Thứ 2, 28/04/2025 04:39 [(GMT +7)]
Dạy học là một nghề cao quý
Thứ 3, 20/11/2012 | 09:59:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Dân tộc Việt Nam ta vốn có truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo. Dân ta vì trọng đạo làm người mà coi trọng giáo dục. Mục tiêu là học để làm người, để thành tài với phương châm giáo dục truyền thống là “Tiên học lễ, hậu học văn”. “Dạy học là một nghề cao quý trong các nghề cao quý”. Bất cứ ai đã chọn nghề dạy học làm nghiệp, ắt hẳn rất tự hào về nghề của mình. Nói là cao quý, vì đây là nghề trực tiếp giáo dục- đào tạo con người thành người có ích cho xã hội, cho đất nước. Đây là nghề “trồng người”, người thầy, vì thế mà được xã hội quan tâm.

Thầy giáo Trường PTDT Nội trú THCS huyện Cao Lộc
hướng dẫn các em học sinh học bài trên lớp – Ảnh: B.T
Thời xưa, người thầy được xếp ở vị trí thứ 2 trong thang bảng xếp thứ tự những đối tượng xứng đáng được tôn kính nhất: quân-sư-phụ. Dân gian đề cao vai trò người thầy “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, bởi vì “Không có thầy đố mày làm nên”. Cho nên nảy sinh tình cảm tốt đẹp dành cho người thầy “Muốn sang phải bắc cầu kiều/ muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Thời nay, những tình cảm tốt đẹp có tính truyền thống đó vẫn được duy trì. Đảng và Nhà nước ta đã xác định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, đã và đang làm những gì có thể đối với ngành giáo dục. Sứ mệnh “Trồng người” hết sức thiêng liêng và cao quý nhưng cũng hết sức nặng nề được đặt lên vai người thầy. Vì vậy người thầy cần phải có những phẩm chất nào đó để đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân, của Đảng và Nhà nước.
Bác Hồ rất quan tâm tới đội ngũ những người thầy giáo, Bác nói: “Nhiệm vụ giáo dục là rất quan trọng, vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục…Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội cho được? Vì vậy nghề thầy giáo là rất quan trọng, rất vẻ vang”. Những tấm gương cao đẹp của các thầy cô giáo xuất hiện ngày càng nhiều. Họ vừa là người thầy, vừa là cán bộ dân vận của Đảng và Chính phủ. Họ âm thầm thực hiện lời dạy của Bác Hồ là những “vô danh anh hùng”, đem tri thức của Đảng, của cách mạng và thời đại đến cho dân; giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo lớp lớp người công dân và cán bộ mới cho tương lai. Có người thầy giáo hầu như gần suốt cả đời gắn với miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trong số họ nhiều người đã hy sinh cả hạnh phúc riêng tư của mình vì nghề dạy học.
Như một tất yếu, đã chọn nghề dạy học làm nghiệp thì không thể nghĩ đến chuyện làm giàu. Muốn kiếm được nhiều tiền thì phải chọn nghề khác. Trong dạy học mà có tư tưởng kinh doanh kiến thức là sai lầm tệ hại. Từ xưa đến nay chưa thấy có ai làm giàu nhờ nghiệp dạy học cả. Làm thầy thì ắt phải biết yêu thương, khoan dung, độ lượng với học trò. Thiếu những phẩm chất ấy xin thầy chọn nghề khác. Cái tuổi “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba…” vốn chưa hoàn thiện về phẩm chất nhân cách, vì vậy mới rất cần đến sự giáo dục của người thầy. Thầy mà chấp nhặt, để bụng, định kiến hoặc nhăm nhăm bắt lỗi, xử phạt những lầm lỗi của trò, ấy cũng là lỗi của thầy vậy. Và như thế, thầy sẽ không thành công trong nhiệm vụ “Trồng người” của mình. Trong ứng xử với học trò, một điều có tính nguyên tắc là phải luôn luôn vì học sinh, nghĩa là phải đặt quyền lợi của học sinh lên hàng đầu. Các khẩu hiệu: “Tất cả vì học sinh thân yêu”, “Kỷ cương- Tình thương- Trách nhiệm”, “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” cũng là vì lẽ đó. Người thầy phải từ tình thương và trách nhiệm, lấy thiện tâm ra mà đối xử với trò, nhất là trò cá biệt, có như thế thì mới có thể cảm hóa được chúng.
Để thành công trong sự nghiệp “Trồng người”, tránh được những “tai nạn nghề nghiệp” không đáng có, người thầy cần phải thường xuyên trang bị tốt những kỹ năng sống thiết yếu. Yêu cầu này không thể ngày một ngày hai mà có được. Người thầy phải thường xuyên có ý thức tự rèn luyện lâu dài, không ngừng quan sát, lắng nghe, học hỏi, đúc rút kinh nghiệm ở mọi lúc mọi nơi. Như chúng ta đều biết không có thầy giỏi thì không có trò giỏi. Thầy giỏi thì trò ngưỡng mộ, có sức hút đặc biệt đối với trò. Thầy không giỏi chuyên môn cũng sẽ thiếu đi sự sáng tạo trong hành nghề, sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ được giao, là tự làm khó cho chính mình vậy. Không có con đường nào khác là người thầy phải biết khiêm tốn học hỏi, không ngừng nỗ lực rèn luyện chuyên môn, nâng cao tay nghề của mình

Học sinh Trường Mầm non, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn trong giờ tập tô – Ảnh: Thanh Hòa
Hiện nay, đất nước chúng ta đang xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị tường, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thì tính ưu việt của cơ chế thị trường sẽ là tiền đề tạo ra cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, chính cơ chế thị trường sẽ tạo ra những tiêu cực xã hội, lối sống thực dụng, làm cho đạo đức, văn hóa dân tộc bị ảnh hưởng, khoảng cách giàu nghèo càng nới rộng… Có nền giáo dục tốt, có những thầy giáo, cô giáo mẫu mực sẽ là vũ khí hữu hiệu chống lại những sự tha hóa đó.
Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, xin kính chúc sự nghiệp giáo dục tỉnh ta ngày càng phát triển. Kính chúc những “Người lái đò” trên dòng sông tri thức sẽ sáng mãi hình ảnh người thầy, cho dù cuộc sống còn nhiều bươn trải.

Poll
Ý kiến ()