Hàn Quốc muốn tối đa hóa lợi ích thực tế trong đàm phán thương mại với Mỹ
Đề cập các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra với Mỹ, quan chức Hàn Quốc cho rằng mọi khả năng dường như vẫn còn bỏ ngỏ và việc tạm dừng áp thuế có đi có lại có thể được gia hạn sau ngày 8/7.

Đặc phái viên đàm phán thương mại Hàn Quốc Yeo Han Koo hôm 6/7 đã nhấn mạnh trọng tâm của Hàn Quốc là tối đa hóa lợi ích thực tế trong các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra với Mỹ.
Phát biểu của ông Yeo Han Koo được đưa ra khi ông đến Washington, D.C. chỉ vài ngày trước khi thời hạn hoãn áp thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump hết hiệu lực.
Ông Yeo cho rằng mọi khả năng dường như vẫn còn bỏ ngỏ và việc tạm dừng áp thuế có đi có lại có thể được gia hạn sau ngày 8/7, Hàn Quốc và Mỹ cũng có thể đạt được một thỏa thuận chung về nguyên tắc thay vì một thỏa thuận thương mại đầy đủ.
Chuyến thăm của Đặc phái viên Yeo Han Koo diễn ra hơn một tuần sau chuyến đi gần nhất của ông tới thủ đô của Mỹ, nhấn mạnh cam kết của chính phủ mới của Hàn Quốc trong việc đạt được thỏa thuận thương mại với chính quyền Tổng thống Trump.
Theo ông Yeo, ngay cả khi Mỹ công bố mức thuế quan đối ứng mới cho mỗi quốc gia, bao gồm cả Hàn Quốc, sau khi thời hạn tạm dừng áp thuế ngày 8/7 kết thúc, vẫn có thể có thêm một khoảng thời gian tạm dừng nữa.
Ông Yeo cũng cho biết không thể loại trừ khả năng hai bên sẽ đạt được thỏa thuận về cơ bản, mặc dù việc hoàn tất một thỏa thuận chính thức về mọi chi tiết trong ba ngày tới có vẻ khó khăn.
Thông qua các cuộc đàm phán lần này, Hàn Quốc muốn tìm hiểu thêm chi tiết về kế hoạch của Mỹ và sẽ tham gia đàm phán với trọng tâm là tìm cách để Hàn Quốc tối đa hóa lợi ích thực tế.
Ông Yeo cho rằng một lĩnh vực tương đối khó khăn là vấn đề thuế quan theo ngành, vì Tổng thống Trump coi đây là vấn đề quan trọng xét về mặt bảo hộ công nghiệp. Còn phía Hàn Quốc sẽ nỗ lực để thuế suất được giảm đáng kể.
Dù vậy ông Yeo vẫn đưa ra triển vọng tích cực về tương lai của hợp tác công nghiệp song phương, cho rằng các lĩnh vực có nhiều khả năng hợp tác chung là trí tuệ nhân tạo, ôtô, pin xe điện, năng lượng và lĩnh vực sinh học.
Đây là những lĩnh vực mà Mỹ cần sự hợp tác lớn trong nỗ lực tái thiết ngành sản xuất của nước này và Hàn Quốc có giá trị độc đáo trong những lĩnh vực đó.
Chuyến thăm Washington, D.C. của Đặc phái viên đàm phán thương mại Hàn Quốc Yeo Han Koo diễn ra trong bối cảnh Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Wi Sung-lac cũng đang gấp rút lên đường sang Mỹ vào ngày 6/7 trong chuyến đi kéo dài ba ngày.
Động thái được cho là chính quyền Tổng thống Lee Jae Myung muốn đảm bảo sự hợp tác suôn sẻ giữa hai đồng minh.
Trước đó, ngày 4/7, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ gửi thư tới 12 quốc gia để nêu rõ mức thuế quan của họ vào ngày 7/7, nhưng không nói rõ có Hàn Quốc hay không.
Ngày 2/4, Tổng thống Trump đã công bố mức thuế quan đối ứng, bao gồm mức thuế 25% đối với Hàn Quốc. Nhưng sau đó ông đã hoãn áp thuế trong 90 ngày để có thời gian đàm phán.
Bên cạnh thuế quan có đi có lại, Hàn Quốc cũng đang tìm cách giảm thiểu tác động của thuế quan theo từng ngành đối với ôtô, thép và nhôm./.

Ý kiến ()