Để cây hồi thực sự là cây mũi nhọn
LSO-Đã từ lâu, cây hồi được coi là cây mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế xã- hội của tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 35.000 ha hồi và đang mang lại nguồn thu nhập khoảng 200-300 tỷ đồng cho các hộ nông dân. Sản phẩm hoa hồi đang được cung cấp cho một số thị trường trong và ngoài nước.
![]() |
Quầy trưng bày giới thiệu sản phẩm hoa hồi |
Theo báo cáo của Hội Sản xuất, chế biến và kinh doanh hồi (SX,CB&KDH) Lạng Sơn, đến nay, diện tích cây hồi của Lạng Sơn lớn nhất cả nước với trên 35.000 ha, chiếm 70% tổng diện tích hồi của cả nước, trong đó, 57,14% diện tích đã cho thu hoạch. Cây hồi được trồng tập trung tại các huyện : Văn Quan, Bình Gia, Cao Lộc, Tràng Định, Văn Lãng… Riêng huyện Văn Quan, diện tích hồi đạt trên 9.000 ha, trên 72% diện tích đã cho thu hoạch; sản lượng bình quân đạt trên 6.000 tấn, (năm 2014 đạt sản lượng cao nhất 14.000 tấn). Toàn tỉnh hiện có trên 15.000 hộ gia đình có diện tích cây hồi. Hằng năm, hoa hồi mang lại giá trị từ 200- 300 tỷ đồng, cây hồi đã và đang là cây mũi nhọn mạng lại hiệu quả kinh tế cho các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hồi vẫn chưa thực sự được coi trọng; sản lượng và chất lượng sản phẩm sau thu hoạch còn thấp, tỉnh chưa có doanh nghiệp đầu mối lo thu mua bao tiêu sản phẩm.
Chính vì thế, những năm gần đây, cấp uỷ, chính quyền các huyện đã quan tâm quy hoạch vùng trồng hồi, sản xuất chế biến tinh dầu hồi và các mặt hàng chế xuất từ sản phẩm hồi càng được chú trọng. Tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động phát triển chuỗi giá trị cây hồi giai đoạn 2015- 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Cùng với đó, tổ chức Phát triển Hà Lan cũng đã thực hiện Dự án Gia vị cuộc sống hỗ trợ phát triển hồi thực hiện từ năm 2013. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 3 doanh nghiệp triển khai xây dựng hệ thống tiêu thụ sản phẩm hồi mang chỉ dẫn địa lý Lạng Sơn tại các thị trường trong nước và quốc tế như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Hà Lan, Mỹ… Các mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong quá trình tiêu thụ sản phẩm cũng đang được xây dựng. Doanh nghiệp đã chủ động lập các điểm thu mua sản phẩm hoa hồi tươi tại vùng trồng trọng điểm. Bên cạnh đó, Bộ Khoa học – Công nghệ 2 nước Việt Nam và Trung Quốc; Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã chủ trì triển khai thực hiện Dự án “Nghiên cứu cải tạo rừng hồi năng suất thấp và ứng dụng kỹ thuật chế biến sản phẩm hồi” tại xã Đồng Giáp, huyện Văn Quan với diện tích 28 ha. Đây là mô hình Dự án “Thúc đẩy ngành gia vị hồi nhằm xóa đói giảm nghèo tại cộng đồng dân tộc thiểu số tỉnh Lạng Sơn”.
Nhằm góp phần nâng cao giá trị sản phẩm hồi, mới đây, UBND huyện Văn Quan phối hợp với Hội SX,CB&KDH Lạng Sơn tổ chức lễ hội Hồi Lạng Sơn lần thứ nhất năm 2016. Tại lễ hội đã diễn ra buổi hội thảo nhằm tìm ra giải pháp nâng cao giá trị hoa hồi từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó tiếp tục khẳng định hoa hồi Lạng Sơn có vị trí quan trọng trên thị trường thế giới. Một trong những giải pháp được đặt ra là tập trung tiến hành cải tạo, nâng cấp trồng bổ sung để nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế rừng. Phát triển vùng chuyên canh tập trung hồi tại các huyện có thế mạnh như: Văn Quan, Bình Gia, Văn Lãng với diện tích 21.000- 22.000 ha, sản lượng quả (hoa) hồi tươi đạt 250.000- 280.000 tấn/năm. Cần bổ sung, ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ hồi của tỉnh. Hội SX,CB&KDH Lạng Sơn tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm hồi Lạng Sơn; tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hồi giữa nông dân, các doanh nghiệp trong nước, các cơ quan, ban, ngành trong nước và quốc tế. Thúc đẩy liên kết thị trường theo hướng bền vững để nâng cao giá trị sản phẩm và dịch vụ từ cây hồi; khuyến khích nông dân trồng hồi tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác. Thực hiện liên kết giữa: Nhà nước – nhà nông – nhà khoa học- doanh nghiệp. Thông qua đó nhằm đa dạng hoá sản phẩm, mở rộng thị trường, tăng giá trị xuất khẩu, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
PHAN CẦU

Ý kiến ()