Đại úy QNCN Nguyễn Thị Mỹ Linh: Giữ “lửa” sân khấu kịch nói bằng trái tim người lính
Đại úy QNCN Nguyễn Thị Mỹ Linh, diễn viên Đoàn diễn 1, Nhà hát Kịch nói Quân đội, người gắn bó với sân khấu kịch nói đến nay hơn một thập kỷ, đang miệt mài giữ lửa sân khấu kịch nói bằng sự nhiệt huyết, đam mê cống hiến của một trái tim người lính.
Những chuyến đi không có điểm dừng
Sân khấu mở màn, một tràng pháo tay vang lên. Giữa ánh đèn, Đại úy QNCN Nguyễn Thị Mỹ Linh, diễn viên Đoàn Diễn 1, Nhà hát Kịch nói Quân đội hóa thân đầy nội lực vào nhân vật nữ bác sĩ Huyền trong vở “Điện Biên vẫy gọi”. Dáng người nhỏ nhắn, ánh mắt sáng và giọng nói đầm ấm, chị khiến khán phòng rưng rưng xúc động khi vào vai nữ bác sĩ không quản hiểm nguy, tìm mọi phương án cứu chữa thương binh giữa mưa bom bão đạn quân thù. Ít ai biết rằng, phía sau sự nhập vai tròn trịa ấy là cả hành trình khổ luyện và một tình yêu sâu sắc dành cho loại hình nghệ thuật vốn kén người xem: Kịch nói.

Chúng tôi có dịp gặp Mỹ Linh ngay sau thành công của đêm diễn. Chị có vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng, cuốn hút bởi gương mặt khả ái và đôi mắt biết nói. Lúc ánh lên nét sắc sảo của nhân vật trên sân khấu, khi lại chan chứa yêu thương. Nụ cười luôn thường trực trên môi, tỏa ra năng lượng tích cực và gần gũi. Chính thần thái ấy khiến chị trở thành điểm sáng nổi bật trên sân khấu kịch nói Quân đội những năm gần đây.

Mỹ Linh tâm sự, trong năm 2024, chị đã cùng đồng đội đã thực hiện 80 đêm diễn, một con số không dễ với bất kỳ nghệ sĩ nào, đặc biệt là nghệ sĩ Quân đội. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2025, Mỹ Linh tiếp tục tham gia 60 đêm diễn xuyên ba miền Bắc-Trung-Nam. Gọi đó là những “chuyến đi không có điểm dừng” cũng không quá lời. Bởi có những hôm, diễn xong lúc 22 giờ ở Nghệ An, rạng sáng hôm sau đã phải có mặt ở Hà Tĩnh cho một chương trình khác. Hành trình nối tiếp hành trình, vai diễn nối tiếp vai diễn, nhưng mỗi lần đứng trước khán giả, chị đều giữ cho mình sự tươi mới.

“Đi diễn nhiều, cực lắm chứ! Có đêm tôi kiệt sức đến mức không kịp tẩy trang, thiếp đi trên ghế hậu đài. Nhưng rồi sáng hôm sau tỉnh dậy, lại thấy lòng mình nhẹ nhõm, có gì đó tiếp thêm năng lượng. Có lẽ vì tôi được sống trong cảm xúc của khán giả, trong những câu chuyện đẹp mà kịch nói mang lại”, Mỹ Linh kể, giọng trầm lại.
Với Mỹ Linh, những chuyến đi như thế không đơn thuần là nhiệm vụ, mà đã thành nhịp sống. Đêm ở Trường Sa, chị diễn vở kịch ngắn “Đôi mắt sáng” giữa tiếng sóng rì rào, những người lính biển gật gù theo từng câu thoại. Có đêm diễn tại vùng cao Lào Cai, bà con dân tộc thiểu số xem xong vở “Lời nói dối cuối cùng” đã ngồi lại đến phút cuối, rồi lặng lẽ bắt tay, gật đầu, có người còn dúi vào tay chị chiếc vòng tay thổ cẩm làm quà.
“Những lúc như thế, tôi thấy mình không mệt nữa. Chỉ thấy mình may mắn vì còn được diễn, còn được lắng nghe tiếng vỗ tay thật lòng, còn được đi để mang nghệ thuật đến gần với cuộc sống”, Mỹ Linh thổ lộ.
Giữ khán giả bằng cảm xúc thật
Trong thời đại bùng nổ công nghệ giải trí, khi mạng xã hội và các nền tảng video ngắn chiếm lĩnh thị trường, sân khấu kịch, đặc biệt là kịch chính luận, kịch truyền thống ngày càng khó khăn trong việc giữ chân khán giả. Có những đêm diễn tại rạp, dù được đầu tư nội dung và nghệ thuật nhưng vẫn không tránh khỏi sự thiếu vắng khán giả.
Nguyễn Thị Mỹ Linh hiểu rõ thực trạng ấy. Nhưng chị chưa từng nghĩ đến chuyện rẽ ngang. “Nếu mình không làm tới cùng, không dốc hết tâm huyết cho nghề thì ai sẽ làm? Kịch nói sẽ lùi vào quên lãng nếu thiếu những người nghệ sĩ dám cống hiến”, chị chia sẻ. Với Mỹ Linh, mỗi vai diễn là cơ hội kể một câu chuyện tử tế, chạm đến lòng người. Không chạy theo thị hiếu dễ dãi, chị chọn con đường gian khó nhưng đầy ý nghĩa: Tập trung vào chất lượng nghệ thuật và khả năng đồng cảm với khán giả. Đó là thứ “ánh sáng” cần được giữ gìn của nghệ thuật chân chính, dù lặng lẽ nhưng không tắt.

