Đồng bộ giải pháp duy trì, phát triển rừng có chứng chỉ
- Những năm gần đây, công tác cấp chứng chỉ rừng (CCR) trên địa bàn tỉnh đã đạt kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong phát triển lâm nghiệp bền vững, nâng cao giá trị kinh tế, xã hội và môi trường rừng.

Việc cấp CCR là một quá trình tự nguyện, do tổ chức chứng nhận đánh giá chất lượng quản lý rừng và sản xuất lâm nghiệp dựa trên một bộ tiêu chuẩn nhất định. Những năm qua, các CCR được cấp tại địa bàn tỉnh gồm chứng chỉ quản lý rừng bền vững VFCS (hệ thống CCR quốc gia) do Tổ chức Consulting Group GmbH (GFA) chứng nhận; chứng chỉ PEFC và FSC (hệ thống CCR quốc tế) do các tổ chức có uy tín, có ảnh hưởng lớn trong việc bảo vệ rừng nói riêng và môi trường nói chung trên quy mô toàn cầu chứng nhận.
Giữ vững các tiêu chí của rừng được cấp chứng chỉ
Cấp CCR là một trong những nội dung quan trọng trong Đề án Phát triển lâm nghiệp bền vững đoạn 2020 - 2030.
CCR mang lại nhiều ý nghĩa về kinh tế, môi trường và xã hội. Về kinh tế, CCR góp phần tăng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, tạo dựng uy tín và thương hiệu. Cụ thể, các công ty tham gia đầu tư vào diện tích rừng có chứng chỉ đều đã cam kết và hợp đồng nguyên tắc với chính quyền và các hộ dân sẽ thu mua gỗ của rừng có chứng chỉ tăng từ 5% - 12% so với giá thị trường. Cùng đó, quy trình quản lý rừng bền vững được đảm bảo từ khâu giống, trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ đến khai thác đều theo các chỉ tiêu, nguyên tắc bắt buộc đảm bảo về môi trường và xã hội.
|
Để thực hiện nội dung này, UBND tỉnh đề ra chỉ tiêu trong 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 2020 - 2025, toàn tỉnh có 5.000 ha rừng được cấp chứng chỉ; giai đoạn 2026 - 2030 có 10.000 ha rừng được cấp chứng chỉ. Theo đó qua rà soát, UBND tỉnh nhận thấy, huyện Đình Lập có nhiều diện tích rừng liền vùng, liền khoảnh, đủ điều kiện, tiêu chuẩn cho việc cấp CCR nên từ năm 2020 đã triển khai thí điểm đối với 4.500 ha rừng trên địa bàn huyện này, sau đó chỉ đạo nhân rộng đối với diện tích rừng đủ điều kiện. Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, cơ quan liên quan, doanh nghiệp và các chủ rừng, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có trên 15.100 ha rừng thông, keo, bạch đàn, bồ đề và quế được cấp chứng chỉ VFCS/PEFC, FSC, đạt trên 300% so với mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2020 - 2025.
Ông Hoàng Văn Chiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) cho biết: Để đảm bảo các tiêu chuẩn trong suốt thời gian hiệu lực của chứng chỉ đối với diện tích rừng đã được chứng nhận, những năm qua, các cấp, ngành, trong đó ngành NN&MT đặc biệt quan tâm công tác duy trì chất lượng rừng có chứng chỉ. Hằng năm, Sở NN&MT chỉ đạo đơn vị trực thuộc, nòng cốt là lực lượng kiểm lâm giám sát và đảm bảo tính pháp lý của các hoạt động liên quan đến quá trình cấp CCR; tuyên truyền, phổ biến về tầm quan trọng, lợi ích và các yêu cầu của CCR đến các chủ rừng, doanh nghiệp chế biến gỗ, hộ dân; làm tốt công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp, đồng thời hỗ trợ tư vấn cho đơn vị liên quan, hộ dân về kỹ thuật và các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng…
Theo đó hằng năm, cơ quan kiểm lâm từ tỉnh đến cấp huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền những thông tin liên quan đến việc cấp và duy trì CCR đến các chủ rừng, doanh nghiệp, người dân; giám sát các hoạt động quản lý, bảo vệ, khai thác và chế biến lâm sản trên địa bàn; kiểm tra, xác minh chặt chẽ nguồn gốc gỗ và các sản phẩm từ rừng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về lâm nghiệp. Ông Phạm Công Phong, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo nhóm hộ CCR Đình Lập cho biết: Để thực hiện tốt công tác duy trì diện tích rừng đã có chứng chỉ, hằng năm hạt tăng cường các hoạt động tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, tuần rừng, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm, qua đó góp phần duy trì hiệu quả diện tích rừng đã có chứng chỉ.
