Liên hợp quốc kêu gọi chuyển giao quyền lực cho Tổng thống đắc cử của Gambia
Ngày 19/1, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết yêu cầu cựu Tổng thống Gambia Yahya Jammeh thực hiện tiến trình “chuyển giao hòa bình và trật tự”, và chuyển giao quyền lực cho tân Tổng thống Adama Barrow, phù hợp với Hiến pháp của quốc gia này.
Nghị quyết được các thành viên của Hội đồng Bảo an thông qua chỉ vài giờ sau khi Tổng thống đắc cử Gambia Adama Barrow tuyên thệ nhậm chức.
Theo đó, 15 thành viên của Hội đồng kêu gọi tất cả các bên và nhân vật liên quan của Gambia tôn trọng ý nguyện của người dân và các kết quả của cuộc bầu chọn Tổng thống, trong đó ông Barrow đã được công nhận là Tổng thống Gambia, và theo “ý chí tự do được bày tỏ của người dân Gambia, cũng như tuyên bố của Ủy ban bầu cử độc lập”.
Hội đồng bày tỏ “ủng hộ toàn diện” đối với nỗ lực của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) với cam kết “bảo đảm, ưu tiên cho các phương tiện chính trị, tôn trọng ý muốn của người dân Gambia, như được phản ánh trong các kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 1/12”.
Trong nghị quyết mới, Hội đồng Bảo an cũng thông qua quyết định của ECOWAS và Liên minh châu Phi (AU) công nhận ông Barrow là Tổng thống của Gambia; đồng thời kêu gọi các nước trong khu vực và ECOWAS cùng hợp tác với Tổng thống Barrow nỗ lực để hoàn thành việc chuyển giao quyền lực.
Các thành viên của Hội đồng cũng hoan nghênh quyết định của Hội đồng Hòa bình và An ninh của AU trong đó khẳng định tính bất khả xâm phạm của các kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống tổ chức vào ngày 1/12/2016 tại Gambia, và tuyên bố rằng từ ngày 19/1/2017, sẽ không công nhận ông Jammeh là Tổng thống hợp pháp của Gambia.
Hội đồng Bảo an cũng nhấn mạnh trong Nghị quyết tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn cho Tổng thống Barrow, cũng như cho tất cả các công dân Gambia; đồng thời yêu cầu tất cả các bên liên quan trong và ngoài Gambia “kiềm chế, tôn trọng các nguyên tắc của pháp luật và bảo đảm một sự chuyển đổi quyền lực hòa bình”. 15 thành viên của Hội đồng yêu cầu các lực lượng quốc phòng, an ninh của Gambia kiềm chế tối đa để duy trì yên ổn ở trong nước và nhấn mạnh rằng họ có bổn phận và nghĩa vụ phục vụ cho các nhà chức trách dân chủ cầm quyền.
Phát biểu với báo chí sau cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chỉ ra rằng nghị quyết vừa được thông qua là một “minh chứng tốt về ngăn ngừa các cuộc xung đột”.
Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ Tổng thống và chính phủ của ông Barrow
Cũng trong ngày 19/1, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã lên tiếng kêu gọi Tổng thống Barrow thảo luận về những phát triển mới nhất trong nước và chúc mừng lễ nhậm chức của ông.
Trong tuyên bố được đưa ra sau khi Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết, người phát ngôn của ông António Guterres nêu rõ: “Tổng thư ký bày tỏ quan ngại sâu sắc trước lời từ chối rút lui của Tổng thống đương nhiệm Yahya Jammeh và người Gambia ồ ạt chạy trốn đến Senegal.
Tổng thư ký Guterres nói với Tổng thống Barrow rằng ông hoàn toàn ủng hộ quyết tâm của nhà lãnh đạo mới này và quyết định lịch sử của ECOWAS, với sự hỗ trợ nhất trí của Hội đồng Bảo an, để khôi phục lại pháp luật tại Gambia tôn vinh và tôn trọng ý nguyện của người dân Gambia.
“Tổng thư ký chỉ ra rằng Liên hợp quốc sẵn sàng ủng hộ Tổng thống Barrow và chính phủ của ông trong nỗ lực thúc đẩy dân chủ và đạt được phát triển bền vững ở Gambia” – người phát ngôn của ông Guterres cho biết.
Ít nhất 28.000 người đã rời Gambia
Trước đó, người phát ngôn của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) khu vực Tây Phi Helene Caux ngày 18/1 cho biết ít nhất 28.000 người, chủ yếu là trẻ em, đã rời Gambia kể từ đầu năm nay để tới Senegal nhằm thoát khỏi những áp lực ngày càng tăng bắt nguồn từ kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống hồi tháng 12 năm ngoái.
Đa số những người đến Senegal là người Gambia, cũng như nguời Senegal từng làm việc hoặc sống ở Gambia. Ngoài ra, UNHCR cũng cho biết có cả người Ghana, Guinea, Liberia, Mauritania và Lebanon.
Theo đại diện của UNHCR tại khu vực Tây Phi và Dakar Liz Ahua, hầu hết họ sống với người thân hoặc gia đình bản xứ. Một số hộ gia đình đã tăng gấp đôi hoặc gấp 3 lần số thành viên, có thể gây áp lực lên các nguồn lực của họ, đặc biệt là về thực phẩm.
Ông Jammeh lên nắm quyền ở Gambia sau cuộc đảo chính quân sự năm 1994 và liên tiếp tái đắc cử Tổng thống vào các năm 2001, 2006 và 2011. Trong cuộc bầu cử hồi cuối năm ngoái, ông Jammeh đã thất bại trước lãnh đạo phe đối lập Adama Barrow. Tuy nhiên, ngày 17/1, ông Jammeh đã ban bố tình trạng khẩn cấp và tuyên bố sẽ không từ chức, khiến các quốc gia Tây Phi phải gia tăng sức ép đối với ông này sau nhiều tuần đàm phán ngoại giao thất bại. Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã nỗ lực làm trung gian cho cuộc khủng hoảng chính trị tại Gambia, kêu gọi Tổng thống mãn nhiệm chuyển giao quyền lực trong hòa bình. Ngoài ECOWAS, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế trong đó có Liên hợp quốc đã gây sức ép đòi ông Jammeh phải chuyển giao quyền lực cho Tổng thống đắc cử Adama Barrow. |
Theo Dangcongsan

Ý kiến ()