Liên hợp quốc hoan nghênh cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Sudan, Nam Sudan
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 22/10 đã hoan nghênh việc tổ chức cuộc gặp cấp cao diễn ra cùng ngày giữa Tổng thống Sudan Omar al-Bishir và người đồng cấp Nam Sudan Mayardit Salva Kiir.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 22/10 đã hoan nghênh việc tổ chức cuộc gặp cấp cao diễn ra cùng ngày giữa Tổng thống Sudan Omar al-Bishir và người đồng cấp Nam Sudan MayarditSalva Kiir.
![]() |
Tổng thống Sudan Omar al-Bishir (trái) và người đồng cấp Nam Sudan Salva Kiir |
Người đứng đầu Liên hợp quốc đã hoan nghênh quyết định của hai nhà lãnh đạo nhằm thiết lập Khu vực An toàn Phi quân sự (SDBZ) vào giữa tháng 11 tới.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi cả hai nước cần khẩn trương thực hiện các đề xuất của Ủy ban Điều phối cấp cao của AU (AUHIP) để đưa ra quyết định cuối cùng về tình hình ở Abyei; đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo từ bỏ các sáng kiến đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng ở khu vực Abyei.
Hãng thông tấn Sudan trích lời của Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir Mayardit. Theo đó, ông khẳng định Juba mong muốn giải quyết tất cả các vấn đề còn tồn tại giữa hai nước và hướng tới xây dựng nền hòa bình lâu dài với Khartoum. Ông cũng nhấn mạnh, Abeyi vẫn luôn là vấn đề phức tạp và khẩn cấp và hai bên cần tiếp tục thảo luận.
Theo một thông báo sau khi kết thúc cuộc gặp gỡ, hai bên đã nhất trí đẩy nhanh việc thành lập một khu vực phi quân sự an toàn trên biên giới chung vào trước trung tuần tháng 11 và sẽ làm việc cùng nhau để ngăn chặn sự hỗ trợ hoạt động của các nhóm vũ trang.
Hai bên cũng nhất trí xúc tiến thành lập chính quyền, hội đồng lập pháp và các cơ quan cảnh sát ở khu vực tranh chấp Abyei, trích 2% doanh thu dầu mỏ cho chính quyền khu vực này.
Trước đó, ngày 3/9, Sudan và Nam Sudan đã cùng ký vào một bản thỏa thuận hợp tác. Theo đó, dầu mỏ của Nam Sudan sẽ tiếp tục chảy qua hệ thống đường ống của Sudan.
Việc nối lại hoạt động xuất khẩu dầu của Nam Sudan thông qua các đường ống dẫn dầu nằm trên lãnh thổ Sudan đem lại những lợi ích to lớn cho cả hai nước. Sudan sẽ kiếm được hàng tỷ USD từ việc thu phí vận chuyển dầu, trong khi hàng tỷ USD cũng sẽ được bổ sung vào nguồn quỹ của Nam Sudan từ hoạt động xuất khẩu dầu.
Vào tháng 6 vừa qua, chính quyền Khartoum đã cáo buộc các chính quyền Juba đứng đằng sau hoạt động của các nhóm nổi dậy và tuyên bố sẽ đóng cửa tuyến xuất khẩu dầu mỏ của nước láng giềng miền Nam trong vòng 60 ngày. Khartoum đã mở rộng thời hạn nói trên thêm hai lần, và thời hạn mới nhất sẽ hết hạn vào ngày 6/9.
Vào tháng 3/2013, hai nước đã bắt đầu thực hiện 9 thỏa thuận đã được ký kết từ tháng 9/2012 tuy nhiên việc thực hiện này đã thất bại vì những lo ngại của Khartoum về vấn đề an ninh biên giới. Và căng thẳng giữa hai nước lại đột ngột bùng phát do những cáo buộc lẫn nhau liên quan đến việc hỗ trợ lực lượng phiến quân của hai bên.
Theo Dangcongsan.vn

Ý kiến ()