Du lịch Việt thu hút dòng khách sang: Đã hết thời “hữu xạ tự nhiên hương”?
Để thu hút dòng khách sang đến Việt Nam, giờ đây không đơn giản là câu chuyện “hữu xạ tự nhiên hương,” mà cần chiến lược toàn diện từ chính sách thị thực, kế hoạch quảng bá, kết nối đường bay mới...
Ngành du lịch đã đón gần 10,7 triệu lượt khách quốc tế trong 6 tháng đầu năm, hoàn thành gần 50% chỉ tiêu tăng trưởng 2025. Tuy nhiên, làm sao để “bánh xe xanh” lăn đúng hướng, phát triển tốc độ nhanh với một hệ sinh thái bền vững, đặc biệt thu hút dòng khách sang ở các thị trường trọng điểm lại là câu chuyện cần sự chung tay từ Chính phủ tới các cấp địa phương, doanh nghiệp và mỗi người dân.
Tăng cường độ nhận diện thương hiệu
Theo thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia, tính riêng trong tháng 6/2025, Việt Nam đón 1,46 triệu lượt khách (giảm 4% so với tháng Năm, nhưng tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái). Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng lượng du khách nhập cảnh nước ta đạt gần 10,7 triệu lượt (tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 25,7% so với cùng kỳ năm 2019 là thời điểm trước dịch).
Đáng chú ý, lượng khách trong 6 tháng đầu năm 2025 còn cao hơn tổng lượng khách của cả năm 2016 (10 triệu lượt). Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam nửa năm qua với 2,7 triệu lượt (chiếm 25,6%). Hàn Quốc xếp thứ 2, đạt 2,2 triệu lượt (chiếm 20,7%). Riêng hai thị trường này đóng góp 46,3% tổng số khách quốc tế đến trong hai quý đầu năm.
Top 10 thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam còn có lần lượt là Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản, Campuchia, Ấn Độ, Australia, Malaysia và Nga.
Đặc biệt, 6 tháng đầu năm, các thị trường lớn ở khu vực châu Á là động lực chính cho sự tăng trưởng lượng khách quốc tế, trong đó có Trung Quốc tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2024, Ấn Độ tăng 41,0%, Nhật Bản tăng 17,2%.

Bên cạnh đó, các thị trường ở châu Âu cũng cho thấy kết quả tăng trưởng khả quan như: Nga tăng mạnh nhất với 139,3%, Na Uy tăng 24,1%, Italy tăng 24,0%, Anh tăng 19,2%, Pháp tăng 19,1%, Thụy Điển tăng 18,2%, Đức tăng 15,3%, Tây Ban Nha tăng 11,5%, Đan Mạch tăng 10,1%.
Ba Lan và Thụy Sỹ cũng ghi nhận sự gia tăng lượng khách lần lượt là 44,3% và 10,2% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là hiệu quả từ việc Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về việc miễn visa ngắn hạn cho công dân Ba Lan, Séc và Thụy Sỹ theo chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025.
Kết quả tăng trưởng ấn tượng kể trên đến từ sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho du lịch phát triển, nhất là động lực từ chính sách miễn thị thực và cấp thị thực điện tử thông thoáng. Đồng thời, phản ánh nỗ lực của ngành trong tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách, đổi mới xúc tiến quảng bá du lịch, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ.
Đặc biệt, thời gian qua, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai hàng loạt chương trình xúc tiến du lịch ở các nước châu Âu (Đức, Pháp, Italy, Thụy Sỹ, Ba Lan, Séc); xúc tiến du lịch điện ảnh tại Liên hoan phim Cannes, Pháp; quảng bá du lịch Việt Nam tại hội chợ du lịch quốc tế ITB Berlin ở Đức, Travex ở Malaysia; tăng cường truyền thông du lịch trên các nền tảng số...
Có thể nói, chuỗi hoạt động này đã giúp tăng cường độ nhận diện thương hiệu của du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Chiến lược thu hút dòng khách sang
Theo nhận định của các chuyên gia du lịch, thành quả tăng trưởng trên không còn đơn giản là “hữu xạ tự nhiên hương,” mà đó là kết quả của sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chính sách thị thực linh hoạt, chiến dịch xúc tiến quảng bá bài bản tại thị trường trọng điểm, cùng sự phục hồi của hàng không quốc tế cũng như kết nối thêm các đường bay.
Tín hiệu đáng chú ý là đường bay thẳng Dubai - Đà Nẵng, do Emirates khai thác từ tháng 6/2025. Đây được coi là bước đi chiến lược để Đà Nẵng đón làn sóng khách thượng lưu từ Trung Đông và các thị trường kết nối qua Dubai.
Đặc biệt, chiến dịch xúc tiến quảng bá du lịch tại Pháp, Thụy Sĩ, Ba Lan, Séc hay Đức liên tục trong những tháng qua đã giúp Việt Nam tăng độ nhận diện thương hiệu, mở rộng biên độ ảnh hưởng để tiếp cận với dòng khách chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, vốn là mục tiêu đang hướng tới của toàn ngành.
Chính sách miễn visa ngắn hạn cho nhiều quốc gia châu Âu cũng đã bước đầu cho thấy hiệu quả, du khách Italy tăng 24,7%, khách Pháp tăng 19,8%, khách Anh tăng 19,5%, Đức tăng 16,1%, Thụy Sĩ tăng 10,7%, Tây Ban Nha tăng 10,3%... Thậm chí, khách từ thị trường không phải truyền thống như Ba Lan, Na Uy cũng tăng trưởng ấn tượng.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm khoảng 4%, quy mô thị trường du lịch cao cấp toàn cầu đã đạt hơn 2.100 tỷ USD (năm 2023) và dự kiến sẽ vượt 3.000 tỷ USD vào năm 2032. Tệp khách thượng lưu từ châu Âu mặc dù chỉ chiếm 2% nhưng lại đóng góp đến 22% doanh thu cho ngành công nghiệp không khói thế giới.
“Nếu được đầu tư đúng hướng, đây là cơ hội vàng để Việt Nam đẩy mạnh khai thác phân khúc khách du lịch hạng sang, một mỏ kim cương lộ thiên,” Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để toàn ngành có thể bứt phá, phát triển bền vững với mục tiêu tập trung vào các thị trường trọng điểm, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch xanh Việt Nam, tiến sỹ Phạm Hà cho rằng: “Cần xây dựng hệ sinh thái 5C: Culture (văn hóa), Cuisine (ẩm thực), Customization (cá nhân hóa), Community (gắn kết cộng đồng), Content (trải nghiệm độc đáo) để hấp dẫn thị trường khách hạng sang.”
Theo vị chuyên gia này, hiệu quả từ chính sách visa không chỉ cần được duy trì mà phải mở rộng sang các thị trường mới như Trung Đông, Bắc Âu, Đông Âu. Đặc biệt, đầu tư chiều sâu cho xúc tiến và truyền thông điểm đến qua các sự kiện văn hóa, điện ảnh, thể thao tầm cỡ quốc tế./.


Ý kiến ()