Khởi nghiệp từ cây đu đủ đực: Dự án sản xuất, kinh doanh sản phẩm thiết thực
- Tham gia cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII tổ chức vào tháng 4/2025 vừa qua, dự án “Sản xuất và kinh doanh một số sản phẩm từ cây đu đủ đực" của nhóm học sinh lớp 12A Trường THPT Tú Đoạn, huyện Lộc Bình đã được đánh giá cao và xuất sắc đoạt giải Nhì chung cuộc. Đây là một trong hai dự án tiêu biểu, được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn lựa chọn tham gia thi vòng chung kết của cuộc thi.

Chia sẻ với phóng viên về ý tưởng hình thành dự án, em Thường Thanh Trúc, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: Qua tìm hiểu và khảo sát, chúng em nhận thấy cây đu đủ đực phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương nên được trồng rất nhiều tại các gia đình. Tuy nhiên, người dân chưa chú trọng trồng hoặc mở rộng diện tích trồng loại cây này. Mặt khác, chúng em mong muốn mang tới cho người dân xứ Lạng nói riêng, người dân cả nước nói chung những sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, an toàn với sức khỏe và môi trường, đặc biệt là sản phẩm gắn với quê hương Lộc Bình. Đồng thời, góp một phần nhỏ vào sự phát triển chung của huyện, tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương. Từ những lí do trên, chúng em đã hình thành ý tưởng và tiến hành thực hiện dự án.
Theo nhóm học sinh tìm hiểu, các bộ phận của cây đu đủ đực đều có thể sử dụng để làm thực phẩm, thuốc hoặc mỹ phẩm. Đặc biệt, hoa đu đủ đực hay được dùng trong các bài thuốc dân gian với tác dụng chữa ho, viêm họng, hỗ trợ chống oxy hóa, chống viêm, chống ung thư… một cách an toàn. Tuy nhiên, thay vì sản xuất mỹ phẩm hay thuốc, các em lựa chọn chế biến hoa đu đủ đực thành các loại thực phẩm để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận và sử dụng hơn.
Video: Các em học sinh đóng gói sản phẩm của dự án
Để tạo nên một loại thực phẩm chức năng đòi hỏi rất khắt khe về quy trình chọn lọc, chế biến, kiểm định chất lượng… Vì vậy, sau khi lựa chọn nguồn nguyên liệu đảm bảo vệ sinh, an toàn, nhóm học sinh đã gửi mẫu nguyên liệu tới Trung tâm kiểm soát bệnh tật, trực thuộc Sở Y tế tỉnh để kiểm nghiệm và đã đạt chất lượng theo tiêu chuẩn yêu cầu.
Từ những nghiên cứu về lý thuyết và thực tế về hoa đu đủ đực, các em đã chế biến được nhiều sản phẩm đa dạng như: trà hoa đu đủ đực với hương vị nguyên bản hay kết hợp dược liệu xạ đen, táo đỏ, kỳ tử; hoa đu đủ đực ngâm mật ong cùng táo đỏ, kỳ tử; bột hoa đu đủ đực; cao lá và hoa đu đủ đực; kẹo mật hoa đu đủ đực… Hương vị của sản phẩm được các thành viên trong nhóm điều chỉnh để phù hợp với khẩu vị của đại đa số người tiêu dùng. Cùng đó, các sản phẩm vẫn giữ được những đặc tính tốt cho sức khoẻ của nguyên liệu hoa đu đủ đực.
Cô Hoàng Thị Niên, giáo viên hướng dẫn nhóm khởi nghiệp vui mừng chia sẻ: Tuy trong quá trình thực hiện dự án các em còn gặp nhiều khó khăn nhưng với sự quyết tâm và tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, nhóm học sinh đã kiên trì tìm tòi, thử nghiệm nhiều lần. Các sản phẩm của nhóm đã được nhiều khách hàng tin tưởng sử dụng nhờ nguồn gốc rõ ràng, tính vệ sinh an toàn và giá bán hợp lý. Đó vừa là sự ghi nhận to lớn đối với nỗ lực của các em học sinh trong nhóm, vừa góp phần truyền cảm hứng cho các thế học sinh về tình yêu quê hương, tinh thần khởi nghiệp gắn với khát vọng phát triển nông sản địa phương.
Được biết, nhóm học sinh đã vận dụng khả năng sáng tạo để thiết kế bao bì, hình ảnh nhận diện sinh động cho từng loại sản phẩm và quảng bá rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội. Đồng thời, các em đã phát tờ rơi, trực tiếp bán sản phẩm tại các phiên chợ, chủ động kết nối với các cửa hàng tạp hoá, siêu thị trên địa bàn huyện Lộc Bình và thành phố Lạng Sơn để trưng bày, phân phối sản phẩm. Tính đến tháng 5/2025, nhóm đã bán được hơn 5.100 sản phẩm các loại, trung bình mỗi sản phẩm có giá dao động từ 50 - 150 nghìn đồng.
Là một khách hàng đã trải nghiệm nhiều sản phẩm của nhóm, chị Lương Thị Ngân, phố Lao động, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình bày tỏ: Tôi thích nhất sản phẩm trà đu đủ đực kết hợp xạ đen của nhóm học sinh vì hương vị độc đáo và rất dễ sử dụng. Tôi đã mua sản phẩm của nhóm nhiều lần và sẽ tiếp tục ủng hộ các em trong tương lai.
Qua dự án, các em học sinh của nhóm nghiên cứu mong muốn các sản phẩm từ cây đu đủ đực sẽ góp phần nâng cao sức khoẻ người dùng, tạo cơ hội để tăng thêm thu nhập cho người lao động địa phương. Đồng thời, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong trồng trọt, thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp và dịch vụ của huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn và các tỉnh miền Bắc nước ta.

Ý kiến ()