Nâng cao chất lượng chi bộ - những vấn đề đặt ra
Đó là chủ đề Hội thảo do Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư và Báo Nhân Dân phối hợp tổ chức ngày 26-3, tại Trụ sở Báo Nhân Dân (Hà Nội). Các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Đào Ngọc Dung, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư; Thuận Hữu, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân , Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì Hội thảo. Đến dự, có đại diện lãnh đạo các ban xây dựng Đảng ở T.Ư và 64 đảng bộ trực thuộc Khối. Gần 20 tham luận gửi đến Ban Tổ chức và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã nêu rõ thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng chi bộ trong tình hình hiện nay.
Chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt
Khẳng định ý nghĩa thiết thực của Hội thảo, Báo cáo đề dẫn do đồng chí Thuận Hữutrình bày đã phân tích sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “ Chi bộ là nền móng của Đảng, chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt“; “ Tác dụng của chi bộ là cực kỳ quan trọng, vì nó là sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng“. Đồng chí cho biết, thực hiện Nghị quyết số 01 của Đảng ủy Khối về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; Kế hoạch số 62, lấy năm 2013 làm “Năm nâng cao chất lượng chi bộ”, các chi bộ trong Đảng bộ Khối đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt. Vai trò của chi bộ ngày càng được khẳng định. Theo đồng chí, Đảng bộ Báo Nhân Dânđã thực hiện tốt Năm nâng cao chất lượng chi bộ. Nội dung sinh hoạt chi bộ từng bước đổi mới, phát huy tốt vai trò của đảng viên trong xây dựng cơ quan, xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh cũng như trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của báo Đảng.
Khẳng định những kết quả đáng ghi nhận, đồng chí Thuận Hữu cho rằng, vẫn còn không ít chi bộ trong Đảng bộ Khối chưa duy trì tốt sinh hoạt định kỳ, tỷ lệ đảng viên dự sinh hoạt thấp; nội dung sinh hoạt nghèo nàn, nặng về bàn việc chuyên môn, xem nhẹ công tác đảng, v.v.
Thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo, đồng chí Thuận Hữu gợi mở một số vấn đề cần phân tích, làm rõ. Đó là, làm thế nào để tổ chức tốt buổi sinh hoạt chi bộ ? Chi bộ lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn; việc tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề như thế nào để không biến sinh hoạt chi bộ thành buổi họp chuyên môn? Tính chiến đấu trong sinh hoạt chi bộ vì sao còn yếu? Những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý đảng viên như thế nào ? Trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, đơn vị, thủ trưởng cơ quan đối với công tác đảng nói chung và trong sinh hoạt chi bộ nói riêng,…
Quy định thời gian, chuẩn bị kỹ nội dung sinh hoạt
Để duy trì sinh hoạt chi bộ (SHCB) định kỳ hằng tháng không dễ dàng chút nào, nhất là đối với các cơ quan Trung ương. Đồng chí Đặng Ngọc Dư, Bí thư Chi bộ Vụ Kiểm sát thi hành án dân sự (Vụ 10) thuộc Đảng bộ Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nêu rõ thực tế này: Do đặc thù công việc chuyên môn, 19 đảng viên của chi bộ thường xuyên đi công tác dài ngày, cho nên việc tổ chức một buổi SHCB có số đảng viên tham gia đầy đủ là rất khó.
Đồng chí Cao Thị Lệ, Bí thư Chi bộ Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và Công vụ, Đảng bộ Văn phòng Chính phủ nêu cách giải quyết của chi bộ mình: Chi bộ duy trì tổ chức sinh hoạt mỗi tháng một lần, vào ngày 28 hoặc 29 hằng tháng. Hầu hết các chi bộ ấn định thời gian SHCB, vừa bảo đảm thời gian cần thiết cho cấp ủy chuẩn bị nội dung, vừa để đảng viên chủ động sắp xếp thời gian dự họp. Nội dung SHCB nhất định phải được cấp ủy bàn bạc, thống nhất và được thông báo trước cho đảng viên để tham gia ý kiến.
Đồng chí Vũ Thị Thủy, Bí thư Chi bộ Vụ Cơ sở đảng, Đảng ủy cơ quan Ban Tổ chức Trung ương, nêu kinh nghiệm về phát huy dân chủ trong SHCB.Chi bộ khuyến khích đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình. Muốn thế, người điều hành phải thật sự dân chủ, cầu thị và lắng nghe ý kiến của đảng viên. Thực hiện dân chủ khi giao nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên, công khai, bàn bạc, trao đổi từ khâu dự thảo đến khi hoàn thành các nghị quyết của chi bộ.
