Học viện Kỹ thuật Quân sự nghiên cứu chế tạo thành công đạn xuyên giáp bắn trên súng ngắn K54
Đạn 7,62x25mm xuyên giáp ĐS-K51XG do Học viện Kỹ thuật Quân sự nghiên cứu thiết kế, chế tạo có khả năng xuyên thép CT3 dày 5mm ở khoảng cách 25m và áo giáp tương đương cấp 2 theo chuẩn Nga.
Súng K54 hiện đang được trang bị rộng rãi trong biên chế Quân đội, súng sử dụng các loại đạn thường (lõi chì và lõi thép) để tác chiến với các mục tiêu sinh lực. Trước sự phát triển của các loại phương tiện bảo vệ cá nhân hiện nay, các loại đạn này không còn đáp ứng được các yêu cầu chiến đấu do khả năng xuyên thấp, không bắn được các mục tiêu sinh lực mang giáp (từ cấp 2 theo tiêu chuẩn Nga và cấp IIIA theo tiêu chuẩn Mỹ) hoặc các mục tiêu sinh lực ẩn nấp trong các loại phương tiện kỹ thuật không bọc thép.

Với mục đích tăng uy lực xuyên, nâng cao hiệu quả chiến đấu cho đạn, các nhà khoa học tại Khoa Vũ khí, Học viện Kỹ thuật Quân sự đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công đạn xuyên giáp 7,62x25mm K51XG. Sản phẩm thuộc đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ Quốc phòng do Đại tá, TS Đỗ Văn Minh, Chủ nhiệm Bộ môn Đạn, Khoa Vũ khí làm chủ nhiệm đề tài.
Để nâng cao uy lực xuyên cho đạn, đồng thời đảm bảo bắn được trên súng có sẵn trong trang bị, các nhà khoa học đã nghiên cứu kết hợp nhiều giải pháp thiết kế như: Sử dụng kết cấu đầu đạn không bọc kín, dùng rãnh tập trung ứng suất trên thân vỏ, nâng cao năng lượng thuốc phóng, giảm khối lượng đầu đạn. Các giải pháp này cho phép nâng cao vận tốc trung bình của đầu đạn (tăng từ 430m/s lên đến 520m/s), tăng năng lượng riêng khi va chạm, giảm tổn thất năng lượng khi xuyên và đặc biệt không làm tăng áp suất khí thuốc lớn nhất, từ đó cho phép sử dụng được trên súng K54 trong trang bị.
Điểm nổi bật của đạn K51XG là uy lực xuyên cao, kết quả thử nghiệm cho thấy đạn có khả năng xuyên thép CT3 đồng nhất dày 5mm đặt cố định vuông góc với trục nòng súng ở cự ly 25m đạt tỷ lệ 100%; xuyên được các loại áo giáp chống đạn K51 trước đây. Phương án thiết kế, vật liệu sử dụng cũng như các giải pháp công nghệ chế tạo sản phẩm phù hợp với dây chuyền hiện có trong nước.
Đạn xuyên giáp 7,62x25mm hiện đang được tiếp tục hoàn thiện, chuyển sang chế tạo để sớm bổ sung vào bộ đạn của súng K54, một loại đạn có uy lực xuyên lớn, nâng cao hiệu quả tác chiến của người lính trên chiến trường.

Ý kiến ()