Mưa lớn, lốc xoáy gây thiệt hại tại nhiều địa phương
Báo động sạt lở nghiêm trọng bờ biển trong mùa mưa bão * Ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do thiên taiTheo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, mực nước các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên đang biến đổi chậm. Tuy nhiên, do mưa to trong những ngày qua, lũ trên sông Đác Nông tại Đác Nông lên nhanh. Mực nước lũ đã đạt đỉnh là 590,39m, dưới báo động 3 là 0,11m và đang xuống. Dự báo, mực nước các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên tiếp tục biến đổi chậm. Những ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên sẽ xuống. Đến ngày 24-9, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu xuống mức 2,9m; tại Châu Đốc xuống mức 2,5m.UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa triển khai nhiệm vụ công tác PCLB năm 2012, tập trung nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo bão lụt; bảo đảm giao thông thủy trong nước và thông tin liên lạc thông suốt, an toàn lưới điện, hệ thống nhà cao tầng, các điểm di tích văn...
Báo động sạt lở nghiêm trọng bờ biển trong mùa mưa bão * Ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do thiên tai
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, mực nước các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên đang biến đổi chậm. Tuy nhiên, do mưa to trong những ngày qua, lũ trên sông Đác Nông tại Đác Nông lên nhanh. Mực nước lũ đã đạt đỉnh là 590,39m, dưới báo động 3 là 0,11m và đang xuống. Dự báo, mực nước các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên tiếp tục biến đổi chậm. Những ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên sẽ xuống. Đến ngày 24-9, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu xuống mức 2,9m; tại Châu Đốc xuống mức 2,5m.
UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa triển khai nhiệm vụ công tác PCLB năm 2012, tập trung nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo bão lụt; bảo đảm giao thông thủy trong nước và thông tin liên lạc thông suốt, an toàn lưới điện, hệ thống nhà cao tầng, các điểm di tích văn hóa; xây dựng phương án bảo đảm an toàn hồ chứa thủy lợi, thủy điện; rà soát phương án tìm kiếm cứu nạn; dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền trước mùa mưa lũ.
Theo Ban Chỉ huy PCLB huyện Tuy Đức (Đác Nông), chiều 20-9, một người trú tại thôn 6, xã Đác Búc So khi mang quần áo ra suối gần nhà để giặt thì bị nước lũ đầu nguồn đổ về cuốn trôi. Ban Chỉ huy PCLB huyện huy động hơn 20 cán bộ các ban, ngành, đoàn thể của huyện phối hợp với chính quyền, lực lượng dân quân của xã cùng đông đảo người dân địa phương tổ chức tìm kiếm, đến tối cùng ngày đã phát hiện thi thể nạn nhân.
Trong những ngày qua, trên địa bàn xã Quảng Tín, huyện Đác RếLấp (Đác Nông) xảy ra mưa to trên diện rộng. Nhà máy thủy điện Quảng Tín xả lũ đã gây ngập úng hàng chục ha cà-phê, ảnh hưởng việc đi lại và cuộc sống của gần 100 hộ dân ở các thôn Sađaco, thôn 4, thôn 6, thôn 9 xã Quảng Tín. Người dân ở xã Quảng Tín bức xúc vì thiệt hại do xả lũ gây ra và kiến nghị các cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ.
Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Lâm Đồng vừa đưa ra cảnh báo lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra tại các điểm xung yếu, ven sông suối; người dân hạn chế hoặc không nên đi qua sông suối trong thời gian có mưa lũ để tránh thiệt về người và tài sản. Mưa lớn kéo dài trong những ngày qua đã làm sạt lở đất tại tổ 17 An Sơn, phường 4, Đà Lạt, vùi lấp hơn 3.000 m2 đất trồng hoa hồng… Trước đó, tại xã Xuân Thọ, Đà Lạt, lũ đã cuốn trôi hai người.
Những ngày vừa qua, do ảnh hưởng đợt gió mùa tây nam, trên địa bàn huyện Tánh Linh (Bình Thuận) đã xảy ra mưa lớn kéo dài làm 2.600 ha lúa ngập úng. Ngoài ra, mưa kèm theo gió lốc làm gãy đổ, trốc gốc khoảng 1,5 ha cây công nghiệp. Một số cầu cống, kênh mương, đường giao thông nông thôn trên địa bàn các xã bị sạt lở, hư hỏng ảnh hưởng việc đi lại và sản xuất của nông dân trong vùng.
