Không nên lặp lại cơ chế "xin cho"
Theo đó, Công ty cổ phần Công trình đường sắt (CPCTĐS) được giao sản xuất 52.530 thanh; Công ty cổ phần Công trình 6 (CPCT6) sản xuất 52.499 thanh, còn Công ty cổ phần đầu tư Công trình Hà Nội (CPĐTCT Hà Nội) chỉ được giao kế hoạch 11.146 thanh.
Trong bối cảnh cả nước vừa tổng kết 25 năm đổi mới và đang triển khai thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Đại hội Đảng khoá XI, thì không biết do vô tình hay hữu ý, ngành đường sắt lại quay lại áp dụng việc giao kế hoạch sản xuất cho các đơn vị thành viên như thời bao cấp. Chỉ riêng việc phân bổ không đồng đều này đã tạo sự cạnh tranh thiếu bình đẳng giữa các doanh nghiệp, dễ phát sinh tiêu cực vì cơ chế 'xin cho'. Cùng là các doanh nghiệp xây dựng công trình của ngành đường sắt, nhưng hai công ty CPCTĐS và CPCT 6, mỗi đơn vị được giao sản xuất hơn 52 nghìn thanh, còn Công ty CPĐTCT Hà Nội chỉ được giao sản xuất với số lượng hạn chế, bằng 10% tổng số tà-vẹt bê-tông dự ứng lực trong kế hoạch mà toàn ngành đường sắt sẽ sử dụng trong năm nay, và bằng 25% số tà-vẹt mà các công ty khác được làm. Trong khi, Công ty CPĐTCT Hà Nội hiện đang sở hữu một dây chuyền sản xuất tà-vẹt bê-tông dự ứng lực đồng bộ, công nghệ hiện đại, có công suất lớn hơn năng lực sản xuất của hai xưởng sản xuất của Công ty CPCTĐS và Công ty CPCT6. Tại đây các thanh tà-vẹt được đúc trên các khuôn thép và được hấp bằng nước nóng, bảo đảm chất lượng đồng đều. Chỉ riêng năm 2010, Công ty CPĐTCT Hà Nội đã sản xuất, lắp đặt hơn 30 nghìn tà-vẹt bê-tông dự ứng lực các loại, trong đó có gần 24 nghìn thanh TN1, năm nghìn thanh S2, 1.190 thanh K3A và 285 thanh K800… cho các công trình trong và ngoài ngành đường sắt, góp phần nâng cao chất lượng chạy tàu, từng bước thay thế tà-vẹt gỗ.
Đảng, Nhà nước đang thực hiện mọi biện pháp để phát triển kinh tế, kiềm chế lạm phát, xóa bỏ mọi hình thức bao cấp theo kiểu 'xin cho' thì việc phân bổ kế hoạch tiêu thụ tà-vẹt của ngành đường sắt cũng như can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ của các đơn vị thành viên, nhất là các doanh nghiệp cổ phần như nói trên chẳng những cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp, mà còn dễ phát sinh tiêu cực. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm kiểm tra làm rõ việc này, bảo đảm sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Ý kiến ()