Chủ nhật, 27/04/2025 18:45 [(GMT +7)]
Hiện đại hóa nhà trường để nâng cao chất lượng đào tạo
Thứ 4, 24/02/2010 | 09:26:00 [(GMT +7)] A A
Qua 15 năm định hình và phát triển, Trường đại học Duy Tân (Đà Nẵng) được thành lập sớm nhất trong thời kỳ đổi mới, được Bộ Giáo dục và Đào tạo xếp trong tốp đầu các trường đại học tư thục lớn nhất đất nước vừa vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng ba. So với các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tầm cỡ; hay các trường đại học công lập có bề dày truyền thống; điều đó chưa thể xác định được tầm cao. Nhưng qua đó khẳng định: dưới sự lãnh đạo của Đảng, mọi cố gắng vì con người, cho xã hội đều được ghi nhận và đánh giá công bằng.
Nhìn lại, quả thật Trường đại học Duy Tân đã vượt lên chính mình và liên tục cố gắng bền bỉ. Khi mới thành lập, trường chỉ có ba cán bộ và 20 giảng viên. Ngày nay, trường có 14 ngành học với 26 chuyên ngành. Không phải khoa, ngành nào của trường cũng có thể cạnh tranh được với các trường đại học công lập trên địa bàn miền Trung, Tây Nguyên; nhưng qua khảo sát bước đầu và thăm dò dư luận xã hội, nhiều ngành học đang rất “hot” với giới trẻ và khi ra trường, số sinh viên tốt nghiệp phần lớn có việc làm ngay. Đó là các ngành: Công nghệ – thông tin, điện tử – viễn thông, tài chính – ngân hàng, ngoại ngữ, văn học và quan hệ quốc tế. Đội ngũ cán bộ, giảng viên, công chức của trường lên đến 566 người, riêng giảng viên cơ hữu 336 người. Tuy còn phải mời một số chuyên gia, giảng viên cao cấp trong và ngoài nước đến dạy theo cơ chế thỉnh giảng; nhưng đội ngũ giảng viên của trường có tỷ lệ 4,2% là giáo sư, phó giáo sư; 7,3% là tiến sĩ; 50,4% là thạc sĩ và 38% là cử nhân. Theo Chủ tịch HĐQT, Quyền Hiệu trưởng Lê Công Cơ, để sớm chấm dứt tình trạng 38% số giảng viên phải “cơm chấm cơm” về học vị, lãnh đạo trường đang tìm nhiều cách đẩy nhanh, rút ngắn các quá trình phát triển”. Theo đó, Trường đang phấn đấu quyết liệt theo ba hướng chính. Một là, nâng cao hơn cơ sở vật chất. Ngoài bốn cơ sở khang trang đã có, tháng
3-2010, trường đầu tư tiếp hơn 500 tỷ đồng, xây dựng thêm cơ sở thứ năm trên diện tích với khoảng 38 nghìn m2 và sẽ nâng số đầu máy vi tính nối mạng hiện có là 1.100 chiếc lên 1.600 chiếc. Hai là, trường vừa phối hợp với Đại học Văn Lang mua bản quyền công nghệ phần mềm và hệ thống thông tin tiêu chuẩn CMU của Trường đại học Carnegie Mellon (Hoa Kỳ) trị giá hai triệu USD (trong bốn năm) theo dạng chuyển giao công nghệ về giảng dạy trong trường. Năm học này, lần đầu, trường đào tạo một số chuyên ngành trên đại học; kết hợp đào tạo luân chuyển cả trong và ngoài nước (nhờ có sự hợp tác, phối hợp với một số trường đại học ở Singapore, Australia, Pháp và nhiều trường đại học lớn khác ở Việt Nam. Ba là, bắt đầu từ năm 2010, trường có cả một chương trình đào tạo theo địa chỉ và theo vị trí làm việc cho các doanh nghiệp ở mọi thành phần kinh tế, trong đó, chú trọng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…
Tuy vậy, nhà trường cũng đang gặp không ít khó khăn, thách thức như tính ổn định của đội ngũ giảng viên thỉnh giảng luôn luôn biến động. Bình quân độ tuổi giảng viên của nhà trường còn trẻ (khoảng 34 tuổi); cho nên chưa có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy và nghiên cứu. Trường đang phải cạnh tranh “đầu vào” với không ít trường đại học ngoài công lập chung trên địa bàn. Việc quảng bá về đào tạo của trường còn thiếu tính hệ thống và còn bó hẹp. Nghiên cứu khoa học chưa sâu rộng. Giáo trình mới và tiên tiến còn thiếu ở tất cả các bộ môn…
Vào năm 2010, nhà trường tiếp tục có thêm những tiến bộ mới; cố gắng xứng đáng hơn với lòng tin của sinh viên, của các bậc phụ huynh và xã hội.

Poll
Ý kiến ()