Giữ xanh cho đô thị di sản
Huế là thành phố Xanh quốc gia đầu tiên của Việt Nam được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) công nhận. Để giữ gìn danh hiệu đó, TP Huế đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, cách làm để giữ xanh cho đô thị di sản.
Thành phố Xanh Quốc tế (EHCC) là một sáng kiến của WWF nhằm kêu gọi các thành phố trên khắp thế giới hãy hành động và hướng tới một hành tinh tương lai thân thiện với môi trường, đồng thời xây dựng và thực hiện các kế hoạch đầy tham vọng để giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
TP Huế đã vượt qua các tiêu chí khắt khe của chương trình để lọt vào danh sách các thành phố Xanh trên thế giới, đó là thành quả cho những chính sách và sáng kiến mà chính quyền và người dân Huế đang thực hiện để trở thành thành phố đi đầu của cả nước trong phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.
Từ sau khi được công nhận là thành phố Xanh quốc gia đầu tiên của Việt Nam đến nay, TP Huế đã không ngừng nỗ lực thực hiện cam kết về giảm mức khí thải gây hiệu ứng nhà kính, cũng như kế hoạch xây dựng Huế trở thành một đô thị xanh, sạch, sáng, không rác thải…

TP Huế còn là đô thị có mật độ cây xanh cao nhất cả nước, vượt tiêu chuẩn về cây xanh đối với đô thị loại 1. Những năm qua, TP Huế đã triển khai hàng loạt mô hình để phủ xanh thành phố thông qua các hoạt động như: “Thứ 7 tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”, “Công viên không rác”, “Công sở văn minh, sạch đẹp”, “Tổ dân phố không rác”, “Thôn, làng, bản không rác”, “Góc phố sạch, vỉa hè sạch”, “Huế - thành phố bốn mùa hoa”, “Dòng Hương trong xanh”, “Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn”… với nhiều cách làm sáng tạo và hiệu quả, nhận được sự hưởng ứng đồng lòng của nhân dân.
Gần đây, Huế đặc biệt chú trọng mô hình du lịch xanh và đang hướng đến các điểm du lịch không sử dụng rác thải nhựa. Hiện, TP Huế có 4 điểm du lịch giảm rác thải nhựa, gồm: du lịch Thủy Xuân, du lịch cộng đồng Cầu ngói Thanh Toàn; du lịch cộng đồng ở Ngư Mỹ Thạnh - Cồn Tộc và du lịch đầm Chuồn. Người dân làm du lịch cũng cam kết thay đổi thói quen, chuyển sang các đồ dùng, vật liệu thân thiện với môi trường.
Bên cạnh nỗ lực giảm rác thải nhựa, ngành du lịch cùng các đơn vị cũng đang tổ chức nhiều hoạt động để đẩy mạnh tuyên truyền, tạo thói quen và kêu gọi sự đồng hành của các doanh nghiệp du lịch, người dân, du khách trong việc chung tay bảo vệ môi trường. Một trong những điểm dễ nhận thấy và được du khách đánh giá cao là dịch vụ xe đạp điện trợ lực. Đây được ví như một trong những bước đổi mới trong việc phát triển du lịch xanh tại Huế.
Bà Trần Thị Hoài Trâm, Giám đốc Sở Du lịch TP Huế cho biết, Huế đang từng bước khẳng định vai trò tiên phong trong xu hướng du lịch xanh, du lịch không rác thải nhựa. Dần dần, càng có nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, những người làm du lịch cam kết giảm nhựa, xây dựng các sản phẩm du lịch xanh, hướng đến bảo vệ môi trường.
Ngành du lịch cùng với các ban, ngành, đơn vị đang tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, lan tỏa những thông điệp về bảo vệ môi trường và giữ gìn giá trị di sản văn hóa; hướng đến một xứ Huế “Xanh - sạch - sáng”. Đồng thời, ứng dụng những thành tựu công nghệ số vào công tác quản lý, phát triển du lịch xanh…
Trong hành trình xây dựng thành phố xanh - sạch - sáng, công tác triển khai các giải pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng đã được TP Huế triển khai ở các cấp, ngành, lĩnh vực. Đặc biệt, Quần thể di tích Cố đô Huế đang đẩy mạnh xây dựng mô hình điểm “điểm đến không khói thuốc” tại khu di sản và bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Trước đó, từ năm 2022, Bộ VH-TT&DL cũng chọn khu di sản Huế làm mô hình thí điểm không khói thuốc lá. Mỗi ngày tại khu vực Hoàng cung Huế có đến hàng nghìn du khách tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm các sản phẩm văn hóa.
Tại các khu vực cửa vào, ra các điểm di tích, Trung tâm Bảo tồn Di tích (BTDT) Cố đô Huế trang bị thêm biển thông báo “khu vực cấm hút thuốc” ở vị trí mà du khách dễ thấy, dễ tiếp cận. Ngoài ra, các nhân viên bảo vệ trực ở các điểm di tích cũng được phân công tuyên truyền về việc không hút thuốc lá, đặc biệt ở các khu vực thờ tự. Khi phát hiện có khách hút thuốc lá, nhân viên sẽ nhắc nhở lịch sự, ứng xử văn hóa…
Chị Nguyễn Thị Lan Anh (ở TP Hà Nội) sau khi tham quan di tích Huế chia sẻ: “Không gian ở Đại Nội Huế rất xanh mát, thoáng đãng, tạo cho du khách cảm giác thoải mái. Khi đến các điểm di tích, chúng tôi thấy có các biển thông báo “không hút thuốc” và gần như các du khách đã thực hiện khá tốt. Điều này đã góp phần tạo nên môi trường an toàn, văn minh trong du lịch”.
Nhiều du khách quốc tế khi đến tham quan ở khu di sản Hoàng cung Huế cũng hài lòng và ấn tượng với không gian cảnh quan, môi trường trong lành, không bị ảnh hưởng bởi mùi thuốc lá. Thời gian qua, nhiều vụ cháy nổ ở các công trình di tích đã gây nhiều ảnh hưởng, việc xây dựng điểm đến không khói thuốc ở khu di sản Huế còn góp phần phòng ngừa các nguy cơ các vụ cháy nổ ở di tích.
Lãnh đạo Trung tâm BTDT Cố đô Huế cho biết, thời gian qua, việc xây dựng “điểm đến không khói thuốc lá” tại khu di sản Huế đã được triển khai tích cực. Trung tâm đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá với sự tham gia của các ban, ngành. Tại các điểm dịch vụ tại các di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế cũng cấm bán, hoạt động quảng cáo, giới thiệu về thuốc lá…
Việc triển khai mô hình điểm du lịch không khói thuốc nhằm tạo môi trường trong sạch, an toàn, đảm bảo quyền của những người không hút thuốc được hít thở bầu không khí trong lành không có khói thuốc; đồng thời, giảm nguy cơ cháy nổ, bảo vệ cảnh quan du lịch, tạo môi trường du lịch văn minh, thu hút khách du lịch; giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá và giảm tỷ lệ mắc bệnh, tử vong do hút thuốc lá gây ra…
Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Huế là thành phố xanh, sạch, văn hóa, xứng đáng là điểm đến du lịch sẽ được du khách lựa chọn theo sản phẩm sạch, xanh. Xu hướng này đặt từ chính nhu cầu của con người, mong muốn tìm đến những giá trị có ích, có lợi cho sức khỏe, thể chất, tinh thần. Những giá trị về văn hóa, môi trường mang lại những lợi ích thiết thực cho du khách là những tiêu chí mà ở Huế đang có.

Ý kiến ()