Đề xuất chi hơn 116.000 tỷ đồng để phổ cập giáo dục mầm non
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, sáng 17-4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Nghị quyết Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.
Mỗi năm còn gần 300.000 trẻ em mầm non chưa được đến trường
Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nêu rõ, hiện nay, việc giáo dục mầm non vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức lớn như: Còn một số lượng khá lớn trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 4 tuổi (chủ yếu là trẻ em ở vùng khó khăn, trẻ em đối tượng yếu thế) chưa được tiếp cận với giáo dục mầm non, tạo ra sự mất công bằng trong tiếp cận giáo dục.
Cụ thể, có gần 300.000 trẻ em mầm non chưa được đến trường, tập trung tại những nơi khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng cao, miền núi, biên giới, hải đảo, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục mầm non còn nghèo nàn. Chính sách hiện hành dành cho trẻ em mầm non, giáo viên, cơ sở giáo dục, cơ chế, chính sách đầu tư, xã hội hóa giáo dục còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục mầm non.

Trong khi đó, hiện nay, Luật Giáo dục chỉ quy định về phổ cập cho trẻ 5 tuổi, để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cần sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục. Tuy nhiên, việc sửa đổi luật cần thời gian đánh giá toàn diện để giải quyết nhiều nội dung phức tạp, trong khi yêu cầu hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non đã được đặt ra tại Nghị quyết số 42-NQ/TW "đến năm 2030 hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi", Kết luận số 91-KL/TW yêu cầu "Từng bước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 3, 4 tuổi"…
Do đó, việc sớm ban hành Nghị quyết của Quốc hội là cấp thiết, tạo hành lang pháp lý vững chắc về mặt lập pháp của Quốc hội. Đồng thời, kịp thời triển khai chính sách an sinh xã hội, chính sách phát triển nguồn nhân lực, hướng tới mục tiêu phát triển chung, vì sự tiến bộ của đất nước trong kỷ nguyên mới của dân tộc…
Đánh giá khả năng cân đối ngân sách Nhà nước chi cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo
Dự thảo nghị quyết đưa ra mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi trên phạm vi toàn quốc. Phấn đấu 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận đạt chuẩn về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo vào năm 2030.

Tổng dự toán kinh phí được đề xuất để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 3 đến 5 tuổi (giai đoạn 2026 - 2030) là 116.314,1 tỷ đồng, trong đó:
Kinh phí thực hiện chính sách đối với trẻ em mẫu giáo (gồm chi phí học tập, hỗ trợ tiền ăn trưa): 1.062 tỷ đồng/năm.
Kinh phí thu hút, ưu đãi đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên mầm non thực hiện nhiệm vụ phổ cập; trong đó kinh phí hỗ trợ tuyển dụng giáo viên mẫu giáo: 2.827,6 tỷ đồng.
Kinh phí hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thực hiện nhiệm vụ phổ cập: 3.296,8 tỷ đồng/năm.
Kiên cố hóa trường, lớp học: Nhu cầu vốn khoảng 26.651 tỷ đồng.
Xây dựng bổ sung đủ số phòng học trên lớp và số học sinh mỗi lớp không vượt quá quy định của từng cấp học: Nhu cầu vốn khoảng 27.953 tỷ đồng; xây dựng bổ sung phòng học chức năng; thư viện; trang thiết bị dạy học...
Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội cho rằng, theo Tờ trình của Chính phủ, để triển khai thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, Nhà nước phải bảo đảm nguồn tài chính và nguồn nhân lực rất lớn. Do đó, đề nghị rà soát đánh giá kỹ lưỡng; đánh giá khả năng cân đối ngân sách nhà nước chi cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo; khả năng cân đối ngân sách của các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.

Ý kiến ()