Kiểm lâm thích nghi để đi lên
- Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý trong lĩnh vực lâm nghiệp theo mô hình chính quyền 2 cấp, thời gian qua, ngành kiểm lâm đã chủ động chuẩn bị và tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Từ ngày 1/7, tỉnh thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã và kết thúc hoạt động của cấp huyện. Việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính đòi hỏi cần có sự điều chỉnh kịp thời trong công tác quản lý của lực lượng kiểm lâm.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Trong tháng 6/2025, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã nghiên cứu kỹ phạm vi quản lý, phương án tổ chức lực lượng đảm bảo đáp ứng tốt công tác quản lý đối với từng địa bàn. Từ đó, đơn vị đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Môi trường ban hành đề án về tổ chức lại bộ máy Chi cục Kiểm lâm sau khi kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện.
Cụ thể, từ ngày 1/7, phạm vi phụ trách của 11 hạt kiểm lâm cấp huyện trước đó đã được tổ chức sắp xếp lại thành 11 hạt kiểm lâm khu vực. Việc lựa chọn, bổ sung, điều chỉnh số lượng kiểm lâm phụ trách địa bàn cũng được thực hiện cùng với việc thành lập các hạt kiểm lâm khu vực.
Ông Phạm Công Phong, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm khu vực Đình Lập cho biết: Hiện tại, đơn vị phụ trách quản lý gần 100.000 ha rừng. So với trước đó, diện tích rừng không có sự thay đổi. Tuy nhiên, việc sắp xếp lại các xã khiến địa bàn quản lý biến động mạnh. Vì vậy, với 2 xã có diện tích rừng lớn là Châu Sơn và Kiên Mộc, đơn vị đã phân công 3 kiểm lâm viên địa bàn phụ trách mỗi xã. Với 2 xã còn lại, mỗi xã sẽ do 2 kiểm lâm viên phụ trách.
Tương tự, ông Hoàng Ngọc Khôi, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm khu vực Văn Lãng cho biết: Sau sáp nhập, số lượng xã do đơn vị quản lý rút xuống còn 5 xã so với 17 xã, thị trấn trước đây. Với mỗi xã, đơn vị phân công 2 kiểm lâm viên phụ trách. Do địa bàn thay đổi, đơn vị đã chỉ đạo quyết liệt các kiểm lâm viên phụ trách địa bàn nhanh chóng phối hợp với UBND các xã tuần tra, khảo sát thực địa. Bên cạnh đó, việc kết thúc hoạt động cấp huyện, nhiệm vụ và quyền hạn của UBND cấp xã đối với công tác quản lý trong lĩnh vực lâm nghiệp cũng có rất nhiều điểm mới như phân loại rừng, tổ chức điều tra, kiểm kê rừng, xây dựng phương án chuyển loại rừng… Do vậy, ngay trong những ngày đầu tiên sau khi đơn vị đi vào hoạt động, đơn vị đã phối hợp với UBND của 5/5 xã để xây dựng kế hoạch, quy chế phối hợp trong quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời, hướng dẫn đối với từng nội dung để UBND cấp xã và đội ngũ cán bộ chuyên trách tại xã nắm rõ và áp dụng.
Cùng với 2 đơn vị trên, qua trao đổi với lãnh đạo Hạt Kiểm lâm các khu vực còn lại, chúng tôi nhận thấy, việc sắp xếp lại lực lượng kiểm lâm tại mỗi đơn vị đều dựa trên phạm vi, mức độ phức tạp trong quản lý của từng xã. Theo đó, mỗi xã sẽ có 2 – 3 kiểm lâm viên địa bàn phụ trách. Bên cạnh đó, việc bàn giao, phân loại các thông tin để phục vụ theo mô hình chính quyền 2 cấp đã được các đơn vị sắp xếp khoa học và hoàn thành trong tháng 6/2025.
Chia sẻ với chúng tôi trong những ngày đầu phụ trách quản lý địa bàn mới, ông Triệu Mạnh Duy, kiểm lâm viên địa bàn xã Hoàng Văn Thụ, Hạt Kiểm lâm khu vực Văn Lãng cho biết: Trước đây, tôi phụ trách quản lý trên 1.200 ha và đến hiện tại diện tích quản lý đã tăng gấp 3 lần. Do đó, từ ngày 1/7 đến nay, gần như ngày nào tôi cũng có mặt tại xã và phối hợp với cán bộ chuyên trách của UBND xã cùng các trưởng thôn, tổ đội quần chúng bảo vệ rừng tuần tra, kiểm soát. Từ đó, chúng tôi sẽ có thể nắm rõ hơn các thông tin như tình hình khai thác rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, phòng chống sâu bệnh hại cũng như tập quán trồng rừng của người dân nơi đây. Điều này sẽ giúp chúng tôi có phương pháp quản lý, bảo vệ và tuyên truyền hiệu quả, phù hợp hơn.
Với sự chủ động từ sớm và các giải pháp đồng bộ, công tác quản lý trong lĩnh vực lâm nghiệp của lực lượng kiểm lâm trên địa bàn tỉnh đã và đang diễn ra ổn định, thông suốt. Tin rằng, trong thời gian tới, các đơn vị sẽ nhanh chóng bám nắm tình hình thực tiễn, từ đó có các giải pháp quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng hiệu quả hơn nữa.

Ý kiến ()