Loạn thương hiệu nội - ngoại
LSO-Chưa có thời điểm nào mà cửa hàng bán quần áo thời trang may sẵn lại nhiều như hiện nay, chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố Lạng Sơn đã có hơn 220 cửa hàng (shop). Trong đó, hầu hết các cửa hàng đều có sản phẩm mang cả thương hiệu nội lẫn ngoại. Tuy nhiên, đâu là hàng hiệu “xịn” thì người tiêu dùng khó nhận biết.
![]() |
Khách hàng lựa chọn quần áo tại shop thời trang trên đường Đinh Tiên Hoàng, thành phố Lạng Sơn |
Shop thời trang mọc như nấm
Điều kiện kinh tế – xã hội của tỉnh những năm gần đây ngày càng phát triển, người dân có thu nhập cao hơn nên nhu cầu ăn mặc cũng tăng mạnh. Đồng thời, với lợi nhuận kinh doanh lớn nên những năm gần đây, các shop thời trang trên địa bàn tỉnh mọc lên như nấm sau mưa.
Theo thống kê của Đội Quản lý thị trường số 1, trước năm 2012, trên địa bàn thành phố chỉ có khoảng 70 shop thời trang. Nhưng hiện nay, riêng cửa hàng thời trang Việt Nam xuất khẩu và hàng “Made in Việt Nam” đã có hơn 20 shop và hơn 200 shop thời trang bán lẫn các loại hàng, chưa kể đến vài trăm gian hàng tại các chợ.
Bà Hoàng Hồng Hạnh, Chủ shop thời trang Hồng Hạnh trên đường Trần Đăng Ninh chia sẻ: Kinh doanh thời trang may sẵn hơn 10 năm nay, shop chuyên bán hàng cao cấp nhập từ Trung Quốc và Thái Lan. Trước năm 2012, shop bán đồ cao cấp trên địa bàn thành phố chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng hiện có đến hơn 30 cửa hàng.
Thực tế, dọc các tuyến phố chính như: Trần Đăng Ninh, Bà Triệu, Lê Lợi… đâu đâu cũng thấy shop quần áo với các biển hiệu, thương hiệu lẫn lộn giữa ngoại và nội. Có shop thì biển hiệu, mác tên nước ngoài nhưng hàng được sản xuất trong nước như: thời trang Owen, Blue Exchange… và có những shop “Made in Viet Nam” nhưng bày bán phóng phú cả sản phẩm có mác nước ngoài.
Loạn thương hiệu
Vào một shop thời trang bất kỳ mà không phải hàng hãng đăng ký thương hiệu trên địa bàn thành phố, dễ nhận thấy các sản phẩm quần áo đa dạng nhãn mác và được nhân viên tư vấn giới thiệu: nếu hàng Trung Quốc thì được sản xuất ở Quảng Châu, nếu hàng trong nước thì là hàng nhà máy hoặc hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, đại đa số khách hàng không phân biệt được xuất xứ sản phẩm.
Anh Nguyễn Tuấn Mạnh, chủ shop thời trang nam trên đường Đinh Tiên Hoàng, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Từ trước đến nay, hầu hết quần áo có mác hàng hiệu được bán trên thị trường như: Versace, Nike, Louis Vuitton, Puma… đều được sản xuất “nhái” từ Trung Quốc. Thậm chí, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng hiệu giá rẻ ngày càng cao của người dân, trong 5 năm trở lại đây, nhiều xưởng may trong nước cũng sản xuất hàng nhái đúng kiểu dáng và nhãn mác hàng hiệu đóng dập đầy đủ.
Bên cạnh đó, hiệu quả từ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, cùng với việc hàng sản xuất trong nước ngày một đa dạng về mẫu mã, chất lượng và giá cả hợp lý nên người tiêu dùng ngoài tâm lý “sính hàng hiệu” thì có một bộ phận không nhỏ ưa chuộng hàng thương hiệu Việt. Cũng chính vì thế, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh quần áo đã lợi dụng tâm lý này mà sử dụng các “chiêu trò” làm nhái các thương hiệu thời trang nổi tiếng như: Mango, An Phuoc, Việt Tiến, H&M, Zara… Điều này khiến các cửa hàng thời trang “Made in Viet Nam” chuẩn bị cạnh tranh về giá cả sản phẩm và làm cho khách hàng luôn phải đắn đo khi lựa chọn.
Ông Trần Mạnh Hùng, Chi cục Phó Chi cục Quản lý thị trường cho biết: Chi cục luôn chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng ngăn chặn hàng thời trang nhập lậu từ khu vực biên giới đến nội địa. Đồng thời, các đội phụ trách địa bàn đã tăng cường kiểm tra chặt các cơ sở kinh doanh thời trang phát sinh. Tuy nhiên, việc kiểm soát nhãn mác hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn bởi hiện nay, hàng hóa không chỉ được nhập khẩu mà rất nhiều mẫu mã được sản xuất trong nước. Đồng thời, tem, mác sản phẩm cũng được sản xuất kèm để phục vụ nhu cầu khi khách thích nhãn nào thì “đóng nhãn” đó.
Trước thực trạng loạn thương hiệu như hiện nay, để bảo vệ lợi ích của mình, khách hàng khi mua sắm cần chuẩn bị thông tin về sản phẩm để trở thành “người tiêu dùng thông thái”, qua đó hạn chế tối đa thiệt hại về kinh tế và sức khỏe.
ANH DŨNG

Ý kiến ()