Lan tỏa tinh thần Hồ Chí Minh – Hành trình văn hóa Việt vươn ra thế giới
Lần đầu tiên, triển lãm chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức tại một kỳ triển lãm thế giới. Đây không chỉ là sự kiện mang tính tưởng niệm mà còn là dấu mốc trên hành trình đưa văn hóa Việt Nam lan tỏa rộng khắp, khẳng định vai trò ngày càng chủ động, tích cực của Việt Nam trong không gian văn hóa thế giới.

Triển lãm chuyên đề với tên gọi “Chủ tịch Hồ Chí Minh – Biểu tượng của hòa bình và hữu nghị” được tổ chức tại Nhà Triển lãm Việt Nam trong khuôn khổ EXPO 2025 Osaka, kéo dài đến ngày 25/5, sau đó tiếp tục được tổ chức tại thành phố Fukuoka - một trung tâm văn hóa và giáo dục lớn của Nhật Bản trong hai ngày 28 và 29/5. Việc mở rộng không gian tổ chức không chỉ đưa hình ảnh, tư tưởng Hồ Chí Minh đến gần hơn với bạn bè quốc tế mà còn thể hiện nỗ lực có chiều sâu, bài bản trong công cuộc quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Diễn ra vào dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 52 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản, triển lãm mang giá trị tinh thần đặc biệt.
Chia sẻ về chuyên đề, Phó Tổng đại diện Việt Nam tại EXPO 2025 Trần Nhất Hoàng cho biết, đây là lần đầu tiên một triển lãm về Chủ tịch Hồ Chí Minh được giới thiệu toàn diện tại một kỳ EXPO – sự kiện có quy mô quốc tế, đa quốc gia, đa văn hóa với hàng triệu lượt khách tham quan từ các châu lục. Qua những hình ảnh, tư liệu về hành trình cách mạng của Người, công chúng quốc tế có cơ hội hiểu rõ hơn về tư tưởng, nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với cách tiếp cận hiện đại nhưng gần gũi, triển lãm tái hiện hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua những tư liệu quý, hình ảnh sống động, thước phim tư liệu và hiện vật lịch sử, từ hành trình ra đi tìm đường cứu nước của thanh niên Nguyễn Tất Thành cho đến hình ảnh nhà lãnh đạo lỗi lạc, người chiến sĩ quốc tế kiên trung, nhà ngoại giao khôn khéo và là người bạn lớn của nhân dân tiến bộ trên thế giới.
Không gian trưng bày không chỉ là nơi kể lại câu chuyện lịch sử mà còn trở thành điểm kết nối giữa ký ức dân tộc với những giá trị phổ quát của nhân loại như hòa bình, hợp tác và lòng nhân ái. Trong thế kỷ 20 đầy biến động, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong số ít nhà lãnh đạo để lại dấu ấn vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Những quan điểm cốt lõi mà Người để lại như “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” không chỉ truyền cảm hứng cho nhân dân Việt Nam mà còn là ngọn lửa soi đường cho các phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc tại châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh...
Việc chọn Nhật Bản, quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện làm nơi tổ chức triển lãm chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại một kỳ EXPO thể hiện sự đồng hành văn hóa có chiều sâu giữa hai quốc gia. Trong bối cảnh hai nước đang ngày càng gắn kết về chính trị, kinh tế, văn hóa và giao lưu nhân dân, việc Nhật Bản hợp tác tổ chức hoạt động có ý nghĩa văn hóa-lịch sử sâu sắc này cũng là sự thể hiện tin cậy và tôn trọng lẫn nhau.
Chủ đề của EXPO 2025 “Thiết kế xã hội tương lai cho cuộc sống của chúng ta” không chỉ là định hướng phát triển bền vững, nhân văn mà còn là thông điệp toàn cầu về xây dựng một thế giới hài hòa, công bằng hơn. Trong mạch nguồn đó, việc giới thiệu di sản tinh thần Hồ Chí Minh không chỉ là hành động tri ân lịch sử mà còn là gợi mở mô hình phát triển mới, nơi văn hóa là nền tảng cho tiến bộ xã hội. Việt Nam đến với EXPO không chỉ bằng sản phẩm công nghệ hay tinh hoa nghệ thuật truyền thống, quảng bá hình ảnh của một đất nước lấy giá trị văn hóa tốt đẹp làm nền tảng mà còn bằng những giá trị mềm có sức lan tỏa mạnh mẽ như tư tưởng, đạo đức, nhân cách Hồ Chí Minh-một dấu ấn văn hóa đặc biệt trong tâm thức bạn bè quốc tế.

Mỗi điểm dừng chân của triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh – Biểu tượng của hòa bình và hữu nghị” sẽ là một nhịp cầu kết nối, nơi truyền tải khát vọng độc lập, tình yêu hoà bình - những giá trị xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Việc trưng bày triển lãm lần này còn là cách Việt Nam củng cố bản sắc văn hóa, lan tỏa hình ảnh đất nước yêu chuộng hòa bình, chủ động hội nhập và đóng góp tích cực cho cộng đồng quốc tế.
Chiến lược hội nhập văn hóa quốc tế đang được triển khai một cách đồng bộ, bài bản. Bên cạnh sự hiện diện thường xuyên tại các hội nghị đa phương lớn như: Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP), hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM)… Việt Nam còn tích cực tổ chức các chương trình như Tuần/Ngày văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, các sự kiện quảng bá ẩm thực, âm nhạc, điện ảnh, nghệ thuật dân gian, xuất khẩu sản phẩm sáng tạo...
Những hoạt động ấy cùng sự tham gia tích cực của trí thức, nghệ sĩ, cộng đồng kiều bào Việt Nam ở nước ngoài đang góp phần chung tay vun đắp một nền đối ngoại văn hóa có chiều sâu, có sức sống và tầm nhìn. Từ các diễn đàn văn hóa toàn cầu đến EXPO 2025 Osaka, Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế là quốc gia hội nhập bằng bản sắc văn hóa và tích cực lan tỏa các giá trị nhân văn, hòa bình, hợp tác.

Ý kiến ()