Cơ hội nào cho người lao động mua nhà?
Giá nhà chung cư ngày càng tăng khiến khoảng cách giữa thu nhập của người lao động và giá trị của bất động sản tiếp tục rộng thêm. Việc sở hữu một mái ấm trở thành thách thức lớn đối với người lao động, nhất là người trẻ. Rút ngắn khoảng cách này đang là bài toán khó, đòi hỏi các chính sách cụ thể, thiết thực và sự vào cuộc, đồng hành của các cơ quan chức năng.
Khi cung - cầu chưa "gặp" được nhau
Theo khảo sát của các cơ quan chức năng, nhu cầu sở hữu nhà ở của đối tượng người lao động, nhất là người trẻ ở các thành phố lớn trên cả nước hiện rất lớn. TP Hồ Chí Minh có dân số khoảng 14 triệu người, nhu cầu về nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030 khoảng 850.000 căn hộ. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã giao TP Hồ Chí Minh xây dựng 100.000 căn hộ nằm trong chương trình xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030. Tuy nhiên, con số đó mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu nhà ở tại thành phố này. Còn trên thực tế, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, số lượng nhà ở xã hội tại thành phố mới được khoảng 6.000 căn.
Còn tại TP Hà Nội, sau 4 năm triển khai đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, thành phố mới bàn giao 13 dự án, trong đó có 10 dự án hoàn thành toàn bộ và 3 dự án hoàn thành một phần với khoảng 11.300 căn hộ. Trong khi đó, theo tính toán của các chuyên gia, mỗi năm Hà Nội tăng thêm mới 120.000 hộ gia đình, đồng nghĩa số lượng căn hộ mới đáp ứng nhu cầu của các gia đình cũng tăng lên đáng kể.

Nhu cầu về nhà ở tại các đô thị lớn không ngừng tăng, trong khi nguồn cung bất động sản luôn ở tình trạng “hụt trước thiếu sau” dẫn đến giá nhà ở (cả nhà ở xã hội và nhà ở thương mại) liên tục được người bán thiết lập mặt bằng mới. Mặt khác, chưa có chế tài nào xác định và xử lý hành vi đầu cơ, thổi giá chung cư bởi các bên tham gia giao dịch mua bán theo nguyên tắc “thuận mua vừa bán”.
Gặp khó khăn với bài toán tìm căn hộ phù hợp với nguồn tài chính hiện có, chị Nguyễn Thị Vân Ánh, 32 tuổi, nhân viên kinh doanh của một công ty tại Hà Nội, cho biết: “Tài chính có hơn 1 tỷ đồng, vì vậy chúng tôi có ý định tìm mua căn chung cư tầm giá hơn 2 tỷ đồng để có cơ sở trả nợ. Thế nhưng, từ cuối năm 2024 đến nay, giá các khu chung cư tăng đến chóng mặt. Với số tiền mà chúng tôi tính toán thì gần như không tiếp cận được với căn hộ nào. Nếu mua căn hộ có giá khoảng 3,5 tỷ đồng thì với tổng thu nhập 30 triệu đồng/tháng của hai vợ chồng, chúng tôi sẽ rất khó gồng gánh trả nợ khoản vay hơn 2 tỷ đồng. Chưa kể, lãi suất vay ngân hàng gói hỗ trợ mua nhà thường thả nổi sau một đến hai năm đầu ưu đãi".
Tại những thành phố lớn, các căn hộ chung cư được đầu tư xây dựng theo 3 phân khúc: Cao cấp, trung cấp và thứ cấp. Trên thực tế, giá căn hộ chung cư thứ cấp tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trung bình đang nằm ở mức 70-80 triệu đồng/m², trong khi căn hộ có mức giá dưới 50 triệu đồng/m² xuất hiện rất ít trên sàn giao dịch bất động sản. Như vậy, với mức thu nhập trung bình của người lao động 15-25 triệu đồng/tháng, việc mua một căn hộ có giá 3-5 tỷ đồng gần như là điều không tưởng nếu không có hỗ trợ từ các gói vay ưu đãi hoặc hỗ trợ từ gia đình, người thân.
