Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học
(LSO) – Phong trào “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học” giai đoạn 2016 – 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động, việc thực hiện phong trào tại các trường học trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đem lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục.
Các em học sinh khối tiểu học tham dự cuộc thi vẽ tranh theo chủ đề
Thực hiện phong trào này, ngành giáo dục tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị, nhà trường đa dạng hóa hình thức, phương pháp dạy học, chú ý các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh; sử dụng các hình thức dạy học trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin. Ngoài ra, ngành yêu cầu các đơn vị, nhà trường coi trọng giao nhiệm vụ và hướng dẫn học sinh học tập ở nhà, ở ngoài nhà trường; tổ chức tốt và động viên học sinh tích cực tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật học sinh trung học; khuyến khích tổ chức, thu hút học sinh tham gia các hoạt động như: văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao; các hội thi năng khiếu; giao lưu,… nhằm thúc đẩy học sinh hứng thú học tập, rèn luyện kỹ năng sống.
Ngay từ năm học 2016 – 2017, hầu hết các trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn tỉnh đã xây dựng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, phù hợp với điều kiện về cơ sở vật chất, tình hình đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường, phù hợp với đặc thù của đơn vị. Nhiều đơn vị đã mạnh dạn xây dựng các chủ đề dạy học phù hợp với các hoạt động mang tính đặc thù của vùng, miền, cụ thể: trong năm học 2016 – 2017, các trường THCS và THPT trong tỉnh đã xây dựng và tổ chức thực hiện được 2.039 chủ đề dạy học về nông nghiệp, sản xuất kinh doanh, du lịch… tạo môi trường để học sinh vận dụng kiến thức môn học vào thực tiễn cuộc sống.
Trường THPT chuyên Chu Văn An, thành phố Lạng Sơn được đánh giá là đơn vị tiêu biểu trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” của ngành giáo dục. Cô Phan Mỹ Hạnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ban giám hiệu nhà trường đã phát động phong trào đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Trong giảng dạy, nhà trường yêu cầu giáo viên phải biết cách khai thác, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của mỗi học sinh. Với từng bộ môn như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, thực hiện đổi mới bằng cách ra đề mở, khuyến khích học sinh vận dụng tổng hợp kiến thức, kĩ năng, thoát ly sách giáo khoa khi làm bài, trả lời câu hỏi. Nhờ đó, việc giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh luôn đạt hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, để góp phần thực hiện hiệu quả “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, các trường học đã chủ động đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá theo hướng chú trọng đánh giá phẩm chất và năng lực của học sinh; chú trọng đánh giá quá trình: đánh giá trên lớp; đánh giá bằng hồ sơ; đánh giá bằng nhận xét; tăng cường đánh giá thông qua sản phẩm dự án; bài thuyết trình; kết hợp kết quả đánh giá trong quá trình giáo dục và đánh giá tổng kết cuối kỳ, cuối năm học. ..
Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Để việc đổi mới, sáng tạo trong dạy và học đạt hiệu quả thì yếu tố con người mang tính quyết định. Bởi vậy, hằng năm, sở đã tăng cường mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên. Đặc biệt, xây dựng mạng lưới “Trường học kết nối”, tạo môi trường hợp tác, chia sẻ chuyên môn cho giáo viên trong mỗi tổ/nhóm chuyên môn và nhà trường/cụm trường. Qua đó, giúp giáo viên có kinh nghiệm và kiến thức giảng dạy phong phú.
Việc thực hiện nghiêm túc “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” đã góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục và đào tạo. Điển hình như trong các cuộc thi học sinh giỏi trong năm học 2017 – 2018 vừa qua, đối với kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh có 1.266 học sinh đạt giải (đạt 47,1%, tăng 0,2% so với năm học trước); thi giải toán trên máy tính tầm tay cấp tỉnh đạt 221 giải (đạt 40,4%); kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia năm 2018 đạt 18 giải (tăng 4 giải so với năm học trước).

Ý kiến ()