Về phía các doanh nghiệp, chủ rừng và người dân tại các địa bàn có rừng được cấp chứng chỉ đã chấp hành đúng các nguyên tắc và tiêu chí của CCR, có kế hoạch quản lý rừng, khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ theo đúng quy định, không gây tác động tiêu cực đến môi trường; quan tâm phòng chống cháy rừng, ngăn chặn các hành vi khai thác, lấn chiếm rừng trái phép, phòng trừ sâu bệnh hại rừng.
Anh Vi Văn Hà, thôn Bản Hả, xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập cho biết: Gia đình tôi có hơn 4 ha rừng keo. Để duy trì diện tích rừng được cấp chứng chỉ, gia đình tôi thực hiện đúng các quy định như ghi chép đầy đủ công tác quản lý rừng; phát đường băng cản lửa, dọn thực bì và thực hiện các biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng theo hướng dẫn; không sử dụng các loại thuốc, phân bón hóa học vào quá trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây…
Nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trên, hằng năm, qua đánh giá của các tổ chức có thẩm quyền, các diện tích rừng có chứng chỉ đều đảm bảo đạt các tiêu chí, chỉ số, nguyên tắc theo yêu cầu.
Hướng tới tăng diện tích rừng có chứng chỉ
Cùng với việc duy trì diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ, thời gian qua, các cấp, ngành, cơ quan kiểm lâm đã và đang đẩy mạnh giải pháp nhằm tăng diện tích rừng có chứng chỉ.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Triển khai Kế hoạch tổng thể Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, như dựa trên hiệu quả thực tiễn của công tác cấp CCR trên địa bàn, đơn vị đã chỉ đạo hạt kiểm lâm các huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động các chủ rừng tham gia thực hiện cấp CCR bền vững. Đồng thời, tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các chủ rừng xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững, trong đó khuyến khích chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc hộ gia đình, cá nhân liên kết xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững.
Thực hiện chỉ đạo của chi cục, hạt kiểm lâm các huyện đã nghiên cứu, tham mưu chính quyền huyện xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện; tuyên truyền, phổ biến về tầm quan trọng, lợi ích và các yêu cầu của CCR đến các chủ rừng, doanh nghiệp, hộ dân; tiến hành rà soát, đánh giá tính khả thi đối với việc triển khai cấp CCR trên địa bàn quản lý; xây dựng lộ trình thực hiện cấp CCR một cách khoa học, phù hợp với thực tiễn…
Ông Phạm Tuyến, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hữu Lũng cho biết: Hữu Lũng phấn đấu từ nay đến năm 2030, toàn huyện sẽ có 15.000 ha rừng được cấp CCR. Để thực hiện, hạt đã tham mưu UBND huyện tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến các nội dung liên quan đến việc triển khai cấp CCR tại các xã trên địa bàn. Đồng thời, từ kết quả rà soát tình hình phát triển rừng, hạt cũng đã tìm kiếm, kết nối thành công với một số doanh nghiệp để triển khai thực hiện cấp CCR đối với những diện tích đủ điều kiện. Cụ thể đơn vị đã phối hợp với 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Xuất khẩu UNI và Công ty TNHH Hoàng Đại Vương (có sản xuất và liên kết với hộ dân sản xuất rừng) trong xây dựng các kế hoạch cụ thể về cấp CCR. Đơn vị cũng đã cung cấp thông tin về địa điểm thực hiện, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các quy trình, thủ tục theo quy định, tiêu chuẩn để được cấp CCR.
CCR không chỉ mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm gỗ, nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn góp phần bảo vệ môi trường, cải thiện sinh kế cho người dân. Với những giải pháp đã và đang triển khai một cách đồng bộ, toàn diện, các diện tích rừng có chứng chỉ qua đánh giá hằng năm đã đạt các tiêu chí đề ra, đồng thời Lạng Sơn sẽ có thêm nhiều hơn nữa diện tích rừng được cấp chứng chỉ, qua đó không chỉ thực hiện vượt mục tiêu giai đoạn 2020 - 2025 đề ra mà quan trọng hơn chính là thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Ý kiến ()