Indonesia có thể mở rộng quy mô nền kinh tế lên 1.000 tỷ USD năm 2014
Ngày 29/12 Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia, ông Hatta Rajasa (Hát-ta Ra-da-xa) cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này có thể tăng lên mức 1.000 -1.200 tỷ USD trong năm 2014, từ mức 700 tỷ USD hiện nay. Đồng thời, tổng sản phẩm quốc dân (GNP) tính theo đầu người của Indonesia sẽ tăng tương ứng từ mức 3.000 USD lên 5.000-5.500 USD vào năm tới.
Tân Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (KADIN), ông Kadin Suryo Bambang Sulisto (Ka-đin Xu-ri-ô Bam-bang Xu-lít-xtô) nhận định các mục tiêu nói trên hoàn toàn khả thi nếu Chính phủ Indonesia có thể tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi, bởi Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã xếp “Đất nước vạn đảo” ở vị trí thứ 18 với GDP năm 2009 trị giá 540 tỷ USD. Nhiều nhà kinh tế quốc tế cho rằng Indonesia có thể tham gia nhóm các quốc gia có nền kinh tế mới nổi phát triển nhất (BRICS) gồm Brazil, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi, những nước được dự báo sẽ trở thành những nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2050.Theo ông Rajasa, Bộ Điều phối Kinh tế Indonesia đã thành lập Hội đồng đặc khu kinh tế quốc gia để đánh giá tiềm năng của các khu vực có thể trở thành trung tâm tăng trưởng kinh tế mới của đất nước, trong đó trước mắt là các cụm công nghiệp Riau (Ri-u), Bắc Sumatra (Xu-ma-tra), Đông Kalimantan (Ca-li-man-tan), Đông Java (Gia-va) và Merauke (Mê-ru-kê) chuyên sản xuất các sản phẩm dầu-khí và nông nghiệp.
Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia, ông Darmin Nasution (Đa-min Na-xu-ti-on) lưu ý rằng cuộc khủng hoảng kinh tế và nợ công ở Mỹ và châu Âu đã ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của nước ông, khiến mục tiêu đạt mức tăng GDP 7,7% cho năm 2014 của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono (Xu-xi-lô Bam-bang Y-u-đô-y-ô-nô) không còn khả thi. Theo ông Nasution, Indonesia phải đạt mức tăng trưởng 6,5% năm 2014 để có thể nâng GDP lên mức 1.000 tỷ USD.
Theo CPV

Ý kiến ()