Giúp hộ dân tộc thiểu số vươn lên
LSO-Tiếp tục thực hiện chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn giai đoạn II theo Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg, hiện nay, toàn tỉnh đạt dư nợ trên 58 tỷ đồng. Từ nguồn vốn, các hộ dân đã có cơ hội mở rộng phát triển sản xuất, vươn lên ổn định cuộc sống.
![]() |
Người dân xã Hữu Lân, Lộc Bình phát triển chăn nuôi từ nguồn vốn vay |
Thực hiện chính sách này, những năm qua, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã chỉ đạo Ngân hàng Chính sách, các ngành liên quan và các tổ chức hội phối hợp chặt chẽ trong triển khai, thực hiện. Trên cơ sở đó, hằng năm, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch, phân bổ nguồn vốn, chỉ đạo các phòng giao dịch huyện tăng cường phối hợp với các tổ chức hội, tổ tiết kiệm và vay vốn tuyên truyền và hướng dẫn thủ tục vay vốn.
Ông Hoàng Tuấn Nghị, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Quan cho biết: Phòng giao dịch đã tập trung tuyên truyền về những điểm mới của Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg so với Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg thực hiện ở giai đoạn I. Qua đó giúp các hộ dân hiểu sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của chính sách vốn, nắm rõ mức vay mới, lãi suất, thời hạn… để thực hiện nguồn vốn có hiệu quả.
Từ sự chỉ đạo sát sao, hằng năm, chính sách vốn đều được triển khai đúng kế hoạch. Trong năm 2015, chính sách vốn tăng trưởng lớn nhất từ trước tới nay, tăng 32,55 tỷ đồng so với năm 2014, đạt dư nợ 45,2 tỷ đồng. Đến nay, dư nợ đạt trên 58 tỷ đồng với hơn 7.480 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang sử dụng vốn, trong đó có hơn 1.860 hộ vay mới năm 2016. Các hộ dân được tiếp cận nguồn vốn thuận lợi đã có cơ hội khắc phục những khó khăn, đầu tư phát triển sản xuất.
Ông Trần Việt Sơn, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đánh giá: Mặc dù đối tượng vay vốn là hộ dân tộc thiểu số, lại sinh sống ở vùng khó khăn, mặt bằng chung về nhận thức chưa cao, nhưng chính sách vốn đã được các hộ sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Do vậy, nợ quá hạn thấp, hiện chỉ có 49 triệu đồng do một số hộ gặp rủi ro, khó khăn. Có thể khẳng định những năm qua, chính sách vốn đã thực sự là điểm tựa, là động lực giúp cho hộ dân tộc thiểu số vươn lên phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thoát nghèo và ổn định cuộc sống.
Trong hàng nghìn hộ dân sử dụng vốn, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững và có đời sống khá giả. Điển hình như hộ gia đình ông Lành Văn Nháo, ở thôn Pác Bang, xã Hữu Lân, huyện Lộc Bình. Không còn khó khăn, chăn nuôi nhỏ lẻ như trước, ba năm nay, gia đình ông đã có một mô hình kinh tế quy mô hơn với thu nhập khá giả, gồm đàn dê trên 20 con, đàn ngựa 9 con… Năm 2013, gia đình ông đã thoát nghèo. Ông Nháo chia sẻ: Để có được cơ ngơi kinh tế như vậy chính là nhờ vào nguồn vốn vay ưu đãi. Ngay từ những ngày đầu mới ra ở riêng, khó khăn, tôi đã được tạo điều kiện vay chương trình vốn dành cho hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn lãi suất thấp để chăn nuôi. Sau đó, trong quá trình sản xuất, tôi còn nhiều lần vay vốn để đầu tư tăng đàn vật nuôi và từng bước phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình như ngày nay…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn nhiều hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn chưa được sử dụng vốn. Do vậy, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách tỉnh tiếp tục tham mưu cho Ban đại diện về triển khai thực hiện chính sách vốn, đồng thời đã xin trung ương cấp bổ sung vốn trong tháng 9/2016 là 7 tỷ đồng. Qua đó sẽ đáp ứng thêm nhu cầu vốn, hỗ trợ cho các hộ dân tộc thiểu số sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
LÂM NHƯ

Ý kiến ()