Cựu Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol bị bắt lần 2
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol bị bắt lần hai liên quan đến các cáo buộc mới; Hamas đồng ý thả 10 con tin trong khuôn khổ đàm phán ngừng bắn.
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol bị bắt lần hai
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, người bị phế truất và đang bị xét xử vì tội nổi loạn, vừa bị bắt giữ lần thứ hai, sau khi công tố viên đặc biệt đưa ra thêm cáo buộc hình sự liên quan đến tuyên bố thiết quân luật.

Ông Yoon từng bị Quốc hội Hàn Quốc luận tội vào tháng 12/2024 và bị bắt giữ vào tháng 1/2025, sau nỗ lực ngắn ngủi nhằm áp đặt thiết quân luật. Tháng 3, ông được tạm thả do tòa án xác định bên công tố vi phạm thủ tục tố tụng, nhưng cáo trạng vẫn còn hiệu lực.
Tháng 4, Tòa án Hiến pháp chính thức phế truất ông. Ông trở thành tổng thống Hàn Quốc đầu tiên bị truy tố hình sự khi còn đương chức.
Kể từ đó, ông Yoon tiếp tục hầu tòa trong tình trạng tại ngoại. Ông thường được nhìn thấy đi dạo quanh khu phố ở phía nam thủ đô Seoul, trong khi nhiều tướng lĩnh và cảnh sát cấp cao - bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời ông - vẫn đang bị giam giữ.
Mọi việc thay đổi khi một nhóm công tố viên đặc biệt do Tổng thống mới Lee Jae-myung bổ nhiệm chính thức vào cuộc. Công tố viên đặc biệt Cho Eun-suk yêu cầu tòa án phát lệnh bắt giữ mới đối với ông Yoon, lần này với các cáo buộc cản trở công lý và giả mạo tài liệu công vụ.
Sau phiên điều trần vào 9/7, thẩm phán Nam Se-jin phán quyết hôm 10/7 rằng ông Yoon có khả năng tiêu hủy bằng chứng nếu tiếp tục được tự do, và ban hành lệnh bắt giữ. Ông Yoon bị đưa về trại giam phía nam Seoul ngay trong ngày.
Hamas đồng ý thả 10 con tin
Nhóm vũ trang Hamas tuyên bố hôm 9/7 rằng họ đồng ý thả 10 con tin như một phần nỗ lực đạt thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza. Tuy nhiên, nhóm cho biết các cuộc đàm phán hiện vẫn rất khó khăn, chủ yếu do sự “cứng rắn” từ phía Israel.
Theo Hamas, các cuộc đàm phán vướng mắc ở nhiều điểm then chốt, bao gồm việc cho phép viện trợ nhân đạo tiếp tục chảy vào dải Gaza, yêu cầu rút hoàn toàn lực lượng Israel khỏi khu vực, cũng như đòi hỏi cam kết thực chất cho lệnh ngừng bắn lâu dài.
Hamas nhấn mạnh bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải đi kèm với những đảm bảo rõ ràng và đáng tin cậy để chấm dứt chiến sự một cách bền vững, chứ không chỉ là ngừng bắn tạm thời. Hiện các cuộc đàm phán được Ai Cập và Qatar làm trung gian. Israel chưa phản hồi chính thức về việc có chấp nhận các điều kiện hay không.
Mỹ muốn thêm nhiều nước châu Phi nhận người bị trục xuất

Khi Tổng thống Trump tiếp đón các lãnh đạo của năm quốc gia Tây Phi tại Nhà Trắng hôm 9/7, chính quyền Mỹ đồng thời gửi đề xuất yêu cầu các nước này tiếp nhận những người di cư bị trục xuất khỏi Mỹ - đặc biệt là những người mà quốc gia gốc từ chối hoặc trì hoãn việc tiếp nhận lại.
Các quốc gia được đề nghị gồm Liberia, Senegal, Mauritania, Gabon và Guinea-Bissau. Trước khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra, Bộ Ngoại giao Mỹ gửi cho các nước này tài liệu nội bộ đề nghị họ đồng ý tiếp nhận các công dân nước thứ ba - những người đang chờ xin tị nạn tại Mỹ - theo hình thức “chuyển giao an toàn, có trật tự và đúng lúc".
Trong phát biểu khai mạc, ông Trump ám chỉ yêu cầu này khi nói: “Tôi hy vọng chúng ta có thể giảm tình trạng người nước ngoài lưu trú quá hạn visa, đồng thời đạt tiến bộ trong các thỏa thuận quốc gia an toàn thứ ba".
Theo tài liệu, các quốc gia tiếp nhận phải cam kết không trục xuất những người di cư này về quốc gia gốc cho đến khi Mỹ đưa ra quyết định cuối cùng về đơn xin tị nạn của họ.
Hiện chưa rõ liệu quốc gia nào trong số năm nước tham gia hội nghị chấp nhận đề xuất của Mỹ hay chưa. Trong phần họp báo công khai, không nhà lãnh đạo nào đề cập đến vấn đề này. Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao cũng không phản hồi yêu cầu bình luận. Các đại sứ quán của năm quốc gia nêu trên cũng chưa lên tiếng.
Mỹ cũng gợi ý rằng hợp tác trong lĩnh vực di trú sẽ giúp các nước châu Phi tiếp cận thêm cơ hội thương mại với Mỹ - điều mà Washington đang ưu tiên hơn so với viện trợ truyền thống. Gần đây, chính quyền Trump đã giải thể USAID (Cơ quan Viện trợ Phát triển Quốc tế), vốn là nguồn viện trợ lớn nhất cho châu Phi trong nhiều thập kỷ.
Ông Trump dọa áp thuế 50% Brazil
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 9/7 đe dọa áp mức thuế 50% lên hàng hóa từ Brazil bắt đầu từ ngày 1/8, nếu nước này không chấm dứt điều mà ông gọi là “cuộc săn phù thủy” nhắm vào cựu Tổng thống Jair Bolsonaro. .
Trong thư, ông Trump tuyên bố: “Cuộc săn phù thủy này cần chấm dứt ngay lập tức!”
Ông Bolsonaro đang đối mặt với phiên tòa vì bị cáo buộc âm mưu đảo chính nhằm lật đổ Tổng thống Lula sau cuộc bầu cử năm 2022. Ông Bolsonaro từng khoe khoang về mối quan hệ thân thiết với ông Trump.
Brazil không nằm trong danh sách thuế “có đi có lại”, trong khi 21 quốc gia khác đã nhận thư từ ông Trump tuần này để thông báo mức thuế. Hàng hóa từ Brazil hiện chỉ bị áp mức thuế tối thiểu 10%. Với diễn biến mới, mức thuế có thể tăng vọt lên 50% nếu hai nước không đạt được thỏa thuận thương mại.

Ý kiến ()