Theo đồng chí Vũ Thanh Xuân, Bí thư Chi bộ Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức thuộc Đảng ủy Bộ Nội vụ, nêu rõ thêm, để đổi mới nội dung SHCB, tổ đảng phòng Đào tạo bồi dưỡng nhà trường báo cáo chuyên đề “Nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức”; Tổ đảng các Khoa báo cáo chuyên đề “Xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên”; Tổ đảng phòng Tổ chức hành chính quản trị báo cáo chuyên đề “Thực hành tiết kiệm phòng chống lãng phí”.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Lãnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Đảng ủy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để buổi sinh hoạt chi bộ có chất lượng, bí thư chi bộ, chi ủy cần chủ động chuẩn bị nội dung sinh hoạt; trao đổi với thủ trưởng cơ quan, đơn vị về nội dung, thời gian sinh hoạt chi bộ. Trong cuộc họp, chủ tọa phải nêu nội dung để đảng viên phát biểu, nêu ý kiến khác nhau để có tranh luận, phát huy trí tuệ đảng viên, dân chủ thảo luận.
Theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Trung ương Hội LHPN Việt Nam Ngô Thị Ngọc, việc xác định nội dung sinh hoạt chi bộ đúng với chức năng, nhiệm vụ và sát với yêu cầu thực tiễn của đơn vị. Tuy nhiên, nội dung cụ thể là gì và cách thức thực hiện như thế nào để tránh sự đơn điệu, nhàm chán, hình thức là một vấn đề rất quan trọng. Đề cao trách nhiệm và tăng cường tính chia sẻ giữa các đảng viên về các vấn đề có liên quan đến tư tưởng trong sinh hoạt chi bộ là một trong những cách thức các chi bộ đã thực hiện tương đối hiệu quả.
Chung quanh vấn đề này, đại diện các cấp ủy Trung ương Đoàn, Thông tấn xã Việt Nam,… cho rằng, sinh hoạt chi bộ cần chọn đúng vấn đề quan tâm, nhất là vấn đề trọng tâm, nổi cộm để bàn biện pháp giải quyết.
Sinh hoạt chuyên đề bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả
Theo đồng chí Nguyễn Hồng Phong, Chánh Văn phòng Đảng ủy Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2013, sinh hoạt chuyên đề trở thành cách làm phổ biến ở các chi bộ: Đảng ủy Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương sinh hoạt chuyên đề về “Tái cấu trúc nền kinh tế”, mời sự tham gia của đại diện các cấp ủy trực thuộc; Đảng ủy Cục phát triển doanh nghiệp sinh hoạt chuyên đề “Đổi mới và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước”;… Các buổi sinh hoạt chuyên đề đã tạo không khí sôi nổi trong chi bộ, thu hút sự quan tâm của đảng viên bởi các nội dung đều gắn liền với công việc của mỗi người.
Từ sinh hoạt chuyên đề, có những chi bộ đã xây dựng được quy chế, quy định cho cán bộ, đảng viên. Điển hình là Chi bộ Vụ Địa phương I, Đảng bộ Văn phòng Trung ương Đảng, phân công bốn đồng chí chuẩn bị năm chuyên đề theo kiểu đề dẫn, gửi trước cho đảng viên nghiên cứu, sưu tầm các tài liệu có liên quan để phát biểu tại các buổi sinh hoạt. Do đó, đảng viên phát biểu sôi nổi, có trọng tâm, mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, chuyên đề “Đạo đức công vụ” được bàn qua ba kỳ sinh hoạt và chi bộ đã ban hành được “Chuẩn mực đạo đức cán bộ, đảng viên chi bộ Vụ Địa phương I” gồm năm điểm, làm thành bảng đặt ở vị trí trang trọng tại phòng họp. Để nâng cao chất lượng SHCB, các ý kiến tham luận đều nhấn mạnh vai trò gương mẫu của bí thư chi bộ, cấp ủy. Không những cán bộ tham gia cấp ủy phải tâm huyết với công tác Đảng, hiểu biết nguyên tắc đảng, mà còn phải gương mẫu trong công việc cũng như trong cuộc sống.
Thẳng thắn, chân tình với đồng chí
Một số ý kiến nhận định, tính chiến đấu của nhiều chi bộ còn yếu. Thực tế là có chi bộ để xảy ra tiêu cực, vi phạm pháp luật mà trước đó các kỳ SHCB vẫn diễn ra “êm ái”, không phát hiện được dấu hiệu sai phạm. Đồng chí Vũ Đình Sinh, Phó Bí thư Đảng ủy Bộ Tài nguyên và Môi trường tâm tư: Trong tự phê bình, đảng viên chưa thật thà, công khai nhận trước mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa vì sợ mất thể diện, mất uy tín. Trong phê bình không dám nói thẳng, nói thật, nói hết những khuyết điểm của đồng chí mình, nhất là khi phê bình cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp… Theo đồng chí, để làm tốt công tác này cần kiểm tra, giám sát thường xuyên. Trong năm qua, Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hiện, thi hành kỷ luật năm đảng viên.
