Mô hình cần được nhân rộng
LSO-Ảnh hưởng cơn bão số 2 gây mưa lớn ở Lạng Sơn đã làm ngập úng, hư hại công trình công cộng, hoa màu, tài sản của nhân dân lên đến 460 tỷ đồng. Con số thiệt hại chắc sẽ lớn hơn nếu sự cố bão lũ không được khắc phục kịp thời. Một trong những đơn vị khắc phục thành công nhất là Công ty Cổ phần Quản lý xây dựng Giao thông Lạng Sơn với mô hình dịch vụ tại chỗ chống bão.
![]() |
Sử dụng vật tư tại chỗ khắc phục sạt lở trên đường lên Khu Du lịch Mẫu Sơn |
Ngày 20/7/2014, ngay sau khi nhận được tin đoạn đường lên Khu du lịch Mẫu Sơn huyện Lộc Bình bị lũ làm sạt lở gây chia cắt hoàn toàn tại Km 11 500, Công ty Cổ phần Quản lý Xây dựng Giao thông Lạng Sơn (Công ty) đã xuất vật tư ứng cứu kịp thời. Với đoạn sạt lở sâu 8 mét, rộng 10 mét nếu để khắc phục hoàn toàn chắc phải mất cả tháng trời. Thế nhưng chỉ trong vòng chưa đầy một tuần sự cố đã được khắc phục. Theo ông Lương Duy Nhiệm, Giám đốc Công ty, sở dĩ khắc phục nhanh như vậy là do đơn vị đã chuẩn bị sẵn dầm thép Ben lây, khi cần xuất kho ngay để khắc phục sự cố. Qua đợt bão lũ này đã thấy rõ hiệu quả của dịch vụ kỹ thuật tại chỗ. Không chỉ riêng dầm thép, trong bão số 2 đơn vị đã xuất hàng trăm tấm lưới thép, tấm lợp, vật liệu xây dựng để khắc phục thiệt hại cho người dân quanh khu vực và tại 10 hạt do Công ty phụ trách.
Từ cuối mùa bão năm 2013, Công ty đã cho thử nghiệm mô hình dịch vụ vật tư tại chỗ. Công ty xây dựng một đội dịch vụ với nòng cốt là lực lượng xung kích của đơn vị. Đội dịch vụ thành lập các cửa hàng chuyên kinh doanh vật tư phòng, chống bão lụt. Dịch vụ được tổ chức đến 10 hạt. Vật tư chủ yếu là dầm thép, rọ thép, nhựa đường, đá, bao tải cát, tấm lợp… và những vật tư phải sử dụng nhiều khi có bão. Mục tiêu của đội dịch vụ, cửa hàng là kinh doanh không đặt lợi nhuận làm đầu mà phải đảm bảo yếu tố vật tư tại chỗ để phòng chống bão. Ngay sau khi đưa đội dịch vụ, các cửa hàng vật tư vào hoạt động đã có rất nhiều sự cố được khắc phục kịp thời. Như trên tuyến đường 4A thuộc Hạt 6 Tràng Định quản lý, khi đường bị sạt lở nếu chờ rọ thép đảm bảo giao thông bước 1 sẽ tốn rất nhiều thời gian. Do có dịch vụ tại chỗ Công ty đã lệnh xuất gần 100 lưới thép kè đá, nhờ vậy tuyến sạt lở đã được khắc phục đảm bảo lưu thông trong ngày. Cũng trong mưa bão, gia đình anh Phạm Văn Hùng, người dân phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn bị tốc mái lợp, trong điều kiện đường bị mưa lũ chia cắt anh đã được cán bộ, công nhân công ty cơ động bằng xe chuyên dụng chở tấm lợp đến tận gia đình để khắc phục sự cố. Điều làm anh Hùng cảm động là mặc dù chở đến tận nhà, trong mưa bão nhưng gia đình chỉ phải trả tiền vật liệu thấp hơn giá thị trường lúc chưa mưa bão.
Anh Triệu Duy Hưng, quyền cửa hàng trưởng cửa hàng dịch vụ Công ty cho biết: trong mưa bão, quan trọng nhất là sự cố được khắc phục kịp thời. Theo lệnh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, cơ quan chúng tôi có lệnh là xuất hàng. Vì kinh doanh không đề cao lợi nhuận nên cửa hàng đã được bà con trong khu vực tin tưởng. Ngoài ra, tại các hạt, đội dịch vụ, cửa hàng luôn duy trì mô hình vật tư tại chỗ để phục vụ công trình và người dân. Riêng trong cơn bão số 2, Công ty Cổ phần Quản lý Xây dựng Giao thông Lạng Sơn phải khắc phục sự cố trên 100 điểm sạt lở, lũ lụt gây chia cắt với hàng nghìn m3 đất đá. Với điều kiện bão lũ, vận tải khó khăn nhưng Công ty vẫn hoàn thành nhiệm vụ bởi hệ thống dịch vụ vật tư tại chỗ.
Ông Lương Duy Nhiệm cho biết thêm: để khắc phục xử lý tại chỗ, Công ty giao một phần việc cho cửa hàng dịch vụ ký hợp đồng trách nhiệm với đơn vị cung ứng xăng dầu, các công ty có máy xúc, máy ủi khi cần huy động được ngay. Công ty cũng coi đây là vật tư tại chỗ bởi xăng dầu, nhựa đường cũng được ký trách nhiệm với nhà thầu cung cấp, và họ phải cam kết cung cấp đúng lượng trong mọi tình huống. Mặc dù bão vừa qua nhưng với tinh thần chủ động Công ty đã bổ sung vật tư cho các hạt, chuẩn bị thêm vật tư dự phòng với tổng đầu tư gần 3 tỷ đồng, đủ sức cung ứng vật tư tạm thời để khắc phục các sự cố về bão lũ.
Với cách làm vật tư gắn dịch vụ tại chỗ, Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng Giao thông Lạng Sơn đã thành công trong chủ động chống bão. Đây cũng là mô hình chống bão lũ cần được nhân rộng theo hướng xã hội hóa để cùng chung sức chống bão ngay khi bão còn chưa đến.
ĐÔNG BẮC

Ý kiến ()