Thứ 4, 30/04/2025 10:50 [(GMT +7)]
Công tác TDTT nỗ lực qua những chặng đường phát triển
Thứ 2, 24/10/2011 | 10:09:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Chăm sóc sức khoẻ, tăng cường thể chất của mọi tầng lớp nhân dân được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sức khoẻ của toàn dân. Ngay sau khi nước nhà được độc lập, Người đã kêu gọi toàn dân tham gia luyện tập thân thể, nhằm nâng cao sức khoẻ, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng giống nòi, giáo dục nhân cách phục vụ cho học tập và lao động sản xuất cũng như sãn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Từ nhận thức đó, trải qua biết bao thế hệ, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, các em học sinh, cán bộ công nhân viên chức lao động, các tổ chức đoàn thể … đã đẩy mạnh các hoạt động thêrể dục thể thao (TDTT) trong xã hội; trong đó phải kể đến phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư“, đã kích thích phong trào rèn luyện thân thể thao gương Bác Hồ vĩ đại trong các tầng lớp nhân dân ngày một phát triển. Các chính sách ưu tiên đầu tư xây dựng các thiết chế cho hoạt động ngày càng nhiều hơn. Công tác xã hội hoá lĩnh vực TDTT đã huy động được nguồn lực của toàn xã hội.
![]() |
Quy mô hoành tráng lễ khai mạc Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VI năm 2010 |
Nhìn lại cách đây khoảng 15 năm, lĩnh vực TDTT trên địa bàn tỉnh chỉ thấy xuất hiện một vài hoạt động bề nổi nhân các sự kiện, ngày kỷ niệm, ngày lễ và chỉ tập trung vào các môn thể thao đông người như: bóng chuyền, bóng đá, điền kinh và các hoạt động mang tính thể dục tại các trường học. Nhằm đẩy mạnh phong trào rèn luyện thân thể trong mọi tầng lớp dân cư, trong nhiều năm qua, tỉnh ta đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh các hoạt động xã hội hoá công tác TDTT, huy động mọi nguồn lực của xã hội đóng góp cho lĩnh vực TDTT.
Tính đến thời điểm hiện nay, toàn có 9/11 huyện, thành phố thành lập trung tâm văn hoá- thể thao. Phong trào TDTT quần chúng đã có bước phát triển sâu rộng; từ chỗ cách đây 15 năm, số người luyện tập thể thao thường xuyên chiếm tỷ lệ không đáng kể; đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 23% số người luyện tập thường xuyên; số học sinh trong các trường học duy trì môn thể dục ngoại khoá chiếm 80,3%. Về lĩnh vực tổ chức thi đấu các giải phong trào thể thao cấp tỉnh, 5 năm trở lại đây, cấp tỉnh tổ chức từ 13-15 giải. Đối với cấp huyện, các giải thể thao phong trào cũng được tổ chức ngày càng nhiều, bình quân mỗi huyện từ 6-9 giải.
Một số sở, ban, ngành cũng đã tổ chức các giải thể thao nội bộ, giải thể thao mở rộng liên ngành, nhằm giao lưu học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Các hoạt động thể thao, tổ chức thi đấu thể thao đã thu hút một phần kinh phí xã hội hóa. Thông qua các hoạt động, phong trào TDTT quần chúng, đến nay, tỉnh ta đã hình thành 915 câu lạc bộ, điểm, nhóm luyện tập thể thao; thành lập được 3 liên đoàn thể thao: Liên đoàn bóng đá, Liên đoàn quần vợt, Liên đoàn cầu lông và đang xúc tiến thành lập Liên đoàn bóng bàn.
Về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động TDTT, bằng nhiều nguồn lực, hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có trên 1.000 nhà thi đấu, nhà tập luyện, sân bóng đá, phòng tập thể thao, phòng tập võ thuật… dành cho các môn thể thao quần chúng. Riêng về sân bãi tập thể thao ở cấp xã, phường và thị trấn, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí cho các xã đầu tư xây dựng; như Chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 07/2009/NQ-HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ mỗi sân thể thao cấp xã 40 triệu đồng; đồng thời huy động nhân dân đóng góp hàng tỷ đồng đầu tư sân tập thể thao. Thông qua chính sách hỗ trợ này, đến nay, toàn tỉnh đã có 162 xã, thị trấn có sân tập thể thao, đạt 71,7%.
Đối với công tác TDTT thành tích cao, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết số 18 từ năm 2002 về phát triển thể thao thành tích cao. Sau gần 10 năm, công tác TDTT thành tích cao đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tỉnh ta tham dự Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V/2006 và lần thứ VI/2010 đều giành được huy chương và xếp ở tốp trung bình trong số các tỉnh khu vực miền núi; được UBTDTT đánh giá là một trong những tỉnh có triển vọng phát triển các môn võ. Mỗi năm tỉnh ta chọn cử gần 50 lượt VĐV tham dự từ 10-15 giải thi đấu cấp quốc gia và khu vực và giành nhiều huy chương về cho tỉnh nhà. Một số môn: wushu, boxinh, võ cổ truyền, Karatedo, Vovinam, điền kinh, cầu lông trẻ… đã có VĐV đạt danh hiệu kiện tướng, VĐV cấp I (Cấp quốc gia).
Để tiếp tục khẳng định thế mạnh của công tác thể thao thành tích cao, ngày 8/8/2011, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1243/QĐ-UBND về “Phê duyệt đề án phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011-2015”. Từ đây, công tác thể thao thành tích cao sẽ có thêm cơ hội góp phần đưa sự nghiệp thể thao tỉnh ta phát triển lên một tầm cao mới.

Poll
Ý kiến ()