Eurozone nhất trí tiến hành "giải cứu" cho Hy Lạp
Tại hội nghị thượng đỉnh đặc biệt diễn ra hôm qua (21/7) tại Brussels, 17 quốc gia thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) đã nhất trí tiến hành giải cứu cho Hy Lạp và cùng hy vọng có thể dập tắt sự lây lan của cuộc khủng hoảng này trên các thị trường.Thủ tướng Hy Lạp, Chủ tịch Nghị viện châu Âu và Chủ tịch Ủy ban châu Âu cùng hoan nghênh quyết định thông qua gói cứu trợ thứ hai cho Hy Lạp (Ảnh: Reuters)Cuộc họp khẩn cấp lần này vốn được kỳ vọng ít nhất cũng phải thống nhất được các biện pháp rõ ràng để đảm bảo tính bền vững cho khu vực tài chính công của Hy Lạp. Ngay trước thềm hội nghị, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cho rằng, nếu không nhất trí được một giải pháp có hiệu quả, thì "cái giá phải trả" sẽ là quá đắt, không chỉ đối với eurozone, mà cho cả nền kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, giới phân tích cũng đánh giá "căn bệnh" nợ công ở châu Âu đã chuyển sang giai đoạn "rất trầm trọng", khi có tới...
Tại hội nghị thượng đỉnh đặc biệt diễn ra hôm qua (21/7) tại Brussels, 17 quốc gia thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) đã nhất trí tiến hành giải cứu cho Hy Lạp và cùng hy vọng có thể dập tắt sự lây lan của cuộc khủng hoảng này trên các thị trường.
![]() |
Thủ tướng Hy Lạp, Chủ tịch Nghị viện châu Âu và Chủ tịch Ủy ban châu Âu cùng |
Cuộc họp khẩn cấp lần này vốn được kỳ vọng ít nhất cũng phải thống nhất được các biện pháp rõ ràng để đảm bảo tính bền vững cho khu vực tài chính công của Hy Lạp. Ngay trước thềm hội nghị, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cho rằng, nếu không nhất trí được một giải pháp có hiệu quả, thì “cái giá phải trả” sẽ là quá đắt, không chỉ đối với eurozone, mà cho cả nền kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, giới phân tích cũng đánh giá “căn bệnh” nợ công ở châu Âu đã chuyển sang giai đoạn “rất trầm trọng”, khi có tới gần 1/3 số nước thành viên eurozone “bị” nghi ngờ về khả năng trả nợ, dẫn tới có thể làm lung lay cả vị thế của khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Chính vì vậy, để cứu lấy đồng tiền chung Euro, châu Âu đã đi đến quyết định tiến hành ngăn chặn không cho ngọn lửa lan rộng. 17 quốc gia thuộc eurozone đã cùng thống nhất chặn đứng nguy cơ phá sản có thể xảy ra tại Hy Lạp và cùng hy vọng có thể lấy lại được lòng tin cũng như khôi phục nguồn lực để dập tắt đám cháy này.
Hội nghị đã phần nào gỡ được thế bế tắc, chỉ vài giờ trước khi chính thức khai mạc, thông qua cuộc gặp gỡ ba bên giữa Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel khi Pháp và Đức tìm thấy quan điểm chung về gói cứu trợ thứ hai cho Hy Lạp.
Không làm cho người dân châu Âu thất vọng, sau 8 giờ đàm phán căng thẳng, Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của eurozone cuối cùng cũng đã đi đến thống nhất về một bản thỏa thuận; theo đó dành cho Hy Lạp gói cứu trợ thứ hai trị giá 158, 6 tỷ euro nhằm giúp nước này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ, trong đó 109 tỷ euro đến từ các nước thành viên eurozone và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong khi 49,6 tỷ euro còn lại do khu vực tư nhân đóng góp (37 tỷ euro do đóng góp tự nguyện, 12,6 tỷ euro do mua lại các khoản nợ trên thị trường).
Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Herman Van Rompuy tuyên bố: “Các nhà lãnh đạo đã tìm ra câu trả lời chung cho cuộc khủng hoảng hiện nay. (…) Chúng tôi sẽ huy động các nguồn lực cần thiết để tái tạo vốn cho các ngân hàng của Hy Lạp nếu họ có nhu cầu”.
Đánh giá gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp này là một “cam kết đầy quyết tâm”, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã thông báo cho biết, những tổ chức tín dụng tư nhân của nước này sẽ đóng góp 135 tỷ euro trong vòng 30 năm. “Chúng tôi đánh giá cao các nỗ lực dành cho Hy Lạp, tất cả các quốc gia thuộc eurozone đã quyết định hành động. Chúng ta không thể từ bỏ một thành viên của khu vực vào thời điểm họ cam kết sẽ tiến hành cải tổ”, Tổng thống Sarkozy khẳng định.
Người đứng đầu chính phủ Pháp cũng đồng thời chỉ rõ rằng cam kết này là “đặc biệt” và nó có thể không được áp dụng với các thành viên khác hiện đang gặp khó khăn như Ireland hay Bồ Đào Nha.
Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet cũng hoan nghênh kế hoạch hỗ trợ này, đánh giá đây là hành động “mấu chốt” giúp ổn định nền kinh tế Hy Lạp. Tuy vậy, ông cũng không quên nhắc nhở nghĩa vụ hoàn trả của Athènes.
Ngoài việc thông qua gói cứu trợ mới, các nước eurozone cũng đồng ý giãn nợ cho Hy Lạp từ các khoản vay từ Quỹ Cứu trợ Tạm thời (EFSF) từ 7,5 năm thành ít nhất 15 năm và nhiều nhất là 30 năm, đồng thời nhất trí giảm lãi suất vay cho Hy Lạp xuống còn 3,5% – so với mức 4%-5% hiện nay. Ngoài ra, nếu trong trường hợp Hy Lạp vẫn không trả được hết khoản nợ 350 tỷ euro (tương đương với 160% GDP của nước này), ngân hàng trung ương châu Âu và các ngân hàng tư nhân sẽ tiếp tục can thiệp.
Cuộc gặp gỡ bất thường, khẩn cấp của các nước thành viên khu vực đồng tiền chung châu Âu lần này không chỉ giúp xoa dịu các lo ngại về nguy cơ bùng phát đám cháy trên các thị trường bắt nguồn từ ngọn lửa Hy Lạp mà còn đánh dấu sự trở lại của vai trò của Quỹ Tiền tệ Quốc tế khi IMF quyết định cho vay 109 tỷ euro trong giai đoạn từ nay tới năm 2014. Tân Tổng Giám đốc IMF đã từng khẳng định tổ chức này sẽ tiếp tục “giữ vững vai trò” để hỗ trợ Hy Lạp. “Trên cơ sở chương trình hành động vững chắc của chính phủ Hy Lạp và quyết tâm của các quốc gia thành viên hỗ trợ Hy Lạp, IMF sẽ tiếp tục giữ vai trò nòng cốt của Quỹ”, bà Christine Lagarde cho biết.
Với thiện chí trợ giúp từ phía các quốc gia láng giềng lân cận, cùng với lòng quyết tâm của chính nước chủ nhà, hy vọng rằng Hy Lạp sẽ từng bước thoát khỏi khủng hoảng, khó khăn. Điều này không chỉ giúp Hy Lạp có thể vực dậy nền kinh tế mà còn góp phần quan trọng vào nỗ lực chung đảm bảo tăng trưởng bền vững toàn cầu./.
Theo Website Dangcongsanvn

Ý kiến ()