Tuyên truyền pháp luật hướng về cơ sở, lấy người dân làm trung tâm
- Những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã tăng cường đưa pháp luật về cơ sở, bằng nhiều hình thức, góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Ngày 8/4/2025 vừa qua, tại nhà văn hóa xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc, Sở Tư pháp tổ chức hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật, với gần 150 đại biểu tham dự. Tại hội nghị, các đại biểu đã được báo cáo viên của Sở Tư pháp tuyên truyền một số nội dung cơ bản của Bộ luật Hình sự; Luật Hôn nhân và Gia đình; kỹ năng và nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL). Anh Nông Tuấn Định, thôn Phai Luông, xã Hợp Thành chia sẻ: Tại hội nghị PBGDPL, báo cáo viên đã trình chiếu, giới thiệu ngắn gọn nội dung các quy định của pháp luật, cùng những hình ảnh về vụ việc thực tế. Từ đó giúp chúng tôi dễ hiểu, dễ nhớ hơn các quy định của pháp luật.
Còn tại các xã biên giới, lực lượng bộ đội biên phòng thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã tổ chức các hội nghị PBGDPL đến các thôn, bản, người dân. Đại úy Phạm Phú Thịnh, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma cho biết: Hiện nay đồn đang quản lý, bảo vệ 16,325 km đường biên giới quốc gia và phụ trách địa bàn 3 xã: Yên Khoái, Tú Mịch và Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình. Đội thường xuyên tham mưu lãnh đạo đồn phối hợp với các xã để PBGDPL cho người dân khu vực biên giới. Từ năm 2024 đến nay, đơn vị đã tuyên truyền trực tiếp tại các buổi họp, sinh hoạt chi bộ thôn và các hội nghị ở các xã được trên 70 cuộc, với hơn 3.000 lượt người nghe, phát 1.000 tờ rơi các loại. Cùng đó chúng tôi sử dụng loa lưu động đến những địa bàn vùng sâu, khó khăn để PBGDPL cho bà con. Qua tuyên truyền, người dân nâng cao nhận thức, tích cực cùng bộ đội biên phòng bảo vệ biên giới. Từ năm 2024 đến nay, người dân đã báo cho đồn trên 70 tin liên quan đến đường biên, cột mốc, an ninh trật tự trên địa bàn.
Nếu như trước đây các hội nghị PBGDPL chủ yếu được tổ chức tại cấp tỉnh, cấp huyện, thì trong 5 năm trở lại đây các cấp, ngành tăng cường PBGDPL hướng về cơ sở, tổ chức tại cấp xã, nhà văn hóa các thôn, tổ dân phố. Đối tượng tham dự không chỉ là cán bộ, công chức, mà còn đến bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ dân phố, trưởng các chi hội đoàn thể, đại diện các hộ dân trong cộng đồng dân cư. Đơn cử từ năm 2024 đến nay, toàn tỉnh tổ chức được trên 9.000 cuộc PBGDPL, cho hơn 1,4 triệu lượt người nghe (trong đó đa phần các hội nghị tổ chức tại cấp xã).
Ông Dương Công Luyện, Trưởng Phòng PBGDPL, Sở Tư pháp cho biết: Chúng tôi đã tham mưu lãnh đạo sở đề xuất Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị PBGDPL tập trung hướng về cơ sở với nội dung, hình thức phù hợp với từng đối tượng. Trong đó tập trung tổ chức các hội nghị truyên truyền, PBGDPL cho cán bộ và người dân tại các xã thuộc địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự, các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới và các địa bàn phát sinh nhiều mâu thuẫn, tranh chấp. Đơn cử từ đầu năm 2025 đến nay, Sở Tư pháp đã tổ chức 13 hội nghị tại các xã trên địa bàn tỉnh, với trên 1.500 người tham dự.
Theo đó, các hình thức PBGDPL tại cơ sở được áp dụng linh hoạt, đa dạng, phù hợp với tình hình thực tiễn, địa bàn, nhóm đối tượng, nhất là nhóm đối tượng đặc thù theo quy định của Luật PBGDPL. Nội dung tập trung vào các vấn đề người dân quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội; truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội; các quy định có liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phòng, chống tội phạm; phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép; các quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thu hồi đất; nội dung luật mới ban hành…
Nổi bật, trong công tác PBGDPL tại cơ sở, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên đã phát huy vai trò là cầu nối, nòng cốt đưa pháp luật đến người dân. Hiện toàn tỉnh có trên 450 báo cáo viên pháp luật; trên 3.500 tuyên truyền viên pháp luật; trên 10.600 hòa giải viên. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, hòa giải viên ở cơ sở đã tích cực đưa pháp luật đến tận thôn, bản, người dân trên địa bàn tỉnh.
Ông Hoàng Văn Toản, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Thuận Lợi, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng (tuyên truyền viên pháp luật) chia sẻ: Thôn có 84 hộ dân với hơn 350 nhân khẩu. Để kịp thời đưa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến người dân, chúng tôi đã thường xuyên lồng ghép tuyên truyền thông qua sinh hoạt chi bộ, họp thôn, sinh hoạt các đoàn thể. Đồng thời tuyên truyền qua các nhóm Zalo của thôn để người dân nắm được chủ trương, tạo đồng thuận cao trong thực hiện các phong trào, hoạt động. Những năm qua, tình hình an ninh trật tự của thôn ổn định, không có vi phạm pháp luật; hằng năm thôn đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt trên 97%.
Việc tăng cường PBGDPL hướng về cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật của người dân, đảm bảo tình hình an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ý kiến ()