Bắt đầu từ những vai phụ khi chị bước chân về Nhà hát năm 2015 như Lẫm trong “Thời gian không im lặng”, nữ thanh niên xung phong trong “Tóc mây Lèn Hà”...và nhanh chóng chị tạo được ấn tượng, khẳng định được dấu ấn của riêng mình khi năm 2016, chị được giao vai chính ca sĩ Hương Ly trong vở “Người Hà Nội” - vai diễn xuất sắc giành Huy chương Vàng tại Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ 2 năm 2016.
Liên tục sau đó, mỗi năm, chị đảm nhận từ một đến hai vai chính/phụ trong các chương trình của Nhà hát, để đến năm 2024 đánh dấu bước chuyển mình về chiều sâu nội tâm, khẳng định bản lĩnh diễn xuất với vai o Nguyễn Thị Xuân trong vở “Vầng trăng trinh liệt”, Mỹ Linh giành Huy chương Vàng tại Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc năm 2024 - một huy chương danh giá, một cơ hội khẳng định nghề mà không phải diễn viên nào cũng may mắn có được. Trước đó, chị cùng ê-kíp đoạt Huy chương Bạc tại Liên hoan Sân khấu Quốc tế Thử nghiệm lần thứ 5 với vở “Hoa khôi dạy chồng”.
Những khán phòng không cần ghế bọc nhung
Không phải sân khấu nào cũng có ánh đèn rực rỡ, khán giả ngồi ghế nhung sang trọng, hoa tươi thơm ngát. Với Mỹ Linh và các diễn viên Nhà hát Kịch nói Quân đội, nhiều đêm diễn có khi chỉ là khoảng sân bê tông lợp bạt, hay một khán phòng nhỏ ở doanh trại bộ đội. Có nơi điện yếu, thiết bị thô sơ, thậm chí chưa đủ điều kiện để hát micro. Nhưng kỳ lạ thay, chính những sân khấu ấy lại khiến chị xúc động nhất.
Chị kể về một đêm diễn ở huyện đảo Cô Tô. Trời đổ mưa bất chợt, mái sân khấu bị dột. Nhưng khán giả vẫn không rời chỗ. Các chiến sĩ lấy áo mưa che cho diễn viên. Mỹ Linh nghẹn giọng khi nhắc lại: “Chúng tôi diễn trong mưa, không ai bảo ai, cứ tiếp tục. Sau màn cuối, tiếng vỗ tay vang lên trong tiếng mưa rơi, và tôi đã khóc. Không phải vì mệt, mà vì xúc động đến tận cùng”.
Mỹ Linh gọi đó là “những khán phòng không cần ghế bọc nhung”, nơi mà tình cảm giữa người diễn và người xem gần gũi đến độ không cần ngôn từ hoa mỹ. Sự đồng cảm ấy chính là phần thưởng lớn nhất của người nghệ sĩ.