Cần giải pháp quyết liệt, đồng bộ
Để người có thu nhập thấp và người trẻ có thể sở hữu được một căn nhà ở xã hội hay nhà ở thương mại giá rẻ, thời gian qua, Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương đã có nhiều chủ trương, chính sách cụ thể, thiết thực. Ví như đầu tháng 3-2025, Chính phủ đã tổ chức hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất thành lập Quỹ nhà ở quốc gia; chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn cho việc phát triển nhà ở xã hội, đồng thời hoàn thành các chỉ tiêu trong Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Đồng hành giúp người trẻ gỡ khó trong vấn đề tài chính, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á châu (ACB) đã tiên phong công bố gói vay “Ngôi nhà đầu tiên”. Gói vay này dành cho người dưới 35 tuổi, lãi suất ưu đãi từ 5,5%/năm, thời gian vay có thể kéo dài đến 30 năm. Đặc biệt, khách hàng có thể linh hoạt trả nợ với số tiền nhỏ trong những năm đầu, sau đó tăng dần theo thu nhập-một cách tiếp cận rất phù hợp với lộ trình phát triển tài chính cá nhân của người trẻ.
Đề cập đến vấn đề tháo gỡ khó khăn cho người lao động có thu nhập thấp và người trẻ có cơ hội sở hữu một căn nhà, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Khu vực II, cho rằng, việc phát triển phân khúc nhà ở giá rẻ là lời giải cho bài toán chi phí nhà ở trong bối cảnh thu nhập của người lao động còn hạn chế. Cùng với đó, tăng cường triển khai các gói tín dụng ưu đãi dành cho đối tượng có thu nhập thấp và người trẻ như lãi suất thấp, thời hạn vay dài, tạo điều kiện để người trẻ tiếp cận dễ dàng với việc sở hữu nhà ở.
Đồng tình với chủ trương và cách làm của Chính phủ, tại Tọa đàm “Bất động sản: Nhà ở cho người trẻ" do Báo Người lao động phối hợp với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng, mở rộng hỗ trợ tài chính và các gói vay ưu đãi với chính sách cho vay hợp lý, kéo dài thời gian trả nợ từ 20 năm lên 25-40 năm là một trong những giải pháp quan trọng giúp người lao động có thu nhập thấp và người trẻ giảm áp lực tài chính hằng tháng.
Tuy nhiên, theo đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cùng với hỗ trợ về tài chính thì vấn đề căn cốt giữ vai trò quan trọng là Chính phủ phải có các giải pháp, biện pháp quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai phát triển các dự án nhà ở xã hội và nhà thương mại giá rẻ, phù hợp với thu nhập của người lao động và người trẻ. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần có chính sách đòn bẩy đối với các doanh nghiệp như hỗ trợ thủ tục đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt dự án...
Nhận định về các chính sách tạo điều kiện cho người lao động, nhất là người trẻ mua nhà, các chuyên gia thống nhất cho rằng, cần có sự phối hợp đồng thời giữa chính sách của Nhà nước, lãi suất từ ngân hàng và sự vào cuộc của các chủ đầu tư (các doanh nghiệp). Một sản phẩm giá thành hợp lý, có chính sách cho vay dài hạn hơn, với lãi suất ưu đãi ổn định duy trì trong vòng 10-20 năm sẽ là những thay đổi mang tính chiến lược. Chỉ như vậy mới giúp người mua nhà thực sự hưởng lợi và hỗ trợ thị trường bất động sản một cách hiệu quả. Tuy nhiên, đi kèm với cơ chế, chính sách hỗ trợ thì cũng cần có cơ chế kiểm soát đối tượng mua nhà thật chặt chẽ, bảo đảm chính sách đến đúng người, đúng đối tượng, tránh bị trục lợi.

Ý kiến ()