Hướng đi hiệu quả trong mô hình trồng phật thủ ở Đắc Sở
Nhờ nắm bắt được nhu cầu về thị trường phục vụ Tết Nguyên đán, những năm qua, với việc mạnh dạn đầu tư, phát triển cây phật thủ mà đời sống người dân Đắc Sở (Hoài Đức, Hà Nội) đã có những bước đổi thay rõ rệt. Trong làng, xuất hiện ngày càng nhiều người nông dân giàu có.
Làm giàu từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Nằm ở phía Tây Nam của huyện Hoài Đức, với diện tích đất tự nhiên trên 200 ha, trước đây cuộc sống của người dân Đắc Sở gặp không ít khó khăn bởi kinh tế chủ yếu dựa vào việc trồng cây ăn quả và dịch vụ thương mại. Tuy nhiên, vào khoảng những năm 2003 – 2004 với việc một số hộ gia đình mạnh dạn đưa cây phật thủ về trồng mà đến nay diện mạo của vùng quê Đắc Sở đã có những chuyển biến rõ rệt.
Ban đầu, cũng không ít người trong vùng tỏ ra hoài nghi với hiệu quả của giống cây này bởi từ trước đó họ chưa từng trồng phật thủ. Bên cạnh đó, quả phật thủ khi được bán ra thị trường thường có giá thành khá cao nên việc tìm đầu ra cho sản phẩm là điều không hề dễ dàng. Tuy nhiên, nhờ việc chính quyền địa phương cùng người dân bắt tay vào làm, chỉ sau vài năm, cây phật thủ đã đem lại hiệu quả kinh tế khá lớn. Theo chia sẻ của anh Nguyễn Văn Dụng, một quả phật thủ nếu bán buôn sẽ có giá từ 80-100 nghìn đồng, bán lẻ có giá từ 300-500 nghìn đồng tùy vào hình thức. Cá biệt có những quả đẹp được khách đến tận vườn đặt với giá lên tới vài triệu đồng.
Cũng theo anh Dụng, mỗi một gốc cây thường cho từ 30-50 quả, gốc nào sai có thể nhiều hơn, trừ đi các chi phí như công chăm sóc, thuốc trừ sâu, phân bón…trung bình 1 mẫu phật thủ có thể thu về từ 400-500 triệu đồng, còn đối với các hộ trồng nhiều thì có thể lên tới cả tỷ đồng.
Ngoài giá trị về kinh tế, quả phật thủ còn có giá trị về tâm linh và thường được thờ cúng trong những ngày tết, mỗi quả phật thủ lại có thể chơi được từ 6 – 8 tháng nên được nhiều người ưa chuộng. Nắm bắt được xu hướng này, nhiều hộ đã chủ động mở rộng đầu tư, sử dụng tối đa quỹ đất của địa phương, thậm chí còn thuê đất của một số vùng lân cận như Tiên Yên, Yên Sở để trồng phật thủ. Tính đến nay, loại cây này đã đem lại thu nhập ổn định cho hơn 80% số hộ dân tại Đắc Sở.
Cần phát triển cây phật thủ một cách bền vững
Tiếng lành đồn xa, Đắc Sở ngày nay đã được mệnh danh là “làng phật thủ” của Hà Nội. Vào lúc cao điểm, mỗi ngày có hàng chục thương lái tới đây để thu mua. Thị trường tiêu thụ cũng không còn dừng lại ở các tỉnh miền Bắc mà còn lan ra khắp cả nước, thậm chí cả nước ngoài.
Hiệu quả là vậy nhưng làm thế nào để phật thủ Đắc Sở có thể phát triển một cách bền vững lại đang là câu hỏi cần sớm có lời giải. Bởi lẽ thấy có lợi, nhiều người dân sẽ đổ xô trồng mà không có quy hoạch dẫn tới việc được mùa nhưng lại mất giá, hay thậm chí là không tiêu thụ được, cơ cấu cây trồng bị xáo trộn…
Theo báo cáo của chính quyền địa phương, tính đến nay trên địa bàn Đắc Sở có khoảng gần 20 ha trồng phật thủ, tuy nhiên các mô hình chủ yếu ở quy mô gia đình, nhỏ lẻ. Nhiều hộ cũng cho biết, thời gian tới sẽ tiến tới bỏ các cây ăn quả khác để tập trung trồng phật thủ. Những hộ đã hết quỹ đất trồng thì thuê đất từ các địa phương lân cận.
Trong khi đó để chăm sóc được phật thủ lại là một chuyện không hề đơn giản. Do sức đề kháng yếu, dễ bị sâu bệnh nên công tác phòng trừ sâu bệnh cho cây phải được tiến hành liên tục, đặc biệt vào thời điểm mùa mưa bởi phật thủ rất dễ bị thối lá và rụng quả. Do đó nếu người trồng không được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ thuật sẽ rất dễ bị thua lỗ, thậm chí là mất trắng.
Mặc dù xã Đắc Sở đã xây dựng được mô hình trồng thí điểm trình diễn trồng phật thủ tại một số hộ tập trung, nhưng thiết nghĩ để có thế phát triển một cách bền vững, chính quyền địa phương cần triển khai nhiều giải pháp để xây dựng và bảo vệ thương hiệu riêng của mình.
Theo Dangcongsan.vn

Ý kiến ()