Từ thực tế xử lý một số cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Đảng, đồng chí Đào Xuân Tiến, Bí thư Chi bộ Tạp chí Thông tin đối ngoại, Đảng bộ Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ ra ba nguyên nhân chính dẫn đến tính chiến đấu, tự phê bình và phê bình trong chi bộ yếu. Đó là bí thư chi bộ chưa gương mẫu, chưa nêu cao trách nhiệm người đảng viên và phương pháp tổ chức để tự phê bình và phê bình chưa phù hợp. Đồng chí cho rằng, khi phát hiện đảng viên sai phạm, trước hết bí thư chi bộ và cấp ủy cần nắm rõ nguyên nhân cán bộ, đảng viên sai phạm, xem xét hoàn cảnh cụ thể để có thái độ, đánh giá đúng sai phạm của cán bộ, đảng viên và luôn có hướng mở ra cơ hội cho cán bộ, đảng viên sai lầm sửa chữa khuyết điểm, sai phạm.
Công tác quản lý đảng viên còn khó khăn, bất cập
Ở các cơ quan Trung ương, nhiều đảng viên thường xuyên đi công tác dài ngày, xa đơn vị, vì thế, việc quản lý đảng viên gặp không ít khó khăn và phải có những cách làm rất cụ thể, linh hoạt.
Quản lý đảng viên thông qua giao nhiệm vụ, phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn là cách làm của Chi bộ Vụ Các vấn đề xã hội, thuộc Đảng bộ Cơ quan Văn phòng Quốc hội. Bí thư Chi bộ Đỗ Mạnh Hùngcho biết, đảng viên của Chi bộ gồm các đại biểu Quốc hội; cán bộ lãnh đạo, chuyên viên của Vụ thực hiện chức năng tham mưu, giúp việc đại biểu Quốc hội. Hiện nay, cơ quan đang thực hiện khối lượng công việc rất lớn, như chủ trì thẩm tra bốn dự án luật, một dự án pháp lệnh, phối hợp và tham gia thẩm tra gần mười dự án luật khác… Việc phân công nhiệm vụ cho đảng viên vừa góp phần thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, vừa thông qua đó để làm tốt công tác quản lý đảng viên.
Khắc phục hạn chế trong quản lý đảng viên bằng những việc làm cụ thể, Đảng ủy Tổng công ty quản lý bay Việt Nam đã xây dựng chương trình toàn khóa, kế hoạch công tác năm, quy chế hoạt động của chi ủy, chi bộ; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tháng, quý, năm; cử bí thư chi bộ tham gia tập huấn nghiệp vụ do Đảng ủy Bộ Giao thông vận tải tổ chức; tổ chức “Hội thi Bí thư chi bộ giỏi” với 104 đồng chí tham gia. Đồng chí Bí thư Đảng ủy trực tiếp dự sinh hoạt của một số chi bộ, kịp thời đánh giá ưu điểm, nhược điểm và chỉ đạo tổ chức rút kinh nghiệm trực tiếp, cũng nhằm bổ sung kinh nghiệm và kỹ năng tổ chức sinh hoạt chi bộ. Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam Lại Hồng Lụcchia sẻ kinh nghiệm.
Theo Chánh Văn phòng Đảng ủy Bộ Y tế Lê Ngọc Chính, tám đảng bộ cơ sở trực thuộc không trực tiếp quản lý hồ sơ đảng viên mà tập trung ở Đảng ủy Bộ, do đó gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình quản lý, bổ sung hồ sơ đảng viên hằng năm. Thời gian tới, Đảng ủy Bộ Y tế chỉ đạo xây dựng, quản lý và sử dụng cơ sở dữ liệu đảng viên theo quy định của Ban Tổ chức T.Ư; chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ xây dựng nghị quyết, sinh hoạt chuyên đề về quản lý, phân công công tác cho đảng viên…
Ở một số Đảng bộ khác như Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, cán bộ một số đơn vị trực thuộc thường xuyên phải công tác xa, dài ngày. Ban Thường vụ Đảng ủy đã báo cáo, xin ý kiến Đảng ủy Khối cho cơ chế đặc thù là thành lập chi bộ hoặc tổ đảng lâm thời nếu đủ điều kiện, để bảo đảm mối liên hệ thường xuyên, trực tiếp của cấp ủy đối với hoạt động của đoàn công tác.
Nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, đơn vị
Có người ví chi bộ, đảng bộ như một đoàn tàu, bí thư cấp ủy là người lái tàu, nếu lơ là thì đoàn tàu dễ chệch bánh. Để nâng cao chất lượng chi bộ, không thể không nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy, đơn vị.
Nêu cách làm ở Đảng bộ cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chánh Văn phòng Đảng ủy Nguyễn Hồng Phong cho biết, đội ngũ lãnh đạo Bộ từ đồng chí Bộ trưởng, Bí thư Đảng ủy đến bí thư cấp ủy trực thuộc, lãnh đạo các đơn vị luôn nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác đảng. Đề tài nghiên cứu khoa học “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI về xây dựng Đảng” của Đảng ủy Bộ đã phân tích, đánh giá đúng thực trạng, từ đó có giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Đảng ủy đã ban hành Quy chế phân công đảng ủy viên dự sinh hoạt chi bộ để theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của các chi bộ và đảng ủy viên có trách nhiệm tham gia sinh hoạt chi bộ một lần trong quý.
Đảng bộ Kiểm toán Nhà nước (KTNN) hằng năm có tới gần 80% số đảng viên thường xuyên tham gia các đoàn đi kiểm toán xa cơ quan từ bảy đến tám tháng. Theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Hoàng Hồng Lạc, trong việc duy trì chế độ sinh hoạt đảng, quản lý cán bộ, đảng viên, tiếng nói của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, đơn vị góp phần quyết định không nhỏ. Để thành “pháp lệnh”, Đảng ủy KTNN ban hành nghị quyết chuyên đề nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, tăng cường vai trò, trách nhiệm của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ, các đảng ủy, chi ủy trực thuộc, nhất là Bí thư cấp ủy. Đề cao vai trò của Tổng KTNN, lãnh đạo KTNN, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, Trưởng đoàn kiểm toán gắn với việc quản lý, điều hành và kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Kịp thời phát hiện và xem xét xử lý trách nhiệm của cấp ủy, lãnh đạo các cấp, trưởng đoàn, tổ trưởng tổ kiểm toán không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Nâng cao chất lượng chi bộ là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên
Phát biểu ý kiến kết luận Hội thảo, đồng chí Đào Ngọc Dungnêu rõ các bài học kinh nghiệm mà các đại biểu đã phân tích. Đó là: Hoạt động của chi bộ phải bám sát nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; luôn gắn xây dựng Đảng với hoạt động chuyên môn và ngược lại. Thường xuyên nâng cao chất lượng công tác chính trị tư tưởng; không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của chi bộ; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, coi đó là việc làm thường xuyên của chi bộ và đảng viên; tổ chức tốt việc kiểm tra, giám sát về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Về những giải pháp trong thời gian tới, đồng chí Đào Ngọc Dung phân tích sâu thêm các ý kiến tham luận và cho rằng, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc để các cấp ủy, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan hiểu sâu, nắm vững nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng về công tác xây dựng Đảng, nhất là về chi bộ. Chú ý bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng cho cấp ủy viên các cấp. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy chế hoạt động của chi ủy, chi bộ; giải quyết tốt mối quan hệ giữa chi ủy với thủ trưởng cơ quan và các tổ chức đoàn thể trong cơ quan, đơn vị; thực hiện tốt quy định về sinh hoạt chuyên đề gắn với lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị. Trong sinh hoạt chi bộ cần thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, chống bè phái, cục bộ; khắc phục tình trạng hữu khuynh, xuê xoa, nể nang. Bí thư cấp ủy và thủ trưởng cơ quan, đơn vị định kỳ đối thoại với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, giải quyết vấn đề nảy sinh. Tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, uốn nắn các dấu hiệu vi phạm. Sau mỗi đợt kiểm tra, có kết luận rõ ràng, xử lý kịp thời trường hợp sai phạm.
Đồng chí Bí thư Đảng ủy Khối cho biết, một số đại biểu chỉ ra những vướng mắc trong thực hiện Quy định số 98, ngày 22-4-2004 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở cơ quan; kiến nghị với Trung ương sớm nghiên cứu, điều chỉnh phù hợp thực tế.
Hội thảo thật sự là một cuộc sinh hoạt đảng bổ ích, những kinh nghiệm hay ở từng chi bộ trở thành bài học chung; những vướng mắc đặt ra được trao đổi thấu đáo và kiến nghị giải pháp thiết thực, ý nghĩa.
Theo Nhandan.vn

Ý kiến ()