Giải phóng Trường Sa trong mùa Xuân đại thắng-Bài 1: Đoàn quân chuyển mình, tạo bàn đạp vượt trùng khơi
Giải phóng kịp thời các đảo thuộc quần đảo Trường Sa là một chiến công đặc biệt xuất sắc của Hải quân nhân dân Việt Nam và lực lượng phối thuộc của Quân khu 5. Chiến công đó khẳng định sự chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh và Quân chủng Hải quân trên mũi tiến công hướng biển cũng như tinh thần chiến đấu dũng cảm, trách nhiệm cao trong quản lý, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển, đảo thiêng liêng của Bộ đội Hải quân trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Ngay sau khi Hiệp định Paris năm 1973 được ký kết, Quân chủng Hải quân chấn chỉnh, củng cố lực lượng, sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu của cuộc chiến đấu mới, trong đó có nhiệm vụ giải phóng các đảo gần bờ trên Biển Đông, tạo bàn đạp giải phóng các đảo trong quần đảo Trường Sa.
Kể lại những năm tháng trận mạc, với giọng nói hào sảng, Trung tá Đào Mạnh Hồng, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 161, Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126, người trực tiếp tham gia chiến đấu giải phóng đảo Song Tử Tây, vẫn đậm chất của một người lính biển, người lính đặc công nước năm nào. Khi tham gia chiến đấu giải phóng quần đảo Trường Sa, Đào Mạnh Hồng là Phân đội trưởng Phân đội 1, Đội 1, Trung đoàn 126 Hải quân (nay là Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126). Tiếp chuyện chúng tôi, ông kể: “Trên đoàn tàu 673, 674, 675 ra biển đi chiến đấu giải phóng các đảo trên quần đảo Trường Sa đều là thanh niên trẻ. Chúng tôi xác định đi là có thể không trở về, là sẵn sàng cảm tử, hy sinh, nhưng không một ai nao núng. Khi nhận nhiệm vụ, tất cả đều hăng hái xung phong”.
Từ ký ức của Trung tá Đào Mạnh Hồng cùng với việc nghiên cứu các tư liệu lịch sử, chúng tôi nhận thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Bộ đội Hải quân cho mũi tiến công ra Trường Sa. Ngay sau khi Hiệp định Paris năm 1973 được ký kết, cùng với chấn chỉnh, củng cố tổ chức biên chế, Quân chủng Hải quân triển khai lực lượng kiểm tra, ngăn chặn các tàu, thuyền nước ngoài vào hoạt động trái phép, đánh trộm tài nguyên và tiến hành các hoạt động tình báo, gián điệp, bảo vệ chủ quyền và quyền lợi của nhân dân ta trên biển.

Trước yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới, đầu năm 1974, Quân chủng Hải quân mở đợt sinh hoạt chính trị lớn nhằm quán triệt, học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết của Quân ủy Trung ương (tháng 3-1974); phát huy tinh thần cách mạng tiến công, tạo nên một phong trào thi đua hành động cách mạng sâu rộng ở các cơ quan, đơn vị. Cùng thời gian này, Bộ tư lệnh Hải quân tiếp tục xây dựng một số phương án chiến đấu mới; cử một đoàn cán bộ vào nghiên cứu chiến trường Khu 5; đẩy mạnh công tác huấn luyện sát thực tế chiến trường, sát phương án chiến đấu, trong đó chú trọng kỹ thuật chiến đấu hiệp đồng trên biển, đảo. Những tháng cuối năm 1974, Quân chủng Hải quân tiếp tục chấn chỉnh về tổ chức biên chế. Ngày 24-10-1974, Bộ tư lệnh Hải quân ra Quyết định số 1486/QL sáp nhập Khu vực 4 Hải quân vào Trung đoàn 171 để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt cấp trên giao. Trường Sĩ quan Hải quân mở các khóa đào tạo ngắn hạn (3 tháng) bồi dưỡng kiến thức hải quân cho cán bộ các binh chủng mới chuyển về, kịp thời đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển lực lượng.
Khi Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương không chỉ nhận rõ thời cơ chiến lược giải phóng miền Nam đã xuất hiện mà còn nghĩ ngay đến việc giải phóng các đảo trên Biển Đông. Đại tướng đã kiến nghị với Bộ Chính trị: Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo do quân ngụy đang chiếm giữ. Kiến nghị này được Bộ Chính trị chấp thuận và ra quyết định (ngày 25-3-1975).
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Ngọc Quế, nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 cho biết, chấp hành mệnh lệnh của trên, cuối tháng 3-1975, Quân chủng Hải quân cấp tốc làm công tác vận chuyển bộ đội và phương tiện chiến đấu với số lượng cao nhất, thời gian nhanh nhất và bảo đảm an toàn, xây dựng lực lượng khẩn trương đáp ứng yêu cầu chiến đấu giải phóng các đảo và tiếp quản các cơ sở hải quân địch.
