Nâng giá trị cho công nghiệp thời trang
Mặc dù Việt Nam hiện nằm trong tốp 3 quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về dệt may, da giày nhưng giá trị mang lại của hai ngành này còn thấp.

Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Tổng công ty cổ phần Dệt may Nam Định
Bên cạnh việc chủ yếu nhận may gia công, ít đầu tư máy móc hiện đại, ngành dệt may và da giày vẫn phải phụ thuộc vào hơn 60% nguyên-phụ liệu nhập khẩu, do đó, khi nguồn cung bị gián đoạn, doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng.
Để thúc đẩy ngành công nghiệp thời trang phát triển, cần sớm hình thành các khu, cụm công nghiệp đầu tư theo chuỗi, nhất là thành lập các trung tâm nghiên cứu phát triển chuỗi; thiết kế, trình diễn thời trang,…
Nhiều nút thắt
Những năm đầu thập niên 1990, ngành công nghiệp thời trang Việt Nam như dệt may, da giày chủ yếu làm gia công cho các nước Đông Âu. Sau đó, các doanh nghiệp bắt đầu phải tự tìm kiếm thị trường và chuyển dần xuất khẩu sang các nước Tây Âu. Đến cuối năm 2000, kim ngạch xuất khẩu dệt may và da giày đạt hơn 3,2 tỷ USD, chiếm khoảng 35% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong đó dệt may đạt 1,8 tỷ USD, da giày đạt hơn 1,4 tỷ USD. Ngành công nghiệp thời trang Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ, trở thành 1 trong 5 nhóm ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Đến nay, ngành dệt may và da giày tiếp tục thuộc nhóm ngành hàng chủ lực của nền kinh tế với 16.348 doanh nghiệp, tạo việc làm cho gần 5 triệu lao động, chiếm 22% số lao động ngành công nghiệp; đóng góp đáng kể vào phát triển thị trường lao động, việc làm và an sinh xã hội. Kim ngạch xuất khẩu năm 2024 của dệt may, da giày đạt hơn 71 tỷ USD (dệt may hơn 44 tỷ USD, da giày hơn 27 tỷ USD), tăng trưởng trung bình 10%/năm, chiếm gần 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và hướng tới mục tiêu vượt mốc 100 tỷ USD trong giai đoạn tới.
Qua 40 năm, ngành công nghiệp thời trang đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Chủ tịch Tập đoàn Gia Định Nguyễn Chí Trung cho rằng, bên cạnh những thành quả, hiện vẫn còn nhiều nút thắt khiến ngành thời trang chưa bắt kịp với yêu cầu ở trong và ngoài nước. Trước xu thế thời trang thay đổi nhanh chóng, nhất là yêu cầu của các đối tác, nhãn hàng ngày càng cao và khắt khe, để đáp ứng nhu cầu thị trường và tận dụng tối đa các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, doanh nghiệp phải đầu tư trang thiết bị hiện đại, làm chủ được nguồn cung nguyên phụ liệu sản xuất trong nước, tránh phụ thuộc nhập khẩu từ nước ngoài. “Làm được như vậy mới có thể gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, đồng thời hạn chế tác động tiêu cực, tránh ảnh hưởng bất lợi từ những thay đổi về cơ chế, chính sách do một số thị trường lớn mang lại”, ông Nguyễn Chí Trung nhấn mạnh.
Giám đốc kinh doanh Công ty dệt Bảo Minh Phạm Quang Hải cũng khẳng định: Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp thời trang Việt Nam luôn chiếm hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước và là quốc gia xuất khẩu dệt may, da giày lớn tốp 3 thế giới nhưng giá trị mang lại thấp do hầu hết các doanh nghiệp đều làm gia công, phụ thuộc vào sự chỉ định của khách hàng và nhập khẩu từ bên ngoài. Điều đó không chỉ hạn chế sự chủ động sáng tạo và phát triển mẫu mã của các nhà máy trong nước mà lợi thế nhân công giá rẻ cũng sẽ dần mất đi trong vài năm tới. Do vậy, cần sớm giải quyết nút thắt về nguyên-phụ liệu để giúp doanh nghiệp chủ động sản xuất cũng như tăng cường cơ hội liên kết, hợp tác phát triển sản phẩm và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Cùng với đó, các tỉnh, thành phố và Nhà nước cần có các cơ chế hỗ trợ, thu hút đầu tư vào lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm, hoàn thiện sản phẩm để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, gia tăng hiệu quả hoạt động.
Nâng cao sức cạnh tranh
Ngày 29/12/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1643/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, trong đó xác định rõ mục tiêu phát triển ngành hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển được một số thương hiệu mang tầm khu vực và thế giới. Để thực hiện chiến lược trên, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) và Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (Lefaso) đã đệ trình giải pháp xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển chuỗi cung ngành công nghiệp thời trang Việt Nam giai đoạn 2026-2030 với các mục tiêu kết nối và phát triển chuỗi cung ứng thời trang; trưng bày, giới thiệu, thử nghiệm nguyên-phụ liệu và công nghệ mới… Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn chỉ trong giai đoạn nghiên cứu, quy hoạch - từ đó đến thực tế vẫn còn khoảng cách quá xa.
Chủ tịch Lefaso Nguyễn Đức Thuấn nhấn mạnh, mục tiêu xuất khẩu hơn 100 tỷ USD đòi hỏi ngành dệt may và da giày phải tính đến bài toán chủ động về nguồn nguyên-phụ liệu, làm sao chậm nhất trong 5 năm nữa phải đạt được tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa khoảng 70-80%. Chỉ như vậy mới có thể cắt giảm các khâu trung gian, giảm chi phí, gia tăng giá trị sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Ông Nguyễn Đức Thuấn cũng đề xuất, Chính phủ cần mạnh dạn tạo cơ chế đột phá để ngành dệt may, da giày có một trung tâm phát triển, sản xuất và trưng bày nguyên phụ liệu, cũng như có được trung tâm về nghiên cứu, phòng thí nghiệm…
Theo Phó Chủ tịch Vitas Thân Đức Việt, một trong những nội dung quan trọng tại Quyết định số 1643 của Thủ tướng Chính phủ là phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như các trung tâm cung ứng nguyên phụ liệu cho ngành dệt may và da giày. Tuy nhiên, đã qua hơn 2 năm, quá trình triển khai hiện nay tương đối chậm.
Cục trưởng Công nghiệp (Bộ Công thương) Trần Việt Hòa nhìn nhận, cần chú trọng xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển chuỗi cung ứng ngành công nghiệp thời trang Việt Nam để chuyển giao công nghệ và là cầu nối giữa doanh nghiệp với các thị trường nước ngoài.

Ý kiến ()