Khám phá tiềm năng du lịch xã Xuất Lễ
![]() |
Cán bộ văn hóa và các chuyên gia du lịch khảo sát tại làng đá Thạch Khuyên |
Làng phòng thủ Thạch Khuyên
Thạch Khuyên là 1 trong số 15 thôn thuộc xã Xuất Lễ với hơn 100 hộ gia đình chủ yếu là người dân tộc Nùng đang sinh sống. Vượt qua con đường gập ghềnh, bụi bặm đến với làng Thạch Khuyên, du khách đường xa không khỏi ngỡ ngàng, quên đi sự mệt nhọc khi đứng giữa những ngõ đá quanh co, những ngôi nhà chình tường cổ kính rêu phong. Nhiều người phải thốt lên rằng “Có lẽ ít có nơi nào trên dải đất hình chữ S lại có một “làng đá” độc đáo và hoang sơ đến thế”.
Người dân ở đây không ai nhớ chính xác làng đá có từ bao giờ, chỉ biết rằng khi lớn lên đã thấy nhiều đá như thế rồi. Nghe tổ tiên kể lại, làng này được xây dựng từ năm 1850 đến 1854. Các cụ nhặt đá xếp nền làm nhà chình tường, xếp đá kè bờ ao, bờ ruộng và xếp thành thành lũy tựa như một cái khuyên tròn, có nơi cao đến 5 m.
Tiếp khách bằng chén rượu men lá cay nồng, ông Tàng Văn Hảo, Bí thư Chi bộ thôn Thạch Khuyên kể: “Theo lời của các cụ, ngày xưa tất cả các hộ dân đều sinh sống trong vòng khuyên bằng đá đó. Trong thành có hai ao nước, một ao để giặt giũ, một ao để nước sinh hoạt. Thành đá vững chắc vừa có tác dụng ngăn thú dữ, vừa ngăn kẻ thù xâm phạm. Nhìn chúng chông chênh thế nhưng đạn súng kíp không thể xuyên thủng. Chính nhờ có thành đá mà dân làng đã sống yên ổn qua bao giặc giã và thổ phỉ vùng biên”.
Hiện nay, bên trong làng, các hộ gia đình vẫn sinh sống tập trung quanh ao làng. Xung quanh nhà và cạnh các lối đi trong thôn đều được kê tường rào đá chắc chắn tạo cảnh quan đẹp, độc đáo. Không ít bờ đá đã không còn vết tích do sự vận động của lịch sử. Thế nhưng những hàng rào đá, bờ kè đá còn lại cũng đủ để người ta ngỡ ngàng.
Nhà chình tường truyền thống của người Nùng
Cuốc bộ trên đoạn đường dẫn vào làng đá, du khách không khỏi tò mò khi thấy thấp thoáng những mái nhà chình tường – một lối kiến trúc tiêu biểu cho nhà ở truyền thống của người dân tộc Nùng. Đó là những ngôi nhà làm bằng tường đất dày, kiên cố, lợp ngói âm dương, cao 1 hoặc 2 tầng. Phía trong ngôi nhà có bố trí hệ thống chốt và then cửa chắc chắn. Điều đặc biệt của nhà chình tường nơi đây là tầng áp mái có trổ các lỗ châu mai xung quanh nhằm mục đích phòng thủ.
Mặc cho thời tiết bên ngoài đang nắng chói chang, nóng rát nhưng bên trong ngôi nhà chình tường của anh Hoàng Văn Nghiệm (thôn Ba Sơn) vẫn mát rượi. Mời chúng tôi vào thăm nhà, anh Nghiệm khoe: “Nhà này được các cụ xây dựng từ năm 1931, đến tôi là đời thứ 3 rồi, vẫn kiên cố, chắc chắn. Trông thì không được sang trọng nhưng được cái có sân rộng rãi để phơi thóc lúa, nhà ở thì mát về mùa hè, ấm về mùa đông”.
Giới thiệu về nhà chình tường, giọng ông Tô Văn Tuân, Phó Chủ tịch UBND xã dường như có chút tiếc nuối: “Cách đây không lâu, chỉ khoảng 10 năm về trước, 90% nhà ở của người dân là nhà chình tường nhưng hiện nay tỷ lệ này chỉ còn khoảng 20%, nghĩa là khoảng hơn 200 mái nhà. Do sự xuống cấp dần theo thời gian, để đảm bảo cho nhu cầu cuộc sống nên người dân buộc phải dỡ bỏ, thay thế khi có điều kiện”.
Không chỉ dừng lại ở phong cách kiến trúc mà điều đáng nói ở đây, bên dưới mái nhà chính là nơi lưu giữ những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Nùng. Đó là cách thức thờ cúng tổ tiên, cách bảo quản thóc lúa, những điệu hát sli, múa sư tử, lễ hội truyền thống…
Bà Trần Thị Bích Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh cho biết: “Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy Xuất Lễ là một trong những xã có tiềm năng lớn để xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, để đánh thức, khai thác được tiềm năng đó thì cần có sự quan tâm, vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng từ việc xây dựng quy hoạch, cơ sở vật chất, hạ tầng đến công tác quản lý, tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân bản địa thấy yêu và có ý thức gìn giữ, bảo tồn những di sản quý báu đó”.

Ý kiến ()