Trong thời buổi kịch nói ngày càng thu hẹp khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, Mỹ Linh hiểu rõ con đường mình chọn không dễ đi. Nhưng cũng chính vì thế, chị càng quyết tâm ở lại, càng muốn làm điều gì đó cho sân khấu một thứ nghệ thuật cần sự kiên trì và tử tế.
Mỹ Linh trải lòng: “Không phải ai cũng thích kịch nói. Có những buổi diễn, khán giả ngồi lác đác. Nhưng tôi vẫn diễn như thể khán phòng kín người, vì tôi tin chỉ cần một người xúc động, là vai diễn ấy có giá trị”. Từng có thời điểm, chị phân vân: “Liệu mình có đang quá mộng mơ không khi giữ một tình yêu với sân khấu giữa thời đại kinh tế thị trường?”. Nhưng rồi, một cậu bé khuyết tật nắm tay chị sau buổi diễn và nói: “Cô diễn như đang kể chuyện của cháu”, đã khiến chị im lặng rất lâu. Và rồi, chị bước tiếp.
Nữ diễn viên Mỹ Linh và các diễn viên Nhà hát Kịch nói Quân đội ngoài những chuyến công tác đi biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc, nhất là những nơi vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, những bản làng xa xôi, nơi mà bà con dân tộc rất ít có cơ hội được thưởng thức nghệ thuật vì ít khi có đoàn nghệ thuật đến biểu diễn, họ còn cần mẫn mang kịch đến gần hơn với công chúng khán giả khi chị cùng đồng đội thực hiện nhiều chương trình vì cộng đồng như tham gia các chương trình sân khấu thực cảnh: “Trở về bến phà xưa”, “Hãy giữ lấy màu xanh”, truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ trẻ em, các chương trình kỷ niệm những ngày lễ lớn, trọng đại của đất nước được truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc phòng Việt Nam...
“Tôi tin rằng nghệ thuật không chỉ để giải trí, mà còn để chữa lành và nâng đỡ con người”, Mỹ Linh khẳng định.
Nghệ sĩ-chiến sĩ: Hai vai diễn hòa làm một
Trong hơn mười năm về công tác tại Nhà hát Kịch nói Quân đội, với vai trò là nghệ sĩ, chị hóa thân vào vài chục nhân vật chính, phụ trên sân khấu. Là quân nhân, chị hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ chính trị, huấn luyện, bắn súng, diễn tập. Vai nào Đại úy QNCN Nguyễn Thị Mỹ Linh cũng hoàn thành trọn vẹn. Trong vai trò Bí thư Chi đoàn Nhà hát Kịch nói Quân đội, Mỹ Linh cùng đồng đội tổ chức thành công nhiều hoạt động tình nguyện, gắn kết nghệ sĩ trẻ với cộng đồng, khơi dậy nhiệt huyết tuổi trẻ trong từng chương trình nghệ thuật. Những hoạt động như: “Xuân đoàn kết-Tết thắm tình quân dân”, “Mẹ đỡ đầu”, “Hiến máu tình nguyện”... đều in dấu ấn của Mỹ Linh và tập thể Chi đoàn.
Với Mỹ Linh, làm nghệ sĩ-chiến sĩ không phải là gồng mình gánh hai vai, mà là “sống một đời sống có trách nhiệm và cảm xúc trọn vẹn”. Mỗi buổi sáng là người lính nghiêm túc trên thao trường, mỗi buổi tối lại là người nghệ sĩ cháy hết mình dưới ánh đèn sân khấu.
Với sự nỗ lực không mệt mỏi trong suốt hành trình hơn 10 năm theo nghề, Đại úy QNCN Nguyễn Thị Mỹ Linh đã nhận được nhiều danh hiệu: Huy chương Vàng tại Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ II năm 2016; Huy chương Vàng tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2024; Huy chương Bạc tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân” lần thứ V năm 2025...; Gương mặt trẻ triển vọng toàn quân; Chiến sĩ Thi đua cơ sở liên tục nhiều năm... Nhưng với chị, thành tựu lớn nhất là “vẫn còn thấy tim mình run lên mỗi khi bước ra sân khấu”.

Đại tá, NSƯT Lê Thị Mai Phương, Giám đốc Nhà hát Kịch nói Quân đội nhận xét: “Mỹ Linh là nghệ sĩ trẻ hội tụ đủ đức và tài. Mỹ Linh nghiêm túc với nghề, chân thành với khán giả và có khả năng lan tỏa lý tưởng sống rất đặc biệt. Em là một hình mẫu nghệ sĩ Quân đội trong thời kỳ mới”.
Đại tá Đỗ Toàn, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Nhà hát Kịch nói Quân đội đánh giá: “Ở Mỹ Linh có sự bền bỉ của người lính và chiều sâu của người nghệ sĩ. Linh không ngại khổ, không ngại thử thách, mà luôn tìm thấy động lực trong từng đêm diễn. Đó là điều rất đáng quý”.
Từ vai phụ đến những vai chính nội tâm phức tạp, từ những buổi tập giữa trưa hè đổ lửa đến những đêm diễn lội bộ vào các đồn biên phòng, các bản làng vùng cao, mỗi bước chân Mỹ Linh đi là một lát cắt chân thật của người nghệ sĩ-chiến sĩ. Chị không tô vẽ sự nghiệp bằng những lời hoa mỹ, những hình ảnh khoa trương, mà lặng lẽ cống hiến, như một ngọn lửa âm ỉ, chưa bao giờ tắt.
Một lời thoại trong vở diễn Mỹ Linh từng tham gia có câu: “Đừng để ngọn lửa trong tim nguội tắt chỉ vì người ta không nhìn thấy ánh sáng của nó.” Với chị, ngọn lửa ấy không chỉ rực sáng trên sân khấu, mà còn âm ỉ cháy trong từng chuyến đi, từng đêm diễn, từng lần nắm tay khán giả... Như một lời hứa thầm lặng với nghề, với người và với chính mình.

Ý kiến ()