Lộc Bình: Đưa chính sách dân tộc đến từng thôn bản
(LSO) – “Với hơn 96% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), những năm qua, huyện Lộc Bình đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực để các chính sách dân tộc (CSDT) đến từng thôn bản phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS” – Ông Triệu Văn Lạng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh nhận định.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm 10,1%
Là hộ đầu tiên của xã Xuân Mãn trồng bưởi da xanh, ông Lường Văn Sính đã nhận thấy sự thay đổi rõ rệt trong phát triển kinh tế. Ông Sính cho biết: Trước đây, nhà tôi chỉ trồng ngô, lạc vừa vất vả, thu nhập lại không đáng kể. Từ năm 2015, chúng tôi được hỗ trợ giống, phân bón và tập huấn trồng cây bưởi da xanh. Ngoài ra tôi còn được hỗ trợ 30 triệu đồng để trồng rừng; 12 triệu đồng vốn chương trình nước sạch – vệ sinh môi trường. Hiện nay, thu nhập ổn định từ 200 gốc bưởi và 1.000 gốc thông, cuộc sống gia đình tôi đã cải thiện hơn rất nhiều.
Nhờ được vay 12 triệu đồng để đầu tư mua giống bưởi Diễn (năm 2015), đến nay gia đình anh Hoàng Văn Hòa, dân tộc Tày sở hữu hơn 400 gốc bưởi Diễn, hơn 200 con gà thả vườn. Tuy mới thu hoạch năm thứ hai nhưng thu nhập từ bưởi đã đạt trên 50 triệu đồng/năm.
Chị Trần Thị Bình (xã Xuân Mãn, huyện Lộc Bình) chăm sóc vườn bưởi diễn theo phương pháp mới, đảm bảo chất lượng quả cao hơn
Đây chỉ là 2 trong số hơn 30 mô hình phát triển kinh tế của xã Xuân Mãn. Ông Hứa Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Mãn cho biết: Phần lớn người dân trong xã là đồng bào DTTS nên được thụ hưởng CSDT như: vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ cây, con giống, phân bón, nước sinh hoạt… Hằng năm các hộ gia đình được đi tham quan học tập kinh nghiệm chăm sóc cây trồng, vật nuôi trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, toàn xã hiện có 5/20 ha bưởi diễn, bưởi da xanh cho thu hoạch với doanh thu trên 500 triệu đồng và nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả như: trang trại tắc kè, lợn rừng, cá thả ao…
Với đặc thù của một huyện miền núi, biên giới, huyện Lộc Bình có trên 96% dân số là người DTTS với 16/27 xã vùng 3 và 134 thôn đặc biệt khó khăn. Vì thế không riêng xã Xuân Mãn mà phần lớn các xã đều được thụ hưởng các CSDT. Từ đó người dân đã mạnh dạn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Tính đến đầu năm 2019, toàn huyện còn 3.778 hộ nghèo, chiếm 19,24%, giảm 10,13% so với năm 2015.
Tăng tuyên truyền, tạo đồng thuận
Để có được kết quả đó, những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện đưa CSDT đến với từng thôn bản. Bà Tạ Thị Thu Hương, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội – Dân tộc huyện cho biết: Hằng năm phòng chủ động tham mưu cho UBND huyện ban hành các quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch và dự toán ngân sách Nhà nước, giao vốn và giao làm chủ đầu tư cho Ban quản lý, UBND các xã, thị trấn. Cùng với đó là chú trọng tuyên truyền cho nhân dân ở các thôn bản và phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS.
Nhận thức được vai trò người có uy tín trong tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS, cấp ủy đảng, chính quyền đã quan tâm động viên, phát huy vai trò người có uy tín. Trong 5 năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức thăm và tặng quà cho 1.666 người có uy tín với kinh phí gần 700 triệu đồng; thăm hỏi, động viên 79 lượt với kinh phí gần 40 triệu đồng. Đồng thời lựa chọn 12 đại biểu là người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS tham dự các hội nghị, lễ tuyên dương cấp tỉnh, cấp trung ương. Qua đó đã động viên người có uy tín phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân.
Cùng với đó, các cơ quan chuyên môn đã làm tốt công tác phối hợp với các tổ chức đoàn thể, người có uy tín tổ chức tuyên truyền các CSDT của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động đấu tranh chống âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ, mất đoàn kết dân tộc.
Ông Nông Văn Quản, Trưởng thôn Bản Bằng, xã Tú Đoạn chia sẻ: Với vai trò trưởng thôn, tôi luôn phối hợp tuyên truyền, vận động người dân sống theo pháp luật, chấp hành tốt các quy ước, hương ước của địa phương và sử dụng có hiệu quả các nguồn hỗ trợ từ CSDT vào sản xuất, nâng cao đời sống. Số hộ nghèo trong thôn ngày càng giảm, trên 80% hộ gia đình có mức sống khá.
Nhờ đó, các CSDT trên địa bàn huyện luôn được người dân đồng thuận và triển khai thực hiện có hiệu quả. Trong 5 năm qua, toàn huyện có 15.599 lượt hộ nghèo được hỗ trợ trên 5,6 tỷ đồng theo chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn; 3.563 hộ được hỗ trợ hơn 6,4 tỷ đồng theo chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đối với DTTS ở xã đặc biệt khó khăn… Từ hiệu quả thực hiện các CSDT, đời sống nhân dân các dân tộc từng bước cải thiện và nâng cao. Đồng bào các dân tộc tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, góp phần gìn giữ an ninh trật tự, bảo vệ đường biên mốc giới và xây dựng đời sống văn hóa.

Ý kiến ()