Đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng kỷ nguyên AI
Thị trường AI Việt Nam sẽ tăng từ 470 triệu USD vào năm 2022 lên 1.520 triệu USD vào năm 2030. Dân số trẻ và khả năng tiếp cận công nghệ nhanh của đội ngũ nhân lực Việt Nam là một trong những điểm mạnh để phát triển thị trường AI.

Ngày 19/4, Trường đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp FISU Việt Nam tổ chức Hội thảo "Đào tạo ICT trong kỷ nguyên AI".
Đây là sự kiện quan trọng quy tụ các chuyên gia, giảng viên và lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI), nhằm thảo luận về các xu hướng mới nhất trong đào tạo ICT (công nghệ thông tin và truyền thông), nhất là ứng dụng AI trong giáo dục.
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Tú Anh, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ thông tin nhấn mạnh, hội thảo tạo cơ hội cho các chuyên gia trong ngành chia sẻ và thảo luận về những xu hướng tiên tiến trong đào tạo ICT và AI, đặc biệt là những ứng dụng thực tiễn trong giáo dục.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận, phân tích, cũng như cung cấp cái nhìn toàn diện về các ứng dụng AI trong giáo dục và đào tạo, từ đào tạo gắn với doanh nghiệp đến ứng dụng trong đào tạo ngoại ngữ và quản trị đại học.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Công nghệ thông tin, Chủ tịch Hội tin học Việt Nam, Chủ tịch Câu lạc bộ Khoa - Trường - Viện Công nghệ thông tin Việt Nam (FISU Việt Nam) cho biết, AI đang làm thay đổi sâu sắc mọi khía cạnh của cuộc sống, đòi hỏi ngành ICT phải chuyển mình mạnh mẽ để không chỉ bắt kịp mà còn đóng vai trò dẫn dắt xã hội tiến tới một tương lai ứng dụng AI bền vững.
“Đào tạo ICT cần được định hướng lại để chuẩn bị nguồn nhân lực thúc đẩy chuyển đổi AI hiệu quả và có trách nhiệm, vì một xã hội nhân văn và phát triển”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Thủy nói.
Theo dự báo của Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiển, Trưởng khoa Khoa học máy tính, Trường đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Việt-Hàn (Đại học Đà Nẵng), thị trường AI Việt Nam sẽ tăng từ 470 triệu USD vào năm 2022 lên 1.520 triệu USD vào năm 2030.
Năm 2023, tỷ lệ sử dụng Internet và mạng xã hội tại Việt Nam đạt gần 77 triệu người dùng, chiếm hơn 79% dân số của quốc gia.

Số lượng người dân tiếp cận Internet, dân số trẻ và khả năng tiếp cận công nghệ nhanh của đội ngũ nhân lực Việt Nam là một trong những điểm mạnh để phát triển thị trường AI.
Dự kiến đến năm 2030, AI tạo sinh sẽ đóng góp cho nền kinh tế số của Việt Nam với giá trị lên đến 14.000 tỷ đồng.
Thông qua hội thảo, Ban tổ chức hy vọng sẽ tạo ra một diễn đàn hữu ích để thúc đẩy sự phát triển của công nghệ thông tin và AI trong giáo dục, mở rộng cơ hội hợp tác giữa các trường đại học, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước.

Ý kiến ()