Tại ấp Ninh Phước, xã Ninh Thạnh, thị xã Tây Ninh (Tây Ninh) xảy ra mưa lớn kèm theo lốc xoáy, làm sập và tốc mái 18 nhà. Hiện nhiều hộ dân đã mua tôn về lợp lại mái nhà, trong khi đó các trụ điện bị nghiêng vẫn chưa được khắc phục. Ngoài ra, do có mưa to, nước suối Vườn Điều chảy xiết đã cuốn trôi một em học sinh Trường THCS Nguyễn Thái Học. Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (Công an Tây Ninh) đã cho thợ lặn đến tìm kiếm dọc tuyến suối, nhưng vẫn chưa thấy thi thể nạn nhân.
Theo Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Hậu Giang, nhiều ngày qua, trên địa bàn tỉnh có mưa to nhiều nơi, làm thiệt hại hàng trăm ha lúa vụ thu đông mới gieo cấy. Mưa lớn kết hợp lốc xoáy cũng làm sập và tốc mái bốn nhà dân ở huyện Châu Thành và TP Vị Thanh. Ngoài ra, lũ chính vụ kết hợp mưa lớn cũng bắt đầu uy hiếp hàng chục nghìn ha lúa thu đông, diện tích cây ăn trái, mía và hoa màu trên địa bàn tỉnh. Ban Chỉ huy PCLB tỉnh đề nghị các xã khẩn trương bồi trúc các tuyến đê bao xung yếu, hệ thống cống đập bảo đảm an toàn cho sản xuất lúa thu đông.
Hiện các huyện vùng U Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang đang triển khai các biện pháp để cứu hơn 6.000ha lúa mùa bị ngập úng do mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày qua. Tuy nhiên, hiện tại thời tiết vẫn đang diễn biến xấu, mưa vẫn đổ hạt trên diện rộng nên công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, hơn 18 nghìn ha lúa hè thu của tỉnh này đang trong giai đoạn thu hoạch cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Một tháng gần đây, vùng biển Cà Mau liên tục có sóng to, gió lớn gây sạt lở hơn 10km bờ biển. Hiện khoảng 2km bờ biển bị sạt lở rất nghiêm trọng, đang cần đầu tư vốn xây dựng khẩn cấp kè cơ bản để phòng, chống nạn vỡ đê trong mùa mưa bão năm nay.
Thông qua T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, ông Trần Thành Long (số 56 đường Vũ Phạm Hàn, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) đã ủng hộ nhân dân các tỉnh miền trung 10 tấn gạo.
Đến nay, Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái và huyện Mù Cang Chải đã tiếp nhận số tiền ủng hộ nạn nhân thảm họa thiên tai tại bản Trống Pá Trang của xã La Pán Tẩn huyện Mù Cang Chải hơn 1,5 tỷ đồng. Huyện Mù Cang Chải thành lập điểm tiếp nhận cứu trợ tại xã, cấp phát cho các hộ bị thiệt hại 1,9 tấn gạo, hỗ trợ 4,5 triệu đồng/người chết và 1,5 triệu đồng/người bị thương.
Theo Cục Thú y, tuần qua, dịch bệnh gia súc, gia cầm đã chững lại. Cả nước chỉ còn năm tỉnh: Hà Tĩnh, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Hòa Bình và Tuyên Quang có dịch cúm gia cầm và dịch lợn tai xanh tại bốn tỉnh: Đác Lắc, Cao Bằng, Bắc Cạn và Cần Thơ.
Dịch cúm gia cầm tại Bắc Cạn đã làm 5.000 con gà nhiễm bệnh. Đến nay ổ dịch tại ba xã thuộc huyện Chợ Đồn đã qua 21 ngày không có thêm gia cầm mắc dịch bệnh, ốm chết, Chi cục Thú y tỉnh đã đi giám sát, thẩm định, đồng ý để tỉnh công bố hết dịch. Đồng thời tỉnh cũng hỗ trợ 35 nghìn đồng/con gà mắc dịch cúm phải tiêu hủy.
Tập trung chỉ đạo xử lý vi phạm đê điều
Trước tình trạng vi phạm đê điều đang diễn ra, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tập trung chỉ đạo xử lý, ngăn chặn các vi phạm pháp luật về đê điều; xe vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê; khai thác cát sỏi trái phép; tập kết, kinh doanh cát sỏi, vật liệu xây dựng trái phép trong hành lang bảo vệ đê điều, vùng bãi sông, bờ sông. Các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư gửi báo cáo tình hình vi phạm pháp luật về đê điều ở địa phương, để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ; giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan rà soát các quy định hiện hành về thăm dò, khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi, nghiên cứu đề xuất ban hành các văn bản nhằm tăng cường công tác quản lý việc thăm dò, khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi lòng sông (tránh gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều, tác động xấu đến dòng chảy và các lĩnh vực khác)
Theo Nhandan

Ý kiến ()