Kinh tế nhiều tỉnh phía Nam tăng trưởng cao
Dù bị tác động của tình hình kinh tế thế giới và những khó khăn trong nước, sức mua của thị trường giảm, hàng tồn kho tăng cao, doanh nghiệp khó có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ngân hàng…, song kinh tế của nhiều tỉnh phía Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng, thể hiện qua việc tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng cao trong 9 tháng năm 2013.
Dù bị tác động của tình hình kinh tế thế giới và những khó khăn trong nước, sức mua của thị trường giảm, hàng tồn kho tăng cao, doanh nghiệp khó có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ngân hàng…, song kinh tế của nhiều tỉnh phía Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng, thể hiện qua việc tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng cao trong 9 tháng năm 2013.
Thành phố Hồ Chí Minh: GDP 9 tháng ước đạt 532.414 tỉ đồng
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh, GDP trên địa bàn thành phố trong 9 tháng năm 2013 ước đạt 532.414 tỉ đồng, tăng 8,7%. Trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, mức tăng trưởng từng quý có tăng dần (quý I, GDP thành phố tăng 7,6%; quý II, tăng 8,1%; 6 tháng đầu năm 2013 tăng 7,9%; quý III, tăng 10,3%) cho thấy tăng trưởng kinh tế của thành phố đã có dấu hiệu phục hồi.
|
Một công trình sản xuất điện khí ở Đông Nam bộ |
Chỉ số phát triển công nghiệp 9 tháng đầu năm của thành phố Hồ Chí Minh cũng tăng 6% so với cùng kỳ, đây là mức tăng cao nhất kể từ đầu quý II đến nay, trong đó, 4 ngành công nghiệp trọng điểm tăng 5,9% so với cùng kỳ.
Sản xuất công nghiệp có những chuyển biến tích cực, đạt mức tăng trưởng khá, cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Những ngành có mức tăng cao so với cùng kỳ là: Da và các sản phẩm liên quan tăng 10,9%; thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 11,2%; cao su và plastic tăng 10%. Tuy nhiên, cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, chỉ số tồn kho toàn ngành tại thời điểm đầu tháng 9 lại tăng 6,9% so với tháng trước. Một số ngành có mức tăng khá cao: Thuốc lá tăng 11,1%, in tăng 91,1%, thuốc hóa dược tăng 16%, sản xuất kim loại tăng 86,6%, máy móc thiết bị tăng 13,8%.
Bình Dương: GDP 9 tháng tăng 10,8%
Trong 9 tháng qua, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã tập trung chỉ đạo thực hiện các nhóm giải pháp theo Nghị quyết số 01 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế –xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013, Nghị quyết số 02 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, các Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân về phát triển kinh tế –xã hội, quốc phòng –an ninh trên địa bàn tỉnh theo hướng tích cực, đồng bộ, sát với tình hình thực tế của tỉnh. Kết quả phát triển kinh tế trong 9 tháng đầu năm có mức tăng trưởng khá, GDP tăng 10,8%.
Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 108.144 tỷ đồng, tăng 12,8%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 63.755 tỷ đồng, tăng 22,2%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 9,841 tỷ USD, tăng 15,6%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 7,865 tỷ USD; thu hút đầu tư trong nước thêm 12.131 tỷ đồng, trong đó có 1.314 lượt doanh nghiệp đầu tư mới với số vốn 4.666 tỷ đồng và 306 lượt doanh nghiệp tăng vốn với số vốn 7.465 tỷ đồng, lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 14.754 doanh nghiệp với số vốn 115.170 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng đạt con số 1,113 tỷ USD, trong đó gồm 100 dự án cấp mới với số vốn 691 triệu USD, 98 lượt doanh nghiệp tăng vốn với số vốn 422 triệu USD.
Long An: GDP 9 tháng tăng 10,3%
Theo kết quả công bố của Cục Thống kê tỉnh Long An, GDP 9 tháng năm 2013 ước đạt 13.840 tỷ đồng, tăng trưởng 10,3%. Trong đó khu vực nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng 4,4%. Khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 14,4% và khu vực thương mại – dịch vụ tăng 11,5%.
Sản xuất công nghiệp 9 tháng qua vẫn còn nhiều khó khăn nhưng cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh Long An đã từng bước vượt qua nhờ sự năng động, nỗ lực của bản thân doanh nghiệp cộng với sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, đặc biệt là việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.
Trong 9 tháng qua, Long An có 47/60 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 29 nhóm sản phẩm tăng trên 20%, có 4 nhóm sản phẩm tăng từ 15% đến 20% và có 5 nhóm sản phẩm tăng từ 10% đến 15%. Đồng thời, cũng có 13/60 nhóm sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 8/60 nhóm sản phẩm giảm trên 15% sản lượng.
Theo Dangcongsan.vn

Ý kiến ()