Liều thuốc mạnh đặc trị "bệnh” trốn đóng bảo hiểm xã hội
Tại dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ Công an đề xuất tăng mức xử phạt đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội. Động thái này được đánh giá là bước đi mạnh mẽ nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, đồng thời bảo đảm tính răn đe pháp luật đối với các hành vi xâm phạm chính sách an sinh xã hội.

Khung hình phạt chưa đủ sức răn đe
Thực tế cho thấy thời gian qua tình trạng chây ì, nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động vẫn diễn ra khá phức tạp, có xu hướng gia tăng. Điều đáng nói là không chỉ ở xảy ra ở khu vực kinh tế tư nhân mà còn ở nhiều khu vực khác nhau.
Không ít người lao động chỉ đến khi xảy ra tai nạn lao động, nghỉ việc hay nghỉ thai sản mới phát hiện chủ sử dụng chưa hề tham gia bảo hiểm xã hội hoặc tham gia không đầy đủ cho họ, dù đã khấu trừ tiền từ lương. Hành vi này không những gây tổn hại vật chất, tinh thần mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của người lao động và chính sách an sinh xã hội.
Tính từ năm 2018 đến nay, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã gửi hàng trăm hồ sơ kiến nghị khởi tố theo Điều 216 về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không bị khởi tố do chưa đạt được điều kiện, không đủ cơ sở để xác định được các hành vi đó là trốn đóng hay không đóng do không chứng minh được người có nghĩa vụ cố ý và có hành vi gian dối…; thậm chí qua nhiều năm cho thấy các trường hợp bị khởi tố đối với tội này là rất hiếm.

Mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp thực hiện quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, trong đó tập trung kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, xử lý các trường hợp cố tình vi phạm... song theo các chuyên gia, mức xử phạt hiện tại chưa đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng vi phạm vẫn diễn ra phổ biến.
Nhằm ngăn chặn tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội, đồng thời bảo đảm tính răn đe pháp luật, tại dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), điều 216 quy định tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, Bộ Công an đề xuất tăng mức phạt tiền ở khung cơ bản từ 50-200 triệu đồng lên 100-400 triệu đồng; khung nặng nhất đối với cá nhân có thể phạt đến 2 tỷ đồng thay vì mức phạt 1 tỷ đồng như hiện hành. Với tổ chức là pháp nhân thương mại, mức phạt có thể lên tới 6 tỷ đồng, gấp đôi mức hiện hành.
Liên quan nội dung này, ông Nguyễn Văn Thân, chủ một doanh nghiệp tại huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình đánh giá, việc tăng mức xử phạt như trên là hoàn toàn hợp lý, bởi trốn đóng bảo hiểm xã hội không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn xâm phạm nghiêm trọng đến an sinh xã hội và đạo đức kinh doanh. Đề xuất này là quan trọng để đảm bảo tính công bằng và tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật.
Tuy nhiên, ông Thân cũng cho rằng cần làm rõ hành vi chủ sử dụng lao động cố tình trốn đóng bảo hiểm hay do doanh nghiệp khó khăn, làm ăn thua lỗ, phá sản nên chậm hoặc không đủ kinh phí đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động để đưa ra mức phạt phù hợp; đồng thời thiết lập mức phạt dựa trên mức độ vi phạm và quy mô doanh nghiệp, giúp đảm bảo sự công bằng và tính khả thi trong thực hiện.
Chị Nguyễn Thu Trang, công nhân làm việc tại khu công nghiệp Đại An (thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương) cũng bày tỏ ủng hộ cao với đề xuất tăng mức phạt trên.
Theo chị Trang, hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội thực chất là chiếm đoạt tiền lương gián tiếp của người lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; do đó cần xử lý nghiêm để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Chị Trang chia sẻ thời gian qua, không ít lao động làm việc ở các doanh nghiệp khác, do nhận thức còn hạn chế, tâm lý sợ mất việc nên không dám đấu tranh đòi quyền lợi mặc dù bị chậm đóng bảo hiểm xã hội trong một thời gian dài. Dường như do mức phạt tiền đối với pháp nhân còn thấp, nên một số doanh nghiệp vẫn tỏ ra "nhờn luật", chây ì, thậm chí là trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Vì vậy, cùng với việc tăng mức xử phạt đối với hành vi này để bảo đảm tính răn đe, chị Trang đề nghị tiếp tục công khai thông tin về các doanh nghiệp vi phạm bảo hiểm xã hội để cộng đồng và người lao động có thể biết được thông tin về những doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật, từ đó tạo ra áp lực xã hội và khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ.
Mặt khác, chị Trang cũng bày tỏ băn khoăn đối với các trường hợp doanh nghiệp, cá nhân chuyển địa điểm, hay thay đổi tư cách pháp nhân, thậm chí tuyên bố phá sản để né tránh các nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội với người lao động thì sẽ xử lý như thế nào?.
Tăng chế tài là cần thiết song cần đi đôi với cơ chế giám sát hiệu quả
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, trên góc độ pháp lý và bảo vệ quyền lợi người lao động, luật sư Đặng Hồng Dương, Giám đốc Công ty Luật Sao Sáng cho rằng việc sửa đổi này là cần thiết, hợp lý và phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh hiện nay.

