Lừa đảo đặt mua hàng để chiếm đoạt tài sản “Bình cũ rượu mới”
- Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh tiếp tục xuất hiện thủ đoạn lừa đảo với phương thức phổ biến là giả danh cơ quan, tổ chức Nhà nước đặt mua hàng rồi chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn này không mới nhưng lần này nhằm vào nạn nhân là những người giao hàng (shipper). Đối tượng dùng chiêu trò yêu cầu các cơ sở kinh doanh, nhà hàng viết hóa đơn giá trị cao hơn nhiều so với thực tế, yêu cầu shipper trả tiền thanh toán trước rồi sau đó chiếm đoạt tiền chênh lệch.

Điển hình, ngày 10/5/2025 vừa qua, với thủ đoạn nêu trên, một vụ lừa đảo tinh vi đã xảy ra tại thành phố Lạng Sơn khiến một shipper bị chiếm đoạt mất 4,2 triệu đồng. Theo tìm hiểu, đối tượng gọi vào số tổng đài một đơn vị giao hàng nhanh ở địa bàn thành phố đặt vấn đề ship đồ ăn vào UBND xã Gia Cát, huyện Cao Lộc. Đối tượng cũng hỏi cước phí ship như khách hàng bình thường và nhờ ứng trước tiền đặt đồ, đến cơ quan sẽ trả tiền ứng trước cùng với cước phí. Do chủ quan, tin tưởng là cơ quan Nhà nước nên quản lý đơn vị đã đưa tiền để shipper trả tiền ứng trước cho nhà hàng, sau đó bị chiếm đoạt.
Ông Nguyễn Văn Thắng, chủ nhà hàng Thủy Quán, số 86 đường Bùi Thị Xuân, khu đô thị Phú Lộc 4, thành phố Lạng Sơn kể: Vào trưa hôm đó, một số điện thoại lạ gọi đến nhà hàng đặt một nồi lẩu cùng các món nhúng cho một mâm với tổng giá trị hơn 1,3 triệu đồng. Sau đó, người này dùng số điện thoại trên kết bạn Zalo với nhà hàng, tên Zalo hiển thị là “Văn Phòng Công Chứng”, đồng thời xin vị trí của quán để đến lấy đồ. Chỉ ít phút sau, đối tượng gọi lại, thông báo rằng do một số người trong cơ quan “không tiện đi ăn”, muốn mang về UBND xã Gia Cát (huyện Cao Lộc) và sẽ có người qua nhà hàng để lấy và trình bày “anh viết cho em một hóa đơn viết tay giá 4,2 triệu để em báo kế toán cơ quan dùng cho chi phí khác”. Trưa cùng ngày, một người đến quán lấy đồ ăn và thanh toán đủ 4,2 triệu đồng, tôi giao đầy đủ đơn hàng và hóa đơn như thỏa thuận.
Cũng theo ông Thắng, thông thường nếu ship đồ thì nhà hàng sẽ chủ động bố trí người hoặc gọi nhân viên giao hàng, trường hợp này họ nói sẽ có nhân viên qua lấy đồ nên chúng tôi không nghĩ đó là shipper. Khi người này đi được một lúc thì đối tượng gọi lại và gửi mã QR xin lại tiền dư hơn 2,8 triệu đồng. Do đã nhận đủ tiền, không nghi ngờ gì nên chúng tôi chuyển trả lại tiền dư. Thế nhưng sau đó nhân viên giao hàng không liên lạc được với người nhận và đến địa chỉ thì cũng xác định không có ai đặt đồ. Lúc này cả shipper và tôi mới nhận ra mình đã trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo có tính toán kỹ lưỡng.
