Khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên
![]() |
Giáo viên và học sinh điểm Trường Mầm non Vằng Phia, xã Hồng Phong, huyện Bình Gia trong giờ ăn trưa |
Theo định mức, trường THCS có 4 lớp chỉ được bố trí tỷ lệ trung bình 7,6 biên chế giáo viên, song các huyện đã giao 9 hoặc 10 biên chế, khiến biên chế THCS thừa từ 1,4 – 2,4 biên chế/trường. Hiện cả tỉnh có 206 trường THCS, ước thừa trên 300 biên chế giáo viên. Cùng đó, những năm gần đây, quy mô dân số giảm, dân cư thưa thớt, việc di dân cơ học (từ nông thôn ra thành thị) dẫn đến quy mô số lớp, số học sinh ở một số trường, điểm trường giảm; xuất hiện các trường, điểm trường có quy mô quá nhỏ, nhiều trường tiểu học, THCS chỉ có dưới 50 học sinh. Trước thực tế này, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) các huyện đã sáp nhập một số trường tiểu học với trường THCS thành trường liên cấp hoặc cùng cấp, trường liên xã hoặc cùng xã. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã sáp nhập 26 trường tiểu học, THCS thành 13 cặp trường. Sau sáp nhập dôi dư 73 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó, chủ yếu là giáo viên THCS. Kế hoạch từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ sáp nhập 54 cặp trường tiểu học và THCS, giảm và dôi dư 266 biên chế.
Do đặc thù của cấp học mầm non là đảm bảo nguyên tắc đi lại thuận tiện, không giảm cơ hội đến trường của trẻ nên song song với việc sáp nhập các trường tiểu học, THCS thì vẫn phải thành lập thêm các trường mầm non. Số trường mầm non tăng qua từng năm. Năm học 2016 – 2017, toàn tỉnh tăng 7 trường. Dự kiến năm học 2017 – 2018 tiếp tục tăng thêm 7 trường, nâng tổng số lên 234 trường mầm non trong toàn tỉnh. Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Số trường mầm non tăng đồng nghĩa với chỉ tiêu biên chế GVMN tăng. Hơn nữa, hiện tại, tỷ lệ huy động trẻ đến trường học các lớp nhà trẻ còn thấp (mới đạt 40%) nên việc tăng tỷ lệ này là nhiệm vụ cần thiết. Tăng tỷ lệ huy động trẻ đồng nghĩa với việc tăng GVMN. Vì thế tình trạng thiếu biên chế GVMN đã và đang xảy ra. Toàn tỉnh hiện có gần 3.600 biên chế GVMN, thực tế còn thiếu trên 600 người.
Để khắc phục tình trạng trên, ngành GD&ĐT tỉnh và các huyện, thành phố đã triển khai một số giải pháp. Trước hết, bố trí giáo viên THCS dôi dư tạm dạy ở bậc mầm non với tư cách giáo viên trợ giảng giúp quản lý, chăm sóc trẻ. Số được bố trí chủ yếu là giáo viên có nguyện vọng, có nhu cầu cống hiến và mong muốn được đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành mầm non để phục vụ giảng dạy. Mặc dù chưa có số liệu chính thức, nhưng thời gian gần đây một số huyện đã thực hiện phương án này. Đơn cử huyện Chi Lăng đã bố trí trên 10 giáo viên THCS tạm dạy ở bậc mầm non.
Cùng với đó, hợp đồng GVMN cũng là một giải pháp. Cụ thể: năm học 2016 – 2017, toàn tỉnh hợp đồng 476 GVMN. Ngoài ra, tỉnh cũng quan tâm đến công tác tuyển dụng. Năm 2017, UBND tỉnh phê duyệt nhu cầu tuyển dụng 277 viên chức mầm non tại 9/10 huyện (trừ Chi Lăng). Hiện các huyện đang thực hiện quy trình tuyển dụng. Ông Vy Xuân Tình, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Bình Gia cho biết: Năm nay, huyện được giao tuyển dụng 24 viên chức GVMN. Hiện có 149 thí sinh đủ điều kiện thi. Trong các ngày 18 – 20/8/2017, huyện sẽ tổ chức thi tuyển.
Theo ông Bùi Văn Quang, Trưởng Phòng Tổ chức – Cán bộ, Sở GD&ĐT, để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở các cấp học, thời gian tới, ngành GD&ĐT tỉnh tiếp tục rà soát lại quy mô trường mầm non, tiểu học, THCS. Qua đó sẽ tính toán cụ thể số giáo viên thừa, thiếu ở các cấp học để có phương án bố trí hợp lý đội ngũ giáo viên dôi dư, đồng thời đề nghị bổ sung biên chế GVMN theo từng năm và theo lộ trình cụ thể.

Ý kiến ()