Từ chia sẻ của Đại tá Nguyễn Ngọc Quế, nghiên cứu lịch sử Quân chủng Hải quân, chúng tôi được biết, vào ngày 26-3, trong lúc các cánh quân trên bộ của ta mở cuộc tiến công trên 5 hướng (Bắc, Tây Bắc, Tây Nam, Nam và Đông Nam) vào TP Đà Nẵng, Quân chủng Hải quân điều một biên đội thuyền máy chở phân đội đặc công hải quân, do đồng chí Trần Châu, Chỉ huy trưởng K5 trực tiếp chỉ huy, táo bạo vượt qua làn đạn bắn chặn của địch, tiến thẳng vào bán đảo Sơn Trà, phối hợp với mũi tiến công địch từ hướng biển. Ngày 27 và 28-3, trước sức chiến đấu của hải quân, lực lượng tàu của địch phải dãn ra xa. Ngày 29-3, Đội 1 Đặc công và 1 trung đội trinh sát của Đội 7 Trung đoàn 126 Hải quân cùng 1 trung đội thông tin phối thuộc, quân số 170 cán bộ, chiến sĩ do Trung đoàn trưởng Trung đoàn 126 Hải quân Mai Năng (sau là Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân, Tư lệnh Binh chủng Đặc công) trực tiếp chỉ huy cơ động trên 12 xe vận tải của Đại đội 45 (Cục Hậu cần Hải quân) vượt đèo Hải Vân đến cầu Thủy Tú thì dừng lại chờ lệnh. 8 giờ ngày 30-3, các phân đội của Trung đoàn 126 và phân đội phối thuộc hành quân vào bán đảo Sơn Trà, kịp thời phối hợp với các cánh quân tiến công đánh chiếm toàn bộ căn cứ liên hợp Đà Nẵng và bán đảo Sơn Trà, căn cứ đầu não của Vùng 1 duyên hải của hải quân ngụy, tạo bàn đạp hướng ra Biển Đông.
Đại tá Lê Quang Bình, nguyên Trưởng ban Tổng kết lịch sử, Cục Chính trị, Quân chủng Hải quân, người tận tụy, cẩn thận ghi chép, thẩm định lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam qua các giai đoạn, cho biết: Trước những thắng lợi nhanh chóng của quân và dân ta trên chiến trường, cả nước sục sôi khí thế giải phóng miền Nam, sau giải phóng TP Đà Nẵng (ngày 29-3), giải phóng Nha Trang, Khánh Hòa (ngày 2-4), ngay lập tức, Quân chủng Hải quân cử biên đội tàu tuần tiễu và phá lôi đầu tiên gồm 4 chiếc của Trung đoàn 171 (nay là Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân) tới quân cảng Đà Nẵng bắt đầu tuần tiễu cảnh giới, rà phá thủy lôi, mở đường cho các phương tiện tàu, thuyền quân sự và quốc doanh vận chuyển bộ đội, hàng hóa, vũ khí từ miền Bắc vào. Tiếp đó, các biên đội tàu phóng lôi, tàu tên lửa của Trung đoàn 172 (nay là Lữ đoàn 172, Vùng 3 Hải quân) và ra đa cơ động của Đại đội 500 cũng được điều vào để quản lý vùng biển mới giải phóng, chuẩn bị cho quân ta đánh những trận tiếp theo. Cùng thời điểm đó, Bộ tư lệnh Hải quân gấp rút đề nghị cấp trên điều động trở lại Quân chủng một số cán bộ hải quân trước đây sang các ngành vận tải biển, Tổng cục Thủy sản, với quyết tâm khẩn trương đáp ứng với yêu cầu chiến đấu giải phóng các đảo và tiếp quản các cơ sở hải quân của quân ngụy.
Trong cuộc họp ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị nhận định: “Thời cơ chiến lược để tiến hành tiến công vào sào huyệt cuối cùng của địch đã chín muồi” và quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4. Phối hợp với các cánh quân, từ ngày 1 đến 3-4-1975, các đơn vị hải quân lần lượt tiến vào chiếm căn cứ Quy Nhơn, Nha Trang, Cam Ranh. Mũi tiến công trên biển gồm 3 tàu tên lửa của Tiểu đoàn 173, Trung đoàn 172, 4 tàu tuần tiễu chiến đấu của Trung đoàn 171 và lực lượng tàu vận tải quân sự của Đoàn 125 (nay là Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân) đã uy hiếp địch, làm cho chúng hoang mang, dao động, giảm hoạt động chi viện, yểm trợ trên hướng biển.
(còn nữa)
Ý kiến ()