Còn anh Nguyễn Ngọc Thiện, chủ cơ sở bán tranh phong thủy ở số 218 đường Trần Đăng Ninh, thành phố Lạng Sơn cũng suýt trở thành nạn nhân của hình thức lừa đảo trên. Anh Thiện chia sẻ: Ngày 11/5/2025 tôi nhận được cuộc gọi đặt vấn đề mua một bức tranh phong thủy trị giá 1 triệu đồng nhưng đối tượng yêu cầu ghi “khống” lên 4,2 triệu đồng và nói sẽ có người qua nhận hàng, trả tiền. Zalo của đối tượng cũng hiển thị tên “Văn Phòng Công Chứng”. Do đã cảnh giác trước nên lập tức tôi đã đăng bài lên trang facebook cá nhân để cảnh báo cho các cơ sở kinh doanh và những người làm nghề shipper nhận diện để phòng ngừa bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đây là thủ đoạn không mới mà đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh cách đây hơn 2 năm. Thời điểm đó, có khoảng 5 bị hại của hành vi lừa đảo này, trong đó có trường hợp bị lừa chiếm đoạt khoảng 20 triệu đồng. Cụ thể, các đối tượng sử dụng các số thuê bao “rác” giả mạo cán bộ hoặc nhân viên lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh gọi điện đến các nhà hàng để đặt mua hàng với số lượng lớn phục vụ hoạt động của cơ quan, đặc biệt là vào thời gian các cơ quan, đơn vị có hoạt động kỷ niệm, sơ kết, tổng kết, triển khai công tác, phát động phong trào…
Sau khi tạo được lòng tin với chủ cơ sở kinh doanh, đối tượng sẽ yêu cầu đặt thêm một số mặt hàng khác mà cơ sở kinh doanh này không có, sau đó giới thiệu một cơ sở khác (thực tế là đồng bọn của đối tượng) cho chủ cơ sở này liên hệ để mua hàng, hứa được chiết khấu cao. Khi chủ cửa hàng, nhà hàng liên hệ mua hàng, các đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân chuyển khoản tiền đặt cọc mua hàng đến tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp, khi nhận được tiền cọc, đối tượng sẽ chiếm đoạt và cắt liên lạc với nạn nhân.
Cùng với phương thức mạo danh các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cán bộ Nhà nước, lần này các đối tượng lừa đảo đã xây dựng kịch bản tinh vi hơn, khi nhắm vào nạn nhân là shipper. Theo đó, đối tượng yêu cầu shipper ứng trước đơn hàng với giá trị khai khống gấp 2 - 3 lần giá trị thật của đơn hàng, đồng thời lợi dụng trong lúc shipper đang giao hàng đối tượng yêu cầu chủ hàng chuyển khoản lại số tiền thừa, khai khống trước đó. Khi tiến hành giao đến địa chỉ do đối tượng cung cấp thì shipper không thể liên hệ được với “khách hàng”, hoặc phát hiện địa chỉ không tồn tại, không ai nhận hàng thì mới biết mình bị lừa. Tính riêng từ ngày 10/5/2025 đến nay, có 5 chủ nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh phản ánh gặp phải hành vi này nhằm vào shipper, trong đó có 1 trường hợp bị lừa chiếm đoạt 4,2 triệu đồng.
Trước thực tế trên, Thượng tá Nguyễn Thái Sơn, Trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh khuyến cáo: Các chủ cửa hàng, nhà hàng, cơ sở kinh doanh cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước số điện thoại lạ gọi đến đặt đơn hàng lớn; thận trọng trước những hướng dẫn, đề nghị mua hàng; cần xác minh rõ người, rõ địa chỉ khi tiến hành giao dịch; tuyệt đối không chuyển tiền, chuyển hàng cho bất kỳ ai không rõ lai lịch. Những người làm nghề shipper với đơn hàng lớn, số lạ, không quen biết cũng cần cảnh giác, không ứng tiền trước cho các đơn hàng giá trị lớn. Khi phát hiện cuộc gọi, tin nhắn có dấu hiệu nghi vấn lừa đảo, người dân cần nhanh chóng cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý, giải quyết theo quy định của pháp luật; đồng thời thông tin, cảnh báo, chia sẻ đến nhiều người được biết để phòng tránh.
Hiện nay, các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng không ngừng đưa ra nhiều kịch bản lừa đảo tinh vi, với mục đích duy nhất chiếm đoạt tài sản của bị hại. Do đó, không chỉ những người làm nghề giao hàng, chủ cửa hàng mà mỗi người dân khi giao dịch mua bán online cần nâng cao tinh thần cảnh giác, xác minh đầy đủ thông tin trước khi giao dịch, tránh trở thành nạn nhân của kẻ xấu.

Ý kiến ()