Hà Nam: Liên kết "bốn nhà" để phát triển sản xuất nấm ăn
Mới đây, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức họp bàn các giải pháp để phát triển sản xuất nấm ăn năm 2013 và các năm tiếp theo nhằm mục tiêu giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân bằng sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, hiệu quả kinh tế và có khả năng xuất khẩu, đồng thời giảm gây ô nhiễm môi trường và tạo một phần nguồn phân bón hữu cơ cho đồng ruộng.
Mới đây, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức họp bàn các giải pháp để phát triển sản xuất nấm ăn năm 2013 và các năm tiếp theo nhằm mục tiêu giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân bằng sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, hiệu quả kinh tế và có khả năng xuất khẩu, đồng thời giảm gây ô nhiễm môi trường và tạo một phần nguồn phân bón hữu cơ cho đồng ruộng.
|
Ảnh minh họa (nguồn: Vietnam ) |
Qua đó, thống nhất phương án liên kết chặt chẽ bốn nhà (nhà quản lý, ngân hàng, doanh nghiệp và nhà nông) để phát triển nghề trồng nấm trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Hà Nam có chủ trương tiếp tục hỗ trợ các hộ tham gia sản xuất nấm ăn trên địa bàn với mức: nấm mỡ là: 1.148.000 đồng/hộ/70 m2; nấm rơm: 1.050.000 đồng/hộ/70 m2; nấm sò là 1.932.000 đồng/hộ/60 m2 và 12 triệu đồng/hộ/60 m2 đối với hộ sản xuất nấm mộc nhĩ. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh tỉnh Hà Nam cam kết với lãnh đạo tỉnh và nông dân sẽ cho tất cả các đối tượng trồng nấm trên địa bàn tỉnh vay 90% tổng chi phi trồng nấm với lãi suất 0,8%/tháng và đảm bảo thủ tục giải quyết nhanh gọn trong 3 – 5 ngày. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Nam cũng sẽ tạo điều kiện cho nông dân tham gia sản xuất được vay vốn để xây dựng cơ sở sản xuất nấm trong thời gian 36 tháng với lãi suất 0,65%/tháng.
Cùng với nhà quản lý, các ngân hàng, Công ty Mây tre Xuất khẩu Ngọc Động (huyện Duy Tiên) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam sẽ tổ chức cung ứng đủ giống nấm các loại, vật tư đảm bảo chất lượng cho nông dân sản xuất, phân công cán bộ kỹ thuật phối hợp với các đơn vị liên quan đến tận gia đình để hướng dẫn, tư vấn về tổ chức sản xuất nấm, ký kết hợp đồng thu mua, tiêu thụ sản phẩm nấm cho nông dân. Các hộ nông dân tham gia sản xuất có trách nhiệm phải thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết với Công ty.
Ngoài giải pháp liên kết “bốn nhà”, UBND tỉnh Hà Nam cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục tuyên truyền vận động các hộ nông dân tích cực thu gom rơm rạ phơi khô ngay sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân để chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất nấm rơm, nấm mỡ, nấm sò, tránh tình trạng đẩy rơm rạ xuống mương máng gây ách tắc dòng chảy hoặc đốt rơm rạ trên đồng, đường gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng để nông dân, đoàn viên, hội viên nắm bắt được chủ trương, cơ chế chính sách về phát triển sản xuất nấm ăn của tỉnh. Từ đó tích cực tham gia thực hiện sản xuất các loại nấm ăn để đạt được mục tiêu năm 2013 là tiếp tục duy trì các mô hình sản xuất nấm ăn đã xây dựng năm 2012 và xây dựng mới từ 100 – 120 mô hình sản xuất 4 loại nấm: rơm, sò, mỡ và mộc nhĩ.
Sản xuất nấm ăn hình thành và phát triển ở tỉnh Hà Nam trong những năm 90; tuy nhiên, việc áp dụng kỹ thuật sản xuất các loại nấm ăn còn lạc hậu, năng suất nấm lại thấp, thị trường phục vụ tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế nên đã không duy trì được. Đến năm 2012, UBND tỉnh Hà Nam đã phê duyệt Đề án phát triển sản xuất nấm ăn giai đoạn 2012 – 2015, nghề trồng nấm đã phát triển trở lại với 86 hộ tham gia sản xuất, trong đó 81 hộ đạt tiêu chí của đề án với diện tích 9.734m2. Năm 2012, Sản lượng nấm của các hộ tham gia đề án đạt 45 tấn, giá trị thu được là hơn 3,3 tỷ đồng, trong đó mộc nhĩ có tốc độ phát triển nhanh đạt kết quả cao 383% kế hoạch, đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và bước đầu tạo một nghề mới cho các hộ nông dân tham gia.
Đến ngày 1/6/2013, toàn tỉnh Hà Nam đã có 351 hộ đăng ký sản xuất nấm ăn, trong đó có 1 hộ đăng ký quy mô sản xuất mộc nhĩ là 1.000m2 và 34 hộ đăng ký quy mô sản xuất mộc nhĩ từ 200 m2 trở lên.
Theo Dangcongsan

Ý kiến ()