Giúp đồng bào Khmer ở Sóc Trăng có đất sản xuất
Trong cái nắng nồng nực của mùa mưa tháng 7 ở Sóc Trăng, khi biết chúng tôi chuẩn bị về lại vùng nuôi tôm công nghiệp ở huyện Vĩnh Châu - địa bàn được chỉ định tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lê Thành Trí ngập ngừng: Chị có thể ghé vào thăm ấp Trà Sết được không? Ấp ấy nghèo lắm, đồng bào Khmer ở đó sống cực khổ tại nơi mà ruộng đất đắt hơn vàng...
Trong cái nắng nồng nực của mùa mưa tháng 7 ở Sóc Trăng, khi biết chúng tôi chuẩn bị về lại vùng nuôi tôm công nghiệp ở huyện Vĩnh Châu – địa bàn được chỉ định tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lê Thành Trí ngập ngừng: Chị có thể ghé vào thăm ấp Trà Sết được không? Ấp ấy nghèo lắm, đồng bào Khmer ở đó sống cực khổ tại nơi mà ruộng đất đắt hơn vàng…
Người dân đầu tiên tôi gặp ở ấp Trà Sết là ông Trần Phát. Năm nay, ông Phát đã hơn 80 tuổi, sinh sống cùng bầy con cháu sáu người trong ngôi nhà dựng tạm bợ bằng lá dừa và những tấm bìa các-tông, vỏ bao thức ăn gia súc. Tuy tạm bợ là thế nhưng ngôi nhà này đã tồn tại mấy chục năm rồi, từ đời bố mẹ vợ của ông Phát đến tận bây giờ, đều vẫn ở nhờ trên đất chùa. “Giờ sao thì trước cũng vậy, chúng tôi cứ lần hồi từng ngày mà ở chứ biết làm sao. Mà cũng chỉ có đất dựng nhà thôi, không có vườn, có ruộng gì hết. Rau ăn thì xin trồng nhờ ở các mảnh đất nhỏ bên trong sân chùa” – ông Phát phân trần. Gian nhà bé tý với đủ các loại đồ dùng thức đựng cũ kỹ là nơi sinh sống của hàng chục con người trong một đại gia đình suốt mấy chục năm qua. Ðến nay, người mất, người đi làm nơi khác, chỉ còn lại ông bà và gia đình người con bị tật nguyền. Trên khoảnh sân chỉ bằng hai chiếc chiếu, mấy đứa cháu của ông trần truồng, hồn nhiên vọc đất lấm lem, phơi mình đen cháy trong nắng gắt. Gia đình thứ hai mà chúng tôi tới là gia đình anh Ong Ra, chị Sơn Sà Liệt. Tuy nằm sát con lộ chính của xã nhưng từ cửa bước vào nhà, chỉ khoảng tám bước chân là đã tới mép hố nước sâu hoắm ngay sau liếp lá được dựng làm tường nhà phía sau. Có khách vào, anh chị chạy tới chạy lui sang nhà bên mượn ghế, bởi trong nhà không có vật dụng gì ngoài cái giường chung của cả nhà chiếm gần hết diện tích bên trong. Nói chưa sõi tiếng phổ thông, anh Ong Ra cho biết: “Gia đình tôi là người nghèo của ấp, hằng ngày, không có đất trồng cây gì được nên ai thuê gì làm nấy, ngày không có ai thuê thì ra bãi biển mò con ốc, con nghêu bán đong gạo, khoảng 25 – 30 nghìn gì đó thôi” – xoắn hai bàn tay thô sạm đen vào nhau, anh Ong Ra ngập ngừng.
Ôm đứa con gái còi cọc trong tay, chị Sơn Sà Liệt ngân ngấn nước mắt: “Gia đình tôi chỉ mong có chút đất để trồng được cây rau, cây màu… kiếm ăn hằng ngày, chứ thật sự chúng tôi chỉ đủ gạo ăn, không có tiền mua rau, mua mắm nữa. Các con tôi cũng nghỉ học bốn năm rồi, vì không có tiền mua vở, mua sách. Thôi thì ở sao cũng được, nhưng đất để trồng là điều chúng tôi không dám nghĩ tới. Mỗi năm, dù chỉ là gạo thôi thì nhà tui cũng vẫn thiếu ăn hai tháng”. Nghe đến đấy, cậu bé trai đen trũi đang thập thò trong gian bếp chợt quay đi, giấu một ánh nhìn tủi phận.