Theo luật sư Đặng Hồng Dương, trong hệ thống an sinh xã hội thì hệ thống bảo hiểm xã hội giữ vai trò trụ cột. Do vậy, trốn đóng bảo hiểm xã hội không đơn thuần là hành vi vi phạm hành chính, mà đó còn là sự vi phạm có tính hệ thống, làm suy giảm niềm tin vào chính sách an sinh xã hội, đồng thời trực tiếp xâm phạm quyền được bảo đảm an sinh - một quyền cơ bản được Hiến pháp ghi nhận của người lao động. Khi doanh nghiệp không đóng hoặc không đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, người lao động không được hưởng các chế độ về ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, hưu trí... gây thiệt hại lâu dài và có thể không khắc phục được.
Luật sư chỉ ra, so với quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), dự thảo sửa đổi đã nâng mức tiền trốn đóng và số lượng người lao động bị ảnh hưởng để xác định các khung hình phạt, đồng thời tăng đáng kể mức xử phạt tiền. Điều này thể hiện rõ sự nghiêm khắc của pháp luật đối với các hành vi xâm phạm chính sách an sinh xã hội. Đồng thời, việc tăng chế tài xử phạt gấp đôi là cần thiết để bảo đảm tính răn đe, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các chủ thể sử dụng lao động.
Việc tăng chế tài xử phạt là cần thiết để bảo đảm tính răn đe, đồng thời góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các chủ thể sử dụng lao động.
Luật sư Đặng Hồng Dương, Giám đốc Công ty Luật Sao Sáng.
Luật sư Hồng Dương cho hay, dự thảo sửa đổi Điều 216 Bộ luật hình sự đang được xây dựng đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (sẽ có hiệu lực từ 1/7/2025), trong đó đã quy định rõ ràng và minh bạch hơn về các hành vi trốn đóng, mức độ vi phạm, cũng như biện pháp xử lý hành chính và hình sự. Sự liên kết này giúp tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, thống nhất trong việc xử lý các vi phạm liên quan đến nghĩa vụ bảo hiểm xã hội bắt buộc, giảm thiểu tình trạng lách luật, xử lý không triệt để như hiện nay. Đáng chú ý, Luật Bảo hiểm xã hội mới đã xác lập nguyên tắc: ngoài việc xử phạt, các đối tượng vi phạm bắt buộc phải truy nộp toàn bộ số tiền đã trốn đóng, kèm theo khoản lãi phát sinh. Đây là điểm tiến bộ, nhằm khôi phục quyền lợi chính đáng cho người lao động, đồng thời tạo cơ sở pháp lý rõ ràng để các cơ quan tố tụng có thể xử lý hiệu quả hơn.
“Dù pháp luật có nghiêm khắc đến đâu nhưng nếu thiếu cơ chế phát hiện, giám sát và xử lý hiệu quả thì các quy định cũng sẽ khó đi vào cuộc sống. Vì vậy, bên cạnh việc nâng khung hình phạt, Nhà nước cần đầu tư mạnh hơn cho công tác thanh tra, kiểm tra lao động-bảo hiểm; xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan bảo hiểm, thuế, công đoàn và chính quyền địa phương để kịp thời phát hiện vi phạm”, luật sư nói.
Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga nhận định cần thiết tăng mức xử phạt để bảo đảm tính răn đe đối với các chủ sử dụng lao động, bởi hiện nay tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội rất phổ biến. Việc trốn đóng không chỉ dẫn đến thiệt hại cho các cơ quan Nhà nước mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động và ảnh hưởng đến niềm tin của người lao động vào hệ thống bảo hiểm xã hội.

Đại biểu Việt Nga cho hay, thực tế hiện nay ở nhiều quốc gia mức xử phạt đối với tội trốn thuế và trốn đóng bảo hiểm xã hội rất cao.
Đại biểu nhấn mạnh, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động là nghĩa vụ bắt buộc được quy định trong luật để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, không có lý do gì để các đơn vị, chủ sử dụng lao động chây ỳ, trốn đóng. Còn đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn trong những giai đoạn nhất định thì Nhà nước cũng đã có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giãn, hoãn đóng bảo hiểm xã hội như đợt xảy ra đại dịch Covid-19.
Do đó, theo đại biểu Việt Nga, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, tăng cường kiểm tra, giám sát từ phía cơ quan chức năng đến tổ chức công đoàn cơ sở; thì trong bối cảnh sắp xếp lại tổ chức bộ máy thanh tra, nên xem xét tăng cường thẩm quyền cho thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm xã hội. Cùng với đó, việc tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức và trách nhiệm pháp lý của người sử dụng lao động là yếu tố then chốt để giảm thiểu tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội. Song song, đẩy mạnh tuyên truyền cho người lao động, bởi chỉ khi người lao động ý thức được toàn bộ quyền lợi của mình thì họ mới có thể giám sát ngược lại người sử dụng lao động, để kịp thời khiếu nại trong trường hợp quyền lợi bị xâm phạm.
Việc tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động là yếu tố then chốt để giảm thiểu tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội.Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga.
Có thể thấy, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự theo hướng tăng nặng chế tài đối với tội trốn đóng bảo hiểm xã hội là phù hợp với yêu cầu bảo vệ quyền lợi người lao động, đồng thời bảo đảm tính nghiêm minh và hiệu lực của pháp luật. Tuy nhiên, để pháp luật phát huy tối đa hiệu quả, cần thiết phải có sự đồng bộ về mặt cơ chế thi hành, tăng cường công tác giám sát, cũng như nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động và chính người lao động. Điều này là cần thiết nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực thi chính sách bảo hiểm xã hội, góp phần bảo đảm công bằng và ổn định lâu dài cho người lao động.

Ý kiến ()