Làm Nhà Nội trú trên đỉnh mây mù
Gần một tháng theo chân đoàn cán bộ Ban chỉ đạo chương trình 30a giúp đỡ các huyện nghèo của Tổng công ty Giấy Việt Nam (VINAPACO) đến hai huyện Bắc Yên tỉnh Sơn La và huyện Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang, khó mà nói hết sự gian nan vất vả và giá trị của những công trình giáo dục cho vùng cao.
Khi chúng tôi đến xã Sán Xả Hồ ở Hoàng Su Phì thì NNT đang trong quá trình hoàn thiện. Phòng ở, nhà vệ sinh, nhà bếp đã hoàn thành, nhưng đường đi, bờ tường, rãnh thoát nước chưa xong. Từ trên độ cao gần 900m nhìn xuống các thửa ruộng bậc thang mới được công nhận là di sản quốc gia, hàng nghìn lớp ruộng mới làm ải trắng lấp lánh trải từ trên mây xuống dưới khe sâu tạo nên phong cảnh thật kỳ vĩ. Tìm được mặt bằng vài trăm mét vuông ở đây còn khó hơn tìm đất ở nội thành Hà Nội, cho nên bàn đi tính lại, xã đành chọn một nghĩa địa của bà con dân tộc Nùng làm địa điểm xây NNT.
Công việc gian nan nhất của đơn vị thi công là di dời các ngôi mộ để tạo ra mặt bằng rộng chừng 500 m2. Theo phong tục ở đây, khi chưa bốc mộ thì không ai được phép đụng chạm các phần mộ, chỉ một hòn đá nhỏ lăn vào khu mộ cũng sẽ bị phạt, nghĩa là phải mổ lợn đen và làm lễ cúng. Không phải di dời một lúc là xong ngay, mà phải chờ thầy mo chọn ngày, chọn giờ làm lễ cúng cho từng ngôi mộ, lần lượt như thế mất mấy tháng mới hình thành được mặt bằng. Cũng may, nhờ được bà con trong xã ủng hộ, công trình cơ bản hoàn thành, bảo đảm chất lượng.
Mặt bằng của xã Đản Ván khó khăn nhất huyện Hoàng Su Phì. Chỉ tính riêng tiền xây kè để tạo mặt bằng cho trường học đã hết 25 tỷ đồng, gấp hàng chục lần kinh phí xây dựng trường. Những bức tường bê tông khổng lồ ở đây được ví như Vạn lý trường thành trên độ cao gần 800m. Đồng bào cũng chủ yếu là dân tộc Nùng. Các thôn xa nhất như Thảo Chảo, Thượng 2 chỉ cách biên giới Việt – Trung hai giờ đi bộ, nằm trên độ cao hơn 1.000m.
Theo thầy Triệu Hồng Phi, hiệu trưởng trường TH và THCS Đản Ván, nhà trường đã phân công một giáo viên quản lý học sinh, một người phục vụ nấu cơm cho các em, nay có thêm NNT nữa thì các em càng yên tâm học hành. Hiện tại chỉ có hơn hai mươi em có nguyện vọng ở lại trường nhưng NNT có thể đáp ứng nhu cầu của 50 em. Việc chăm sóc các em khá thuận tiện vì các em ở nội trú đều được hưởng mức hỗ trợ hơn 300.000 đồng mỗi tháng. Từ lâu rồi, xã không còn học sinh bỏ học đi lấy chồng nữa.
Xã Hua Nhàn thuộc huyện Bắc Yên là điểm cao nhất trong hành trình về với các vùng dân tộc thiểu số Tây Bắc. Công trình nhà nội trú hai tầng, 12 phòng ngất ngưởng ở độ cao 1.300 m so với mực nước biển. Phải qua mấy tầng mây, mấy lần đổi xe mới đến nơi. Mái trường là ngôi nhà chung của hơn 200 học sinh người dân tộc Mông trong xã, năm học tới sẽ có 135 học sinh bán trú được ở trong NNT mới.
Phó hiệu trưởng trường THCS xã, anh Dương Duy Tấn cho biết, mỗi năm trường có hơn chục học sinh bỏ học, nhưng từ khi có lớp học mới, rồi lại khởi công NNT thì một số em đã quay lại trường học. Anh tin tưởng số học sinh bỏ học sẽ giảm mạnh trong những năm tới. Tuy nhiên, do học sinh ở nội trú đông, nên các thầy cô chăm không xuể. Các em học sinh TH và THCS vẫn phải tự lo lấy mọi thứ, từ nấu nướng, tắm giặt đến các sinh hoạt khác. Năm tới nếu được công nhận là trường bán trú dân nuôi thì các em sẽ có người nấu cơm và chăm sóc tốt hơn.
Điều rất đáng hoan nghênh là địa phương và đơn vị tài trợ VINAPACO – không tổ chức lễ khánh thành, chỉ đơn giản là các cuộc họp nghiệm thu và bàn giao công trình cho các nhà trường sử dụng. Trên những đỉnh cao mây mù, các trường học, các NNT như thế này trở thành những điểm nhấn, những bệ phóng cho sự nghiệp trồng người ở vùng cao.

Ý kiến ()