Theo Bí thư Ðảng ủy xã Vĩnh Hải Trà Khol, ấp Trà Sết nằm trên giồng đất cao ven biển nhiều nắng gió và nước mặn nên mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa khi trời mưa xuống, nhưng dù như vậy thì phần lớn dân ấp vẫn gắn bó với ruộng đồng. Diện tích tự nhiên của xã là 308,78 ha, dân số 3.402 người, trong đó dân tộc Khmer chiếm 78,78%. Ðiều đáng ngạc nhiên là tuy “mang tiếng” là ở vị trí đắc địa trung tâm của xã nhưng ấp có tới 332 hộ thuộc diện nghèo, chiếm tỷ lệ 40%; hộ cận nghèo 225 hộ, chiếm 27,43%, có 365 hộ không đất sản xuất và 185 hộ bức xúc về nhà ở. Tình trạng này kéo dài đã nhiều năm nay…
Năm 1997, địa phương được sự hỗ trợ từ chương trình dự án rừng ngập mặn ven biển nên đã xác lập được một khu tái định cư An Lạc ở ấp này, nhưng mỗi hộ chỉ được có 40,5 m2, hiện cũng đã xuống cấp hết rồi. Người dân ở đây phần lớn không có đất sản xuất vì những khu vực có thể trồng được có giá rất cao, hơn 100 triệu đồng/công đất, bà con có tiền đâu mà mua được. Hầu hết chỉ đi làm thuê và mò bắt thủy sản ngoài bờ biển. Thật sự xã rất lo lắng nhưng không biết phải lo cho dân bằng cách nào, ngoài quỹ đất hơn 144 ha tại ấp Huỳnh Kỳ được để dành để di dân. Về xây dựng cơ sở hạ tầng cho bà con thì chúng tôi không thể – Bí thư Ðảng ủy xã Vĩnh Hải Trà Khol tâm sự. “Cũng vì nguyên nhân bà con ở nhờ nhà chùa nhiều quá nên tình hình an ninh trật tự, an ninh tôn giáo cũng rất phức tạp, gây nhiều khó khăn cho nhà chùa”, Bí thư Trà Khol nói thêm.
Ðể đáp ứng nguyện vọng của bà con ấp Trà Sết, tháng 5 vừa qua, lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng đã về thị sát thực tế, tìm giải pháp giúp dân an cư, lạc nghiệp. Theo đó, tỉnh quyết định quy hoạch vùng đất 144 ha với diện tích 300 m2 đất ở, diện tích xây nhà chỉ vào khoảng 40 m2, còn dành đất để sản xuất nông nghiệp tương đương 3.000 m2 mỗi hộ), trị giá gần 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, địa phương không có khả năng đầu tư tiếp cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Mai Phước Hưng cho biết, vừa qua, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng đã có văn bản đề nghị Trung ương xem xét hỗ trợ Sóc Trăng thực hiện một dự án xây dựng khu dân cư và di dời và hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho hơn 400 hộ đồng bào Khmer khu vực chùa Trà Sết. Ngoài nguồn hỗ trợ phải xin Trung ương, địa phương đã hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân ước tính khoảng 77 tỷ đồng (với đất ở là 80.000 đồng/m2, đất sản xuất là 56.000 đồng/m2), Giám đốc Mai Phước Hưng cho biết thêm.
Theo Quyết định số 1776/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 21-1-2012, phê duyệt chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020 thì ấp Trà Sết đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí về phạm vi, đối tượng áp dụng cũng như các nguyên tắc thực hiện chương trình quy định tại quyết định này. Quy hoạch đã có, chủ trương, chính sách cũng đã có, hy vọng rằng chính quyền địa phương cần nhanh chóng trình các cấp có thẩm quyền ưu tiên áp dụng thực hiện, để người dân Trà Sết nhanh chóng thực hiện được mơ ước đời người của mình. Tôi nhớ ánh mắt ngấn nước của ông Trần Phát khi ông bảo, tôi già lắm rồi, chết sẽ hỏa táng theo phong tục địa phương, chỉ mong Ðảng, Nhà nước quan tâm cho con cháu tôi miếng đất trồng cây lấy cái ăn vào miệng, chứ ngày mưa ngày nắng thế này, ăn còn chả có, nói gì đến nhà cửa đàng hoàng. Cuối đời rồi… Và ông lão ngưng ngang, lén quay đi lau nước mắt.
Người dân ấp Trà Sết không có đất sản xuất.
Theo Nhandan

Ý kiến ()