Gần dân để chăm lo tốt hơn đời sống nhân dân
Xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân là quan điểm nhất quán, xuyên suốt, luôn được Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai phù hợp hoàn cảnh, điều kiện đất nước trong mỗi giai đoạn lịch sử.

Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy Hà Nam đã chỉ đạo triển khai quyết liệt mô hình “Chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” tại cơ sở. Ban đầu, tỉnh triển khai thí điểm tại 14 đơn vị chính quyền cấp xã, sau khi đánh giá kết quả đã tiếp tục nhân rộng thực hiện ở toàn bộ cấp xã và tiếp theo là cấp huyện.
Sau hơn 4 năm, việc triển khai mô hình này đạt được nhiều kết quả quan trọng, đã thay đổi mạnh mẽ tư tưởng, nhận thức, tác phong, lề lối làm việc, tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, hình thành tư duy lấy người dân, tổ chức làm trung tâm để phục vụ. Các thủ tục hành chính của người dân, tổ chức được tiếp nhận và giải quyết chính xác, nhanh chóng. Người dân ngày càng hài lòng hơn với sự phục vụ của chính quyền.
Học tập kinh nghiệm của Hà Nam, mô hình “chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” nhanh chóng lan rộng hầu hết các địa phương trong cả nước. Các cấp ủy, chính quyền ở nhiều nơi còn chủ động, sáng tạo nhiều phong trào, hoạt động hướng về nhân dân như: “Ngày thứ 7 lắng nghe dân nói” tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; “Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền lắng nghe ý kiến của nhân dân” tại Kiên Giang; “Nghe dân nói, nói dân nghe” tại Trà Vinh; “Cà phê sáng-trao đổi với nhân dân” tại Bình Dương...
Việc đổi mới mô hình, phương thức hoạt động theo phương châm hướng về cơ sở, gần dân, sát dân của các cấp ủy, chính quyền địa phương đã góp phần giải quyết nhiều tồn đọng, bức xúc, tạo đồng thuận xã hội, phát huy mạnh mẽ tâm huyết, trách nhiệm của nhân dân tham gia thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước, củng cố mối quan hệ gắn bó giữa cấp ủy, chính quyền, cán bộ với nhân dân.
Tiếp tục đổi mới, mạnh dạn xóa bỏ cấp trung gian, đưa chính quyền đến gần dân, sát dân chính là bước tiếp thu kinh nghiệm thực tiễn trong các quyết sách của Trung ương để việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thật sự hiệu lực, hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Việc sắp xếp lại mô hình, tổ chức hệ thống chính trị nói chung, nhất là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ nói riêng cũng là một nhiệm vụ trọng tâm cần làm ngay.
Tin tưởng vào tầm nhìn, định hướng chiến lược của Trung ương, cán bộ, đảng viên, nhân dân cả nước mong muốn các cấp ủy, chính quyền tập trung cao độ triển khai hiệu quả các kế hoạch, nhiệm vụ về sắp xếp lại đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp theo tiến độ đã đặt ra và đúng với tinh thần chỉ đạo của Trung ương; bảo đảm chính quyền địa phương sau sắp xếp phải tinh gọn, hiệu quả, gần dân, đáp ứng các yêu cầu quản trị xã hội hiện đại, thực hiện được các mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững..., đẩy nhanh phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo; chăm lo ngày một tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Nhất trí cao với những chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 11, khóa XIII, nhiều cán bộ, đảng viên khẳng định, việc tổ chức chính quyền địa phương hai cấp không chỉ chăm lo tốt hơn đời sống của nhân dân mà còn tạo cơ hội để người dân giám sát hoạt động, tham gia góp ý hiệu quả hơn vào công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đảng gần dân, chịu sự giám sát của nhân dân thì Đảng sẽ vững mạnh như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn.
Đây là chủ trương luôn được Đảng ta coi trọng, tuy nhiên việc triển khai trong thực tế chưa đạt hiệu quả như mong muốn bởi những bất cập, vướng mắc về cơ chế, chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia giám sát, góp ý.
Chính vì vậy, việc sắp xếp lại mô hình, tổ chức hệ thống chính trị nói chung, nhất là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ nói riêng cũng là một nhiệm vụ trọng tâm cần làm ngay. Với vai trò đại diện cho các tầng lớp nhân dân, cơ cấu, mô hình các tổ chức này cần tinh gọn, hoạt động hướng mạnh về địa bàn dân cư, gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân theo tinh thần “chú trọng và thực hành dân làm gốc”, phải thật sự là “cánh tay nối dài” của Đảng đến từng hộ gia đình, từng người dân; phải chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các đoàn viên, hội viên và của nhân dân.

Ý kiến ()