến tử vong trong vài phút nếu không xử lý kịp thời. Tình trạng này không hiếm gặp, đặc biệt ở người già và trẻ nhỏ do phản xạ nuốt yếu, dễ bị sặc khi ăn.
"Trong bữa ăn, người cao tuổi nên ăn chậm, nhai kỹ, tránh cười đùa hoặc nói chuyện để hạn chế nguy cơ hóc dị vật", bác sĩ Trang khuyến cáo.
Dấu hiệu nhận biết hóc dị vật bao gồm: đột ngột ho sặc sụa, không thể nói được, hai tay ôm cổ, khó thở, tím tái, nặng hơn có thể dẫn đến bất tỉnh, ngừng tim phổi.
Khi phát hiện người bị hóc, cần lập tức thực hiện nghiệm pháp Heimlich: Đứng sau nạn nhân, vòng hai tay qua bụng, đặt nắm tay ở vị trí giữa rốn và xương ức, ép mạnh và đột ngột nhằm tạo áp lực tống dị vật ra ngoài. Có thể lặp lại nhiều lần cho đến khi nạn nhân thở và nói được.
Nếu nạn nhân bất tỉnh, phải lập tức ép tim ngoài lồng ngực và gọi cấp cứu. Các biện pháp sơ cứu kịp thời đóng vai trò quyết định tiên lượng và khả năng cứu sống bệnh nhân.
"Mỗi người nên trang bị kỹ năng cấp cứu hóc dị vật để bảo vệ bản thân và những người xung quanh", bác sĩ Trang nhấn mạnh.

Ý kiến ()