Nâng bước học trò vùng dân tộc thiểu số
- Trong những năm qua, ngành giáo dục tỉnh luôn quan tâm, chú trọng công tác giáo dục học sinh vùng dân tộc thiểu số (DTTS), thông qua việc củng cố, đảm bảo chất lượng dạy và học trong các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú. Nhờ đó, diện mạo giáo dục vùng DTTS đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 11 trường phổ thông dân tộc nội trú, cùng với khoảng 86 trường phổ thông dân tộc bán trú. Với hệ thống trường chuyên biệt được phủ khắp trên toàn tỉnh, đã góp phần mở rộng cơ hội học tập cho con em DTTS, giảm gánh nặng chi phí cho gia đình và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ. Theo báo cáo của ngành giáo dục tỉnh, mỗi năm có hơn 4.100 học sinh nội trú và trên 16.000 học sinh bán trú là người DTTS theo học tại các trường này.
Đơn cử như Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học 2 Tri Lễ (xã Tri Lễ). Năm học 2024–2025 vừa qua, trường có 8 lớp với 159 học sinh, phần lớn là con em các DTTS vùng cao. Theo báo cáo của trường, kết thúc năm học, tỷ lệ học sinh nhà trường hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%, trên 80% hoàn thành tốt các môn học, hơn 70% được khen thưởng, trong đó, 16,4% đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Cùng đó trong năm học, học sinh nhà trường giành 2 giải Ba cấp tỉnh cuộc thi Trạng nguyên Tiếng Việt và gần 20 giải cấp huyện ở các lĩnh vực học tập, văn nghệ, thể thao,... góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Không chỉ quan tâm đến kiến thức văn hóa, việc phát triển giáo dục vùng DTTS còn gắn liền với việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Hằng năm ngành giáo dục tỉnh đều tích cực tổ chức các hoạt động trải nghiệm, ngày hội văn hóa dân tộc, thi tìm hiểu văn hóa địa phương, qua đó giúp học sinh thêm tự hào và có ý thức gìn giữ bản sắc dân tộc. Trên cơ sở đó, nhiều trường còn chủ động xây dựng mô hình câu lạc bộ tiếng dân tộc, trang phục truyền thống, kết hợp truyền dạy dân ca, dân vũ, nghệ thuật thủ công, góp phần hình thành môi trường giáo dục toàn diện.
Thực tiễn tại nhiều trường cho thấy, giáo dục văn hóa truyền thống đang được quan tâm đúng mức. Tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Liên Hội (xã Điềm He), hoạt động bảo tồn bản sắc được lồng ghép trong cả dạy học và sinh hoạt hằng ngày. Theo cô giáo Vy Thị Thúy Thơ (giáo viên nhà trường), nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động như ngày hội “Tết quê em”, thi gói bánh chưng, trình diễn trang phục dân tộc, giao lưu tiếng Tày, tiếng Nùng. Giáo viên lồng ghép yếu tố văn hóa địa phương vào môn Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục công dân để khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong học sinh.
Không dừng lại ở việc mở rộng quy mô hay nâng cao chất lượng giảng dạy, công tác đầu tư điều kiện học tập cho học sinh vùng DTTS cũng được ngành giáo dục chú trọng triển khai đồng bộ. Nhiều trường học được quan tâm bổ sung phòng học, nhà ở bán trú, bếp ăn, sân chơi, công trình vệ sinh, tạo môi trường học tập, sinh hoạt an toàn, thân thiện. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ dành cho học sinh DTTS như học bổng, gạo, vật dụng cá nhân, chi phí đi lại, học tập… được thực hiện đầy đủ, đúng đối tượng, kịp thời và công khai minh bạch theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP và mới đây là Nghị định số 66/2025/NĐ-CP. Những nỗ lực đó đã và đang góp phần giảm thiểu khó khăn, tạo điều kiện để học sinh DTTS yên tâm đến lớp, vươn lên trong học tập.
Em Nguyễn Thị Tường Vy, học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS-THPT Cao Lộc cho biết: “Em đã học ở trường từ năm lớp 6, đến nay đã gần 7 năm gắn bó. Tại đây, em không chỉ được thầy cô quan tâm, dạy dỗ tận tình mà còn được hưởng đầy đủ các chế độ nội trú như chỗ ở, bữa ăn, sách vở, dụng cụ học tập. Nhờ có môi trường học tập tốt và sự động viên từ thầy cô, em có thêm động lực để cố gắng và định hướng được mục tiêu nghề nghiệp sau này”.
Bằng những việc làm thiết thực, chất lượng giáo dục vùng DTTS trên địa bàn tỉnh có sự cải thiện rõ rệt qua từng năm học. Năm học 2024–2025, theo tổng hợp của ngành giáo dục, tỷ lệ học sinh DTTS hoàn thành chương trình các cấp học đạt trên 98%, nhiều em đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, các sân chơi văn hóa, thể thao và sáng tạo các cấp. Tỷ lệ học sinh nội trú tốt nghiệp THPT năm học vừa qua đạt 100%. Tại nhiều trường vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ học sinh DTTS hoàn thành tốt các môn học ngày càng tăng, ý thức học tập tích cực hơn, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền.
Có thể khẳng định, công tác giáo dục học sinh vùng DTTS trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào phát triển toàn diện giